Tại cuộc họp khẩn diễn ra chiều muộn 7.7 với Tổ công tác đặc biệt thường trực của Bộ Y tế tại TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế huy động khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế tham gia hỗ trợ chống dịch TP.HCM.

Bộ Y tế huy động khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên hỗ trợ chống dịch ở TP.HCM

P.V | 07/07/2021, 20:27

Tại cuộc họp khẩn diễn ra chiều muộn 7.7 với Tổ công tác đặc biệt thường trực của Bộ Y tế tại TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế huy động khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế tham gia hỗ trợ chống dịch TP.HCM.

 Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Bộ Y tế.  Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phần thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM dự họp tại điểm cầu thành phố này.

Cuộc họp nhằm đánh giá tình hình dịch tại TP.HCM, các tỉnh thành phố khu vực phía Nam và các giải pháp chuyên môn kỹ thuật trong thời gian tới đây cho công tác phòng chống dịch.

 Tăng cường chuyên gia Bộ Y tế cho các địa phương điểm nóng

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại TP.HCM đang rất phức tạp và có khả năng tăng nhanh trong những ngày tới. Bộ Y tế và Bộ phận thường trực đã liên tục làm việc cũng như tăng cường hỗ trợ phòng, chống dịch và giám sát dịch tại TP.HCM để triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Với các địa phương đang là điểm nóng dịch bệnh hiện nay (Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang), Bộ Y tế đã thành lập và cử 7 đoàn công tác của Bộ đến hỗ trợ chống dịch tại 7 các địa phương này. 

Để đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phải chuẩn bị tất cả các kịch bản, phương án ứng phó phù hợp với mức độ lây lan của dịch bệnh”, ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng quyết định sẽ ra lời kêu gọi lực lượng cán bộ y tế trên toàn quốc tham gia chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam.

Đội ngũ gần 10.000 cán bộ nhân viên y tế chi viện cho TP.HCM để giúp thành phố đáp ứng với diễn biến của dịch, đồng thời nhằm mục tiêu bố trí thay đổi nhân lực (với các biện pháp luân chuyển, “đảo quân”) để đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại TP.HCM.

Hiên nay hơn 3.300 cán bộ, nhân viên y tế thuộc các đơn vị thuộc Bộ Y tế,  sinh viên các trường y dược thuộc Bộ Y tế đã có mặt tại TP.HCM. Bộ Y tế sẽ tiếp tục huy động lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế để tham gia phục vụ  tại các bệnh viện dã chiến, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát.

Dự kiến, Bộ Y tế sẽ thiết lập 24 đoàn công tác cho TP.Thủ Đức và tất cả các quận huyện của TP.HCM để phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ thành phố trong kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Tiếp tục chuẩn bị sinh phẩm và nâng cao công suất xét nghiệm 

Về vấn đề xét nghiệm, cuộc họp đã nhất trí cần tăng cường tiếp cận tất cả các loại sinh phẩm, máy và thiết bị xét nghiệm. Cần rà soát lại các quy định, tạo mọi điều kiện cho việc nhập các loại sinh phẩm xét nghiệm (test kit) vào Việt Nam, đồng thời cũng tăng cường sản xuất test kit trong nước.

Về chiến lược xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, tại TP.HCM ưu tiên sàng lọc nhanh  3 ngày/lần tại vùng lõi dịch, vùng phong toả; 7 ngày/lần tại vùng nguy cơ rất cao. Với các khu vực khác cần tiến hành lấy mẫu đại diện, giám sát cộng đồng, giám sát tất cả các trường hợp đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế nhằm phát hiện sớm ca bệnh, để cách ly, truy vết và điều trị hiệu quả. 

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục chuẩn bị sinh phẩm và nâng cao công suất xét nghiệm để phục vụ phòng chống dịch trong thời gian tới.

2 trung tâm hồi sức tích cực ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ

Với công tác điều trị, các chuyên gia nhận định do biến chủng Delta nên tỷ lệ tử vong có thể cao hơn trước và có thể sẽ có nhiều bệnh nhân tử vong hơn so với những đợt dịch trước. Vì vậy, Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh thành phải thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) với bệnh nhân COVID-19 nặng, đồng thời thiết lập 2 trung tâm ICU tại tại Đồng Nai cho khu vực miền Đông Nam Bộ và tại Cần Thơ cho các tỉnh miền Tây để đều trị trị cho bệnh nhân nguy kịch.

Với vấn đề cách ly, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết hiện đang tích cực triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, áp dụng triển khai cách ly linh hoạt tại TP.HCM.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu áp thiết chế cách ly tập trung với vùng lõi dịch, vùng phong toả để thực hiện nghiêm phòng lây nhiễm trong các khu vực này, đồng thời áp cách ly tại nhà cho khu vực này. Bộ Y tế cũng đang xây dựng kịch bản cho tình huống xấu và rà soát lại tất cả các trang thiết bị, máy thở, máy tim phổi nhân tạo (ECMO), máy thở ô xy dòng cao HFNN, kể cả ô xy, thuốc, hoá chất, thiết bị phòng hộ… chuẩn bị cho tình huống có nhiều ca bệnh.

Sẵn sàng kế hoạch 12.000 giường điều trị COVID-19 tại TP.HCM

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, thực hiện kế hoạch ứng phó dịch bệnh với kịch bản 10.000 và 15.000 ca mắc trên địa bàn thành phố, cùng 5.000 giường của các bệnh viện được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận và điều trị COVID-19, 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 với tổng quy mô 12.000 giường đã đi vào hoạt động.

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã vượt qua con số 7.000 và dự báo còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi mà tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, việc bổ sung thêm các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc các trường hợp đang được cách ly (F1) không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ (chiếm khoảng 80% các trường hợp) là rất cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế vừa giảm tải cho các bệnh viện đã chuyển đổi công năng.

Hiện TP.HCM đã có các bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu với các trường hợp COVID-19 nặng và nguy kịch (tương ứng tầng 3 của mô hình tháp 3 tầng) và các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 có triệu chứng có hoặc không có kèm bệnh lý nền (tương ứng tầng 2 của hình tháp) với tổng công suất là 5.000 giường.

Để đáp ứng tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhu cầu cấp bách hiện nay là cần bổ sung các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị (tương ứng tầng 1 của hình tháp) để tiếp nhận cách ly ngay các trường hợp mới mắc hoặc đang cách ly (F1, F2) chuyển sang F0, quy mô các bệnh viện này đòi hỏi phải đủ lớn để chủ động cách ly ngay số lượng lớn các trường hợp (+) mới được phát hiện (tương ứng tầng 1 của hình tháp).

Theo đó, tương ứng với kế hoạch ứng phó dịch COVID-19 với kịch bản 10.000 rồi 15.000 ca mắc, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 với quy mô 4.000 giường đã đi vào hoạt động hơn 10 ngày qua. Từ ngày 4.7.2021, ngành y tế TP.HCM đã triển khai thêm Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2 với quy mô 2.000 giường. Từ ngày 7.7.2021, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3 quy mô 3.000 giường và Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 quy mô 3.000 giường bắt đầu đi vào hoạt động.

Cả 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 đều tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có là các ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia (Bệnh viện dã chiến số 1), các khu nhà tái định cư của thành phố chưa đưa vào sử dụng hoặc chưa đấu giá (Bệnh viện dã chiến số 2 - khu nhà tái định cư ở quận 12, bệnh viện dã chiến số 3 - khu nhà tái định cư ở TP.Thủ Đức, Bệnh viện dã chiến số 4 - khu nhà tái định cư ở huyện Bình Chánh).

Để có thể nhanh chóng chuyển đổi các cơ sở hạ tầng sẵn có trở thành bệnh viện dã chiến và sớm đi vào hoạt động, Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, Bộ Tư lệnh Thành phố, Ban Quản lý Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND TP.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Y tế huy động khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên hỗ trợ chống dịch ở TP.HCM