Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định dịch vụ được khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định dịch vụ được khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo đó, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có trách nhiệm cung cấp và xác nhận dịch vụ đã cung cấp đúng mục đích sử dụng. Việc cung cấp các dịch vụ được khai thác, sử dụng từ thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thực hiện theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quyền từ chối yêu cầu về cung cấp các dịch vụ được khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nếu không thực hiện đúng quy định của Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình khai thác, sử dụng dịch vụ từ thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không được sao chép, cung cấp cho bên thứ ba dữ liệu do cơ quan có thẩm quyền cung cấp cho mình được khai thác, sử dụng; trừ trường hợp được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thẩm quyền cho phép.
Liên quan đến danh mục dịch vụ được khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự thảo Thông tư của Bộ Công an nêu rõ: "Các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Điều 9 Luật Căn cước công dân".
Các dịch vụ được khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm nhóm dịch vụ xác thực (xác thực thông tin nhóm máu, xác thực sinh trắc học vân tay…), nhóm dịch vụ cung cấp thông tin công dân (dịch vụ cung cấp nơi ở hiện tại, dịch vụ cung cấp thông tin hộ gia đình…). Ngoài ra còn có các dịch vụ tra cứu thông tin công dân, định danh và xác thực điện tử, khai thác dữ liệu tổng hợp…
Về hình thức khai thác, sử dụng các dịch vụ từ thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo dự thảo Thông tư, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác, sử dụng các dịch vụ từ thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao; được khai thác qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh hoặc bằng văn bản yêu cầu được khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng... và các tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công được khai thác, sử dụng các dịch vụ từ thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Công dịch vụ công Bộ Công an, bằng văn bản yêu cầu cung cấp các dịch vụ hoặc theo phương thức khác do Bộ Công an hướng dẫn.
Công dân được khai thác, sử dụng các dịch vụ từ thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác thông tin của mình bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an…
Theo dự thảo Thông tư, Thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có thẩm quyền cho phép cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp Trung ương; tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, định danh điện tử khai thác sử dụng dịch vụ từ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Giám đốc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh; tổ chức hành nghề công chức, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công trên địa bàn quản lý khai thác, sử dụng các dịch vụ từ thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…