Từ ngày 16.12.2023, quy định của Bộ GD-ĐT về phân chia vùng để tính định mức giáo viên, cơ cấu theo chức danh nghề nghiệp chính thức có hiệu lực.

Bộ GD-ĐT phân chia vùng để tính định mức cho giáo viên

Dạ Thảo | 15/11/2023, 12:26

Từ ngày 16.12.2023, quy định của Bộ GD-ĐT về phân chia vùng để tính định mức giáo viên, cơ cấu theo chức danh nghề nghiệp chính thức có hiệu lực.

Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn cụ thể về vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của cán bộ công nhân viên ngành giáo dục. Trong đó, Bộ GD-ĐT quy định rõ về việc chia vùng để tỉnh định mức của các giáo viên.

Cụ thể, tại Điều 3 của Thông tư hướng dẫn, quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên như sau:

Vùng 1: Các xã khu vực II, khu vực III theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ.

Vùng 2: Các xã khu vực I (trừ các phường, thị trấn) theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Vùng 3: Các phường, thị trấn thuộc khu vực I theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các xã, phường, thị trấn còn lại.

giaod-duc-pho-thong-2018-6.jpg
Thông tư 20 của Bộ GD-ĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày l6.12.2023

Số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông như sau:

Vùng 1: Bình quân 25 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học, bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp THCS, THPT.

Vùng 2: Bình quân 30 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 40 học sinh/lớp đối với cấp THCS, THPT.

Vùng 3: Bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 45 học sinh/lớp đối với cấp THCS, THPT.

Số lượng học sinh/lớp của trường Phổ thông dân tộc nội trú và trường THPT chuyên thực hiện theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động. Việc xác định số lượng học sinh/lớp được tính cụ thể theo từng cơ sở giáo dục, không xác định theo đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh.

Căn cứ quy định chia vùng, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định các đơn vị cấp xã theo từng vùng làm căn cứ để tính định mức giáo viên cho các cơ sở giáo dục phổ thông. Đối với những trường hợp đặc biệt mà phải bố trí số lượng học sinh/lớp thấp hơn hoặc cao hơn so với mức bình quân theo vùng thì UBND cấp tỉnh quyết định định mức số lượng học sinh/lớp phù hợp với thực tế.

Tại Thông tư này, Bộ GD-ĐT tạo quy định cụ thể về định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục.

Trường tiểu học được bố trí tối đa 1,5 giáo viên/lớp đối với lớp học 2 buổi/ngày, bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp đối với lớp học 1 buổi/ngày. Trường tiểu học sau khi tính số lượng học sinh/lớp theo quy định, nếu còn dư số lượng học sinh thì cứ 12 học sinh đối với trường thuộc vùng 1; 15 học sinh đối với trường thuộc vùng 2 hoặc 17 học sinh đối với trường thuộc vùng 3 được bố trí thêm 1 giáo viên.

Trường THCS được bố trí tối đa 1,9 giáo viên/lớp. Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú THCS và trường dành cho người khuyết tật cấp THCS được bố trí tối đa 2,20 giáo viên/lớp.

Trường THPT được bố trí tối đa 2,25 giáo viên/lớp. Trường phổ thông dân tộc nội trú được bố trí tối đa 2,4 giáo viên/lớp. Trường THPT chuyên, với các lớp chuyên được bố trí tối đa 3,1 giáo viên/lớp.

Ở cấp THCS và THPT, sau khi tính số lượng học sinh/lớp theo quy định nếu còn dư số lượng học sinh thì cứ 17 học sinh đối với trường thuộc vùng 1; 20 học sinh đối với trường thuộc vùng 2 hoặc 22 học sinh đối với trường thuộc vùng 3 được bố trí thêm 1 giáo viên.

Bên cạnh quy định về định mức vị trí việc làm với giáo viên, Thông tư cũng quy định cụ thể về số lượng người làm việc ở vị trí lãnh đạo, quản lý. Vị trí việc làm chuyên môn dùng chung, vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ đối với cơ sở giáo dục ở từng cấp học.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16.12.2023.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD-ĐT phân chia vùng để tính định mức cho giáo viên