Bộ Y tế sẽ tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 trên người vào 3 ngày tới.
Bộ Y tế cho biết sẽ cho tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 "made in Việt Nam" từ ngày 10.12 tới. Ngày 10.12, Học viện Quân y sẽ lựa chọn người tiêm thử nghiệm vắc-xin COVID-19 do Công ty Nanogen sản xuất.
Hiện nay vắc-xin này đã hoàn tất các đánh giá, thử nghiệm trên động vật và đạt các tiêu chuẩn để thử nghiệm trên người, sau khi đánh giá tại 2 cơ quan chuyên môn uy tín ở trong và ngoài nước. Được biết, theo dự kiến sẽ có khoảng 20 người tình nguyện khỏe mạnh sẽ được tiêm những mũi vắc-xin COVID-19 thử nghiệm đầu tiên. Một nhóm nhỏ khoảng 1- 2 người sẽ được tiêm trước và được theo dõi phản ứng trong vòng 24 giờ đến 72 giờ. Tiếp đó mới bắt đầu tiêm cho các tình nguyện viên tiếp theo (khoảng 18- 19 người).
Theo kế hoạch, sau 3 tháng thử nghiệm trên một nhóm nhỏ, vắc-xin COVID-19 sẽ được tiêm thử nghiệm cho khoảng 400 người. Học viện Quân y hiện cũng đã sẵn sàng các thiết bị xét nghiệm, chuẩn bị giường lưu sau tiêm cho người tình nguyện, bác sĩ về cấp cứu để theo dõi sức khỏe trong các giờ đầu sau tiêm và có thể xử trí ngay nếu có các phản ứng không mong muốn cho người tiêm vắc-xin thử nghiệm.
Những người sẽ tiêm thử nghiệm vắc-xin COVID-19 được lựa chọn rất kỹ lưỡng, đều là những tình nguyện viên khỏe mạnh, không có bệnh nền, không có tiền sử bệnh tật. Các cá nhân này được khai thác kỹ về tiền sử sức khỏe, tình trạng dị ứng (với thuốc, thực phẩm…) bởi điều này liên quan nhiều đến phản ứng sau tiêm vắc-xin. Vắc-xin cũng như thuốc vì có thể gây phản ứng không mong muốn. Ngoài ra, ở trong nước, vắc-xin COVID-19 này chưa từng tiêm trên người nên chưa có dữ liệu để so sánh, nên việc thử nghiệm vắc- xin trên người cần được chuẩn bị và tiến hành hết sức khắt khe.
Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Công ty Nanogen) cho hay, bước thử nghiệm tiền lâm sàng để chứng minh khả năng đáp ứng miễn dịch trên động vật là khó nhất bởi đáp ứng miễn dịch trên động vật chỉ là một trong số những tiêu chí để thử nghiệm vắc-xin trên người.
Hiện có khoảng 200 nhà sản xuất vắc xin khắp thế giới đã tham gia phát triển vắc xin ngừa COVID-19, trong đó Anh, Đức, Mỹ đều đã hứa hẹn chuẩn bị tung vắc xin ra thị trường nội địa. Tại Việt Nam, dự kiến cuối năm 2021 vắc xin ngừa COVID-19 của Việt Nam sẽ hoàn tất tất cả các khâu nghiên cứu, sản xuất.
Theo TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học và Công nghệ đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vắc-xin, trong tuần này, hội đồng chuyên môn sẽ quyết định liều tiêm thử nghiệm nào là tối ưu. Khi có 50% dữ liệu của giai đoạn 1, sẽ tiêm thử nghiệm tiếp giai đoạn 2 cho khoảng 400 người, dự kiến bắt đầu vào tháng 3.2012.
Trong thử nghiệm giai đoạn 1 này, nhà sản xuất sẽ tiêm "dò liều" để tìm hàm lượng tối ưu của vắcxin. Khi tiêm trên động vật linh trưởng, người ta thấy có 4 loại nhóm liều: 25mg, 50mg, 75mg và 100mg. Ngày 10.12 sẽ quyết định là dò mấy loại liều, nếu có 3 loại liều thì sẽ có 60 người tiêm thử nghiệm (chia 3 nhóm, mỗi nhóm 20 người), nếu 2 loại liều thì sẽ có 40 người tham gia thử nghiệm... Sẽ có khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe, 17-12 sẽ tiêm mũi đầu tiên. Ước tính ở giai đoạn 1 sẽ cần 40 - 60 tình nguyện viên, khi bước vào giai đoạn 2 con số này có thể tăng lên khoảng 600 người.
Chia sẻ về giá thành của mũi vắc xi này, ông Quang cho biết: "Vắcxin của Nanogen, theo tôi được biết thì họ dự kiến mức 5 USD/mũi tiêm, mỗi người tiêm 2 mũi sẽ chi phí 10 USD (hơn 200.000 đồng), thế giới giá cũng như vậy. Theo tôi, đây là mức có thể chấp nhận được" - ông Quang cho hay.