Hôm 22.3, công tố viên liên bang Mỹ cho biết Klaus Pflugbeil, chủ sở hữu của một công ty Trung Quốc, bị cáo buộc đánh cắp công nghệ dây chuyền lắp ráp pin Tesla rồi rao bán trên YouTube và LinkedIn.
Thế giới số

Mỹ: Chủ sở hữu một công ty Trung Quốc đánh cắp công nghệ pin độc quyền của Tesla và rao bán trên YouTube

Sơn Vân 23/03/2024 10:44

Hôm 22.3, công tố viên liên bang Mỹ cho biết Klaus Pflugbeil, chủ sở hữu của một công ty Trung Quốc, bị cáo buộc đánh cắp công nghệ dây chuyền lắp ráp pin Tesla rồi rao bán trên YouTube và LinkedIn.

Theo trang Bloomberg, Klaus Pflugbeil (quốc tịch Canada và Đức) hy vọng kế hoạch này có thể giúp anh ta thu về số tiền “ở mức 7 con số”, công tố viên Ellen Sise nói tại phiên toàn trần ỡ tòa án liên bang thuộc quận Brooklyn, bang New York, Mỹ hôm 22.3.

Chính quyền Mỹ cáo buộc Klaus Pflugbeil và một bị cáo khác đã bắt đầu bán công nghệ sản xuất pin độc quyền Tesla từ công ty khởi nghiệp của họ ở Trung Quốc. Các công tố viên cho biết Klaus Pflugbeil đã bị bắt tại quận Nassau, bang New York, Mỹ hôm 19.3 sau khi cố gắng bán công nghệ này cho các đặc vụ chìm giả dạng doanh nhân.

Các tài liệu của tòa án không nêu tên công ty bị đánh cắp công nghệ sản xuất pin độc quyền mà thay vào đó mô tả là nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu, cung cấp thêm thông tin chi tiết phù hợp với Tesla. Một nguồn tin của Bloomberg quen thuộc với vấn đề này xác nhận Tesla trên thực tế là công ty bị Klaus Pflugbeil đánh cắp bí mật thương mại.

“Bị cáo cho biết anh ta đang bán bí mật thương mại đánh cắp được trên LinkedIn và YouTube. Anh ấy đã đề cập đến công ty bị hại”, công tố viên Ellen Sise nói.

Các công tố viên nói Klaus Pflugbeil là cựu nhân viên của Hibar Systems, công ty Canada bán công nghệ sản xuất pin, được Tesla mua lại vào năm 2019. Klaus Pflugbeil cùng đồng phạm có bản vẽ và tài liệu cho phép họ sao chép quy trình sản xuất pin.

Nicholas Lewin, luật sư của Klaus Pflugbeil, từ chối bình luận sau phiên tòa. Chính quyền Mỹ cho biết Yilong Shao, đồng phạm của Klaus Pflugbeil, vẫn chưa bị bắt.

Thẩm phán liên bang Peggy Kuo hôm 22.3 đã đồng ý cho Klaus Pflugbeil tại ngoại với số tiền bảo lãnh 1 triệu USD (được đảm bảo bằng 150.000 USD tiền mặt) và ra lệnh tạm giữ Klaus Pflugbeil tại nhà của dì - dượng của anh ta ở thành phố Sarasota, bang Florida, Mỹ.

Ellen Sise cho biết Klaus Pflugbeil có thể phải đối mặt với 10 năm tù giam nếu bị kết tội và cho rằng anh ta có khả năng bỏ trốn sang Trung Quốc, quốc gia không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ.

my-chu-so-huu-cong-ty-trung-quoc-danh-cap-cong-nghe-san-xuat-pin-cua-tesla-va-rao-ban-tren-youtube.jpeg
Klaus Pflugbeil bị cáo buộc đánh cắp công nghệ dây chuyền lắp ráp pin Tesla rồi rao bán trên YouTube và LinkedIn - Ảnh: Internet

Đầu tháng 2, trang Bloomberg đưa tin Tesla sẽ mở rộng sản xuất pin ở bang Nevada (Mỹ) bằng cách thiết lập một nhà máy nhỏ sử dụng trang thiết bị nhàn rỗi của CATL (Trung Quốc), theo những người quen thuộc với vấn đề này. CATL là hãng sản xuất pin ô tô điện số 1 thế giới.

Một nguồn tin của Bloomberg cho biết Tesla có kế hoạch mua máy móc từ CATL và lắp đặt nó tại thành phố Sparks (bang Nevada). Theo Bloomberg, Tesla sẽ có toàn quyền kiểm soát nhà máy này và chi trả 100% chi phí, đồng thời nhân viên CATL sẽ không liên quan đến việc hỗ trợ lắp đặt thiết bị.

Sẽ sản xuất các cell cho pin siêu lớn Megapack của Tesla, nhà máy này là một phần trong nỗ lực rộng hơn nhằm nội địa hóa chuỗi cung ứng cho các cell lithium iron phosphate (LFP) ở Mỹ. Tesla cũng coi việc mua thiết bị từ CATL là cách tiết kiệm chi phí để thiết lập các nhà máy mới. Megapack là loại pin của Tesla dành cho các tiện ích.

Cell dùng để chỉ các viên pin (hoặc tế bào pin). Trong lĩnh vực năng lượng và ô tô điện, cell thường là một đơn vị cơ bản của pin, có thể được kết hợp thành các mô đun hoặc gói pin lớn hơn để cung cấp năng lượng cho các thiết bị và phương tiện.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các nhà làm luật Mỹ và chính quyền Biden ngày càng giám sát chặt chẽ việc hợp tác công nghệ với Trung Quốc trong một số lĩnh vực, gồm cả sản xuất pin. Việc Tesla mua lại thiết bị nhàn rỗi có thể tránh được những lời chỉ trích về việc các công ty Mỹ phụ thuộc vào quan hệ với đối tác Trung Quốc vì sự tham gia tối thiểu của CATL.

Ngoài kế hoạch xây dựng cơ sở mới, Tesla cho biết có ý định tăng gấp đôi công suất trong năm 2024 tại một nhà máy sản xuất pin hiện có ở thành phố Lathrop (bang California, Mỹ). Những nỗ lực này hỗ trợ cho khẳng định từ Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, rằng hoạt động lưu trữ năng lượng của công ty phát triển nhanh hơn hoạt động kinh doanh ô tô điện trong năm 2024.

CATL thống trị thị trường pin LFP, loại pin rẻ hơn và ổn định hơn so với các lựa chọn thay thế dựa trên niken. Thị trường ô tô điện của Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng trưởng chậm lại vào 2024, năm thứ hai liên tiếp, do sự phục hồi kinh tế chậm ở quốc gia này sau đại dịch COVID-19 đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng.

Thương vụ nêu trên dường như khác xa với thỏa thuận giữa CATL với Ford Motor, nhằm mục đích cấp phép cho công nghệ của công ty Trung Quốc để sản xuất pin tại một nhà máy ở bang Michigan (Mỹ) thuộc sở hữu của Ford Motor. Dự án đó nhận sự giám sát và chỉ trích từ các nhà làm luật đảng Cộng hòa, vì cho rằng CATL chịu tác động từ chính phủ Trung Quốc và có thể làm suy yếu lợi ích của Mỹ.

Megapack hiện tại của Tesla sử dụng cell CATL. Tesla có kế hoạch áp dụng thiết kế của những loại pin đó cho cell được sản xuất tại nhà máy mới.

Ban đầu nhà máy sẽ có sản lượng hạn chế (khoảng 10GWH) nhưng sẽ được mở rộng nếu dự án diễn ra suôn sẻ và chuỗi cung ứng có thể được thiết lập. Có thể sẽ không hoạt động cho đến năm 2025, nhà máy này dự kiến có thể chiếm khoảng 20% sản lượng pin của Tesla trong khu vực, gồm cả Lathrop.

Doanh số ô tô điện tháng 2 của Tesla tại Trung Quốc giảm mạnh, không theo kịp toàn ngành trong bối cảnh cuộc chiến giá cả ngày càng leo thang.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc, hãng sản xuất ô tô điện Mỹ có nhà máy lớn ở thành phố Thượng Hải đã giao 30.141 chiếc Model 3 và Model Y cho khách hàng Trung Quốc vào tháng 2, giảm 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, Tesla đã giao được 39.881 chiếc ô tô điện trong tháng 1, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cộng Tesla đã giao được 70.022 chiếc ô tô điện trong hai tháng đầu năm 2024, tăng 15,2% so với cùng kỳ 2023. Thế nhưng, con số này đã bị lu mờ bởi mức tăng trưởng 37% hàng năm mà toàn bộ ngành ô tô điện ở Trung Quốc đạt được. Các hãng lắp ráp ô tô điện đã bán được tổng cộng 1,06 triệu chiếc tại Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 2.2024, tăng mạnh so với con số 770.610 cùng kỳ năm ngoái.

Eric Han, quản lý cấp cao của công ty tư vấn Suolei ở Thượng Hải, nói: “Cạnh tranh về giá đã gia tăng áp lực lên Tesla và các công ty hàng đầu khác trong một thị trường khốc liệt. Doanh số bán hàng mờ nhạt trong hai tháng đầu năm 2024 cho thấy ngay cả những công ty dẫn đầu thị trường như Tesla cũng phải đưa ra các chương trình giảm giá để duy trì mức tăng trưởng doanh số”.

BYD, hãng sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới của Trung Quốc, đã đi đầu trong việc giảm giá từ tháng 2 và một số đối thủ trong nước cũng làm theo. Kể từ giữa tháng 2, BYD đã giảm giá gần như tất cả mẫu ô tô điện của mình để giữ vững vị thế dẫn đầu.

BYD có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), được hỗ trợ bởi hãng Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett.

Hôm 6.3, BYD đã tung ra phiên bản cơ bản của mẫu ô tô điện Seagull được tân trang với giá 69.800 nhân dân tệ (9.707 USD), thấp hơn 5,4% so với mẫu trước đó.

Một số nhà sản xuất ô tô, gồm cả liên doanh của General Motors, đã làm theo BYD bằng cách giảm mạnh giá xe của họ hai tuần qua, làm leo thang cuộc chiến giá cả có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang ô tô điện ở Trung Quốc.

Tesla thông báo rằng sẽ trợ cấp 8.000 nhân dân tệ cho những người mua xe và mua bảo hiểm từ đối tác của hãng. Việc trợ cấp này có hiệu lực đến hết tháng 3.

Nhà máy Tesla ở Thượng Hải đã xuất khẩu 30.224 ô tô điện ra nước ngoài trong tháng 2, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Là cơ sở đầu tiên của Tesla ngoài Mỹ, nhà máy này đã sản xuất 60.365 ô tô điện trong tháng 2, mức thấp nhất kể từ tháng 1.2023.

Nhà máy Tesla ở Thượng Hải xuất khẩu 344.078 chiếc Model 3 và Model Y sang thị trường như Đức và Nhật Bản vào năm 2023, tăng 26,9% so với cùng kỳ 2022. Tổng sản lượng tại nhà máy này là 947.742 chiếc ô tô điện, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng của Tesla trên toàn cầu vào năm 2023.

Hiện tại, Tesla là công ty dẫn đầu trong phân khúc ô tô điện cao cấp ở Trung Quốc, với 603.664 chiếc được giao cho khách hàng nước này vào năm 2023, tăng 37,3% so với 2022. Con số này chiếm 1/3 tổng doanh số toàn cầu của nhà sản xuất ô tô Mỹ, với hơn 1,82 triệu chiếc được giao năm 2023, tăng 37% so với cùng kỳ 2022.

Trung Quốc, nơi doanh số ô tô điện chiếm khoảng 60% tổng doanh số toàn cầu, là thị trường lớn thứ hai của Tesla, chỉ sau Mỹ.

Tesla đang phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ một số đối thủ Trung Quốc như Xpeng, Nio và thương hiệu ô tô điện Aito của Huawei, vốn thu hút ngày càng nhiều người tiêu dùng có thu nhập trung bình.

Bài liên quan
Tham vọng thay đổi thế giới ô tô của Apple hủy hoại giấc mơ vượt Tesla
Apple với niềm tin có thể tạo ra một chiếc ô tô điện tốt hơn Tesla và phần còn lại của ngành công nghiệp xe hơi đã dẫn đến sự sụp đổ của dự án kéo dài một thập kỷ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ: Chủ sở hữu một công ty Trung Quốc đánh cắp công nghệ pin độc quyền của Tesla và rao bán trên YouTube