Với vụ kiện Apple, Bộ Tư pháp Mỹ tập trung vào những vấn đề đã lỗi thời và những điểm không liên quan, bỏ lỡ cơ hội giải quyết những mối lo ngại cấp bách hơn.
Thế giới số

Bộ Tư pháp Mỹ có thể đã chọn sai đấu pháp khi kiện Apple

Sơn Vân 23:17 24/03/2024

Với vụ kiện Apple, Bộ Tư pháp Mỹ tập trung vào những vấn đề đã lỗi thời và những điểm không liên quan, bỏ lỡ cơ hội giải quyết những mối lo ngại cấp bách hơn.

Bất chấp hình ảnh thân thiện mà Apple thể hiện, đằng sau hậu trường, đó là một công ty đầy tính cạnh tranh. Chỉ cần hỏi nhiều nhà cung cấp bị Apple loại bỏ hoặc các nhà phát triển ứng dụng mà hãng này cho ngừng hoạt động trên App Store là sẽ biết điều đó.

Apple cũng không hoan nghênh sự cởi mở hay cạnh tranh. Họ từ chối đưa ứng dụng iMessage của mình lên smartphone Android và chỉ đồng ý áp dụng hệ thống nhắn tin RCS đa nền tảng dưới áp lực ngày càng lớn. Apple yêu cầu các nhà phát triển sử dụng hệ thống mua hàng trong ứng dụng của mình, tránh xa các dịch vụ game trên nền tảng đám mây và miễn cưỡng mở chip tap-to-pay để trả tiền cho các ứng dụng bên ngoài - tất cả chỉ vì muốn bảo vệ “vương quốc” của mình khỏi các đối thủ.

Điều đó đã cung cấp cho Bộ Tư pháp Mỹ rất nhiều cơ sở cho vụ kiện chống độc quyền vừa đệ trình gần đây. Thế nhưng, vụ kiện này chủ yếu dựa vào những lập luận lỗi thời và trích dẫn một số vấn đề mà Apple đã giải quyết. Bộ Tư pháp Mỹ thậm chí còn đưa ra tuyên bố đáng ngờ rằng Apple làm cho sản phẩm của mình tệ hơn để gây hại cho đối thủ. Bộ này tự ghi nhận công lao trong sự thành công của Apple, cho rằng sự trỗi dậy của nhà sản xuất iPhone là nhờ vụ kiện chống độc quyền với Microsoft năm 1998 va 2021.

Song có lẽ lỗ hổng lớn nhất trong vụ kiện là không có nhiều bằng chứng cho thấy Apple đã làm hại người tiêu dùng.

Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố rằng lý do chính khiến nhiều người giữ lại iPhone của họ là vì Apple gây khó khăn cho việc chuyển đổi chứ không phải vì họ thực sự thích smartphone này. Bộ Tư pháp Mỹ còn đi xa hơn khi tuyên bố Apple đang cố gắng gây tổn hại cho các nhà sản xuất ô tô bằng một phiên bản CarPlay mới chiếm nhiều diện tích trên bảng điều khiển hơn. Thế nhưng, dịch vụ đó là hoàn toàn tùy chọn với cả người tiêu dùng và các thương hiệu ô tô.

Chưa hết, Bộ Tư pháp Mỹ còn đưa ra tuyên bố khá ngớ ngẩn rằng việc Apple kiểm soát iPhone đã dẫn đến những thất bại của Amazon và Microsoft trong lĩnh vực smartphone. Bộ này lập luận rằng các ứng dụng chơi game trên nền tảng đám mây bị Apple bị cấm để bán phần cứng iPhone đắt tiền hơn và công ty phải chịu trách nhiệm vì môi trường phức tạp khiến việc chuyển sang smartphone Android trở nên khó khăn hơn.

Có những lo ngại thực sự về một số hoạt động của Apple. Thế nhưng, Bộ Tư pháp Mỹ dành ít thời gian hơn cho những vấn đề đó, nhưng lại tập trung vào những tuyên bố nửa vời cho thấy sự thiếu hiểu biết về công nghệ hiện đại, theo nhà báo công nghệ nổi tiếng Mark Gurman của hãng tin Bloomberg.

Dưới đây là 5 vấn đề chính mà Bộ Tư pháp Mỹ đang tập trung vào:

1. Apple đã cản trở sự phát triển của siêu ứng dụng, tương tự WeChat ở Trung Quốc (chứa một số ứng dụng nhỏ).

2. Apple không hỗ trợ các dịch vụ chơi game phát trực tuyến trên nền tảng đám mây, chạy từ trung tâm dữ liệu và có thể được chuyển tới iPhone để phát lại.

3. Apple đã cấm các ứng dụng nhắn tin bên thứ ba trên iPhone gửi tin nhắn SMS và phần mềm nhắn tin của hãng này không hoạt động trên Android.

4. iPhone thiếu hỗ trợ đầy đủ cho đồng hồ thông minh bên thứ ba, gồm cả khả năng nhận một số thông báo.

5. Apple không cho phép các ứng dụng bên thứ ba sử dụng công nghệ tap-to-pay của mình để thực hiện thanh toán trực tiếp.

Mark Gurman nhanh chóng giải quyết ba khiếu nại đầu tiên.

- Về siêu ứng dụng: Vào tháng 1, Apple đã mở rộng những gì siêu ứng dụng có thể làm, giúp các ứng dụng dễ dàng hơn trong việc có bộ ứng dụng mini được nhúng riêng. Trong khi WeChat luôn được phép làm điều đó và chưa bị Apple chặn. Các siêu ứng dụng đã thất bại ở Mỹ, không chỉ vì Apple mà còn bởi chúng chưa bao giờ bắt kịp về mặt văn hóa (ngoài Facebook ở một mức độ nào đó).

- Cũng trong tháng 1, Apple đã mở dịch vụ phát trực tuyến game để nhà phát triển có thể tạo một ứng dụng duy nhất cung cấp quyền truy cập vào thư viện các tựa game. Trong nhiều năm, Apple đã cho phép các nhà phát triển cung cấp game được phát trực tuyến từ đám mây, nhưng cấm các công ty như Microsoft và Nvidia phát hành một ứng dụng duy nhất có quyền truy cập vào toàn bộ thư viện đám mây của họ. Đây là một vấn đề thực sự mà Mark Gurman nêu ra lần đầu tiên cách đây bốn năm.

- Năm ngoái, Apple cho biết RCS sẽ đến với iPhone như một phần của bản cập nhật iOS 18 vào cuối năm 2024. Điều đó sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về khả năng tương tác. Tuy nhiên, sự thật là Apple không cho phép các nhà phát triển bên thứ ba gửi tin nhắn SMS và công ty này có thể không bao giờ kích hoạt iMessage trên Android.

apple-mat-113-ti-usd-von-hoa-thi-truong-sau-khi-bi-bo-tu-phap-my-va-16-bang-kien.jpg
Với vụ kiện Apple, Bộ Tư pháp Mỹ tập trung vào những vấn đề đã lỗi thời và những điểm không liên quan, bỏ lỡ cơ hội giải quyết những mối lo ngại cấp bách hơn - Ảnh: Internet

Công bằng mà nói, Apple có thể đã không thực hiện những thay đổi nếu không vì lo ngại về vụ kiện này và các nỗ lực quản lý khác trên toàn cầu.

Có rất ít lý do để chính phủ Mỹ không kiện Apple vì hành vi trong quá khứ, giống như Liên minh châu Âu (EU) từng làm liên quan đến các dịch vụ âm nhạc trực tuyến. Các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ cũng có thể đang nắm giữ nhiều thông tin và bằng chứng hơn sẽ được đưa ra ánh sáng khi vụ việc diễn ra.

Bây giờ, đến hai mục cuối cùng:

Về đồng hồ thông minh, đúng là hệ điều hành iOS của iPhone hoạt động tốt nhất với Apple Watch. Công ty làm rõ điều đó để bán được nhiều đồng hồ hơn và giữ chân người tiêu dùng trong hệ sinh thái sản phẩm của mình dù cũng viện dẫn lý do về quyền riêng tư và bảo mật. Apple thực sự nên làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các thiết bị bên thứ ba trên iPhone, gồm cả đồng hồ thông minh. Điều này có vẻ không phải là việc quá lớn lao.

Apple cũng viện dẫn các lý do về bảo mật và quyền riêng tư khi không cho phép các công ty bên ngoài sử dụng chip giao tiếp trường gần (NFC) để xây dựng các đối thủ cạnh tranh với Apple Pay. Thế nhưng, nhiều khả năng công ty muốn bảo vệ tiền bản quyền nhận được từ mỗi giao dịch Apple Pay. Apple đã mở quyền truy cập NFC ở châu Âu và công việc kỹ thuật để thực hiện điều đó ở Mỹ đang được tiến hành.

Tại thời điểm này, vẫn chưa rõ cuối cùng chính phủ Mỹ muốn Apple làm gì. Liệu Apple sẽ trả một khoản tiền phạt khổng lồ, thay đổi các thông lệ hay cả hai? Song bất kể kết quả thế nào, Apple có thể sẽ tiếp tục đại tu phần mềm của mình và tiến gần hơn đến cách tiếp cận mà hãng buộc phải áp dụng ở châu Âu.

Ngoài việc mở rộng chip NFC cho các bên thứ ba ở Mỹ, Apple có thể sẽ mở rộng hỗ trợ cho các đồng hồ thông minh bên ngoài, cửa hàng ứng dụng, dịch vụ thanh toán trong ứng dụng, trình theo dõi vật lý, động cơ trình duyệt và trợ lý giọng nói.

Chúng ta có thể đặt cược rằng Apple sẽ phải làm cho việc truyền dữ liệu từ iPhone trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một vấn đề lớn mà Mark Gurman cho rằng sẽ không bao giờ thay đổi là Apple kiên quyết chống lại việc đưa iMessage lên Android.

Thật kỳ lạ là vụ kiện không tập trung nhiều hơn vào App Store. Đó là lĩnh vực mà Apple có thể thực hiện những cải cách sâu rộng, dù đó là cấu trúc phí, quy trình đánh giá ứng dụng hay hướng dẫn cho các nhà phát triển. App Store là một hệ thống lỗi thời có nguồn gốc từ thời Steve Jobs cách đây hai thập kỷ và rõ ràng là cần được đại tu.

Song có vẻ như vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ không phải là cơ chế tốt nhất để thực hiện những thay đổi này. Vụ kiện đi theo hướng riêng và lạc hướng khỏi những vấn đề cấp bách nhất bằng một số cáo buộc vô căn cứ. Đó là một chiến lược mạo hiểm vì Apple có ngân sách gần như không giới hạn cho các luật sư cùng nhà vận động hành lang và một giám đốc điều hành (Tim Cook) không thích dàn xếp.

Apple đã nói rằng vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ là “sai về sự thật và luật pháp” và tuyên bố sẽ “mạnh mẽ chống lại nó”. Thế nhưng, cách Apple vận hành có lẽ sẽ hơi khác trong một vài năm tới, dù công ty thắng hay thua trong vụ kiện này.

Bài liên quan
Apple mất 113 tỉ USD vốn hóa thị trường sau khi bị Bộ Tư pháp Mỹ và 16 bang kiện
Các nhà quản lý ở cả hai bờ Đại Tây Dương đang để mắt tới Apple khiến các nhà đầu tư lo ngại về khoản tiền phạt và đe dọa sự thống trị thị trường của công ty này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tư pháp Mỹ có thể đã chọn sai đấu pháp khi kiện Apple