Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết trong quá trình sửa Luật Đầu tư, bộ đã đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, không rõ vì sao trong năm 2020-2021 việc này chưa được chấp thuận?

Bộ trưởng thắc mắc vì sao chưa đưa việc dạy thêm vào ngành kinh doanh có điều kiện?

Lam Thanh | 20/11/2023, 14:05

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết trong quá trình sửa Luật Đầu tư, bộ đã đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, không rõ vì sao trong năm 2020-2021 việc này chưa được chấp thuận?

Thiếu cơ sở pháp lý về dạy thêm ngoài nhà trường

Giải trình các ý kiến của đại biểu quốc hội vấn đề dạy thêm và học thêm tại phiên họp sáng nay (20.11), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết "đây là vấn đề lớn".

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, dạy thêm, học thêm và việc học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế của người học và rất đa dạng.

Bộ đã có nhiều văn bản quy định, đặc biệt đã ban hành Thông tư 17 quy định kiểm soát dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ nhà trường; quy định những vấn đề trong đạo đức của nhà giáo; quy tắc ứng xử học đường, văn hóa học đường… Ngoài ra, có đầy đủ các quy định về vấn đề dạy thêm, học thêm trong môi trường nhà trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận rằng bộ còn thiếu cơ sở pháp lý để quản lý, điều tiết giám sát, xử lý vấn đề học và dạy ngoài nhà trường.

son.jpeg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng cho hay trong quá trình sửa Luật Đầu tư, bộ đã gửi văn bản 1534 cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ KH-ĐT, gửi văn bản 2026 gửi Thủ tướng Chính phủ năm 2020 đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, không rõ lý do vì sao trong năm 2020-2021 việc này chưa được chấp thuận.

Bộ trưởng bày tỏ đồng tình với đại biểu là cần đưa việc dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý việc bên ngoài trường học.

Với 53.000 trường học như hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mong muốn đối với các vấn đề bên ngoài trường học, chính quyền địa phương phối hợp cùng với Bộ GD-ĐT để kiểm soát vấn đề này. Nếu không thì sẽ rất khó kiểm soát.

Thiếu thuốc do vướng mắc trong đấu thầu

Thảo luận tại Quốc hội, các đại biểu nêu tình trạng thiếu hụt thuốc trong thời gian qua và cho rằng phải quan tâm tới vấn đề tập huấn cho các cơ sở y tế về công tác đấu thầu, quản lý đấu thầu và quản lý dự án.

Lý do là vì trước đây, Bộ Y tế thực hiện đấu thầu tập trung nhưng hiện nay, ngoài các danh mục đấu thầu tập trung thì bộ giao cho cơ sở y tế chủ động trong công tác đấu thầu và cung ứng thuốc. Tuy nhiên, khi giao cho cơ sở y tế chủ động trong việc đấu thầu thuốc thì gặp phải bất cập khi cơ sở chưa có nhân lực đủ năng lực và sự tinh tế.

Đối với bảo hiểm y tế, đại biểu nêu rõ, hiện nay người dân rất bức xúc về vấn đề chuyển bảo hiểm. Đại biểu chỉ rõ, chuyển bảo hiểm có hai ý nghĩa quan trọng, đó là quản lý quỹ bảo hiểm y tế và không để người dân vượt cấp lên tuyến trên quá nhiều đối với những bệnh thông thường.

Theo đó, cần công khai danh mục kỹ thuật mà các cơ sở y tế cấp huyện có thể thực hiện, đối với những vấn đề không làm được thì người dân được phép chuyển lên tuyến trên.

lan(2).jpeg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số cơ sở y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết việc đảm bảo thuốc, vật tư y tế sau thời gian đại dịch COVID-19 có những tồn tại, hạn chế do những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Bộ trưởng cho biết hiện nay, các vướng mắc về nguồn cung, cơ chế chính sách đều đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc do nhiều cán bộ ở cơ sở còn lúng túng trong công tác triển khai đấu thầu.

Ngoài ra, việc phân cấp phân quyền ở địa phương còn bất cập, chưa đảm bảo rút gọn quy trình thủ tục nên dẫn đến việc kéo dài thời gian. Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh rà soát lại để đảm bảo quản lý được nhưng vẫn trao quyền chủ động cho các cơ sở, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.

Tăng cường bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quốc hội nêu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết về vấn đề hạ độ tuổi người được hưởng bảo trợ xã hội đã được quy định tại Luật Người cao tuổi.

“Theo đó, trong luật này quy định 80 tuổi mới được hưởng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên qua ý kiến mà đại biểu quốc hội nêu, bộ ghi nhận, chủ động báo cáo chuyển nội dung này sang Luật Bảo hiểm xã hội. Trước mắt là hạ từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, còn việc quyết định cuối cùng sẽ là ở Quốc hội”, Bộ trưởng nêu rõ.

Về chính sách nhà ở người có công, hộ nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết giai đoạn trước đã triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công ban đầu là 80.000 căn nhà, sau đó phát sinh lên và Chính phủ cũng đã thực hiện đầy đủ cho giai đoạn 1.

Hiện nay, giai đoạn 2, theo chủ trương của Chính phủ và Quốc hội cho phép, Chính phủ đã giao cho Bộ KH-ĐT chủ trì cùng với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính… Còn về phía trách nhiệm của Bộ LĐ-TB-XH là thẩm định hồ sơ chứ không chủ trì trong đề án này…

dung.jpeg
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung

Về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ông Đào Ngọc Dung cho biết đây là vấn đề mà trong Nghị quyết của Quốc hội cũng đã nhấn mạnh. Chính phủ đã có nghị quyết chuyên đề, giao trực tiếp cho Bộ Công an, Bộ TT-TT, Bộ LĐ-TB-XH cùng các ngành và đang triển khai các phương án khác nhau.

Tuy nhiên, tình hình vừa qua chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí có tăng. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn các ngành với chức năng cố gắng đẩy mạnh hơn việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Bài liên quan
Cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng xin hưởng khoan hồng
Tại tòa, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng “xin lỗi Đảng, nhân dân”, xin HĐXX xem xét cho hưởng khoan hồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng thắc mắc vì sao chưa đưa việc dạy thêm vào ngành kinh doanh có điều kiện?