Một trong những điều quan trọng nhất đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 là kiểm soát lượng đường huyết. Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện một hợp chất trong bông cải xanh broccoli có tác dụng giảm lượng đường trong máu.

Bông cải xanh giúp kiểm soát lượng đường huyết ở người bệnh tiểu đường

Tố Loan | 20/06/2017, 06:02

Một trong những điều quan trọng nhất đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 là kiểm soát lượng đường huyết. Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện một hợp chất trong bông cải xanh broccoli có tác dụng giảm lượng đường trong máu.

Khi những người béo phì bị chẩn đoán tiểu đường tuýp 2, thì việc duy trì một cuộc sống khỏe mạnh trở nên khó khăn. Để kiểm soát lượng đường huyết, bệnh nhân phải thay đổi nhiều thói quen trong cuộc sống, trong đó bao gồm cả chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập thể dục để giảm cân.

Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế lại rất khó khăn, đặc biệt là khi bệnh nhân phải thay đổi thói quen ăn uống đã kéo dài nhiều năm. Thêm vào đó là sự mệt mỏi và những vấn đề khác mà bệnh tiểu đường gây ra cho người bệnh.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học đã nghiên cứu những cách mà khoa học và công nghệ y khoa có thể can thiệp để giúp bệnh nhân có thể kiểm soát, hoặc thậm chí đến một ngày nào đó có thể đảo ngược tình trạng bệnh.

Chọn lựa hàng đầu hiện nay là thuốc hạ đường huyết metformin, thế nhưng thuốc này cũng có những vấn đề của nó. Một số bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 sẽ bị suy giảm chức năng thận do tình trạng của họ hoặc do các bệnh chồng chéo khác. Thuốc metformin có thể ảnh hưởng xấu đối với những bệnh nhân suy thận, nên không phải lúc nào cũng là lựa chọn được mong muốn.

Trong nỗ lực tìm ra những thuốc hạ đường huyết khác, các nhà khoa học đã tìm ra sulforaphane. Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.Để kiểm tra liệu sulforaphane có tác dụng thực tế hay không, các nhà nghiên cứu từ Đại học Gothenburg ở Thụy Điển đã tiến hành một thử nghiệm mới trên 97 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 trong 3 tháng: Một số được cho uống viên chứa chất sulforaphane cô đặc, số còn lại uống giả được để so sánh. Cần lưu ý, trong số 97 người tham gia thử nghiệm, có 3 người đã từng uống metformin để kiểm soát lượng đường trong máu.

Sau 3 tháng, những bệnh nhân uống sulforaphane có lượng đường huyết giảm nhiều hơn 10% so với những người uống giả dược. Thế nhưng nó chỉ có hiệu quả đối với những bệnh nhân có chỉ số đường cao.

Những nghiên cứu sau đó giúp các nhà khoa học nhận ra rằng sulforaphane và metformin thật sự làm giảm lượng đường trong máu theo những cách khác nhau. Do vậy, các nhà nghiên cứu tin rằng cách điều trị này sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất khi dùng nó như là cách hỗ trợ cho việc dùng thuốc metformin, chứ không nhất thiết là phương cách thay thế cho metformin, dù họ không loại trừ việc sulforaphane là ‘ứng viên’ thay thế khi bệnh nhân không thể sử dụng metformin.

Điều thú vị là các nhà khoa học nhận thấy rằng sulforaphane không gây ra những phản ứng phụ như metformin. Thế nên dù mức tác động giảm chỉ số đường huyết của sulforaphane có thể khiêm tốn, nhưng chừng đó cũng là rất đáng kể đối với những bệnh nhân không hợp thuốt metformin nhưng cần được giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

Một hướng nghiên cứu khác đang được tiến hành là liệu sulforaphane có giúp được những người trong giai đoạn nguy cơ bị tiểu đường có thể đảo ngược được tình trạng hay không. Một liệu pháp sử dụng sulforaphane nhắm vào nhóm người này có thể mang lại giá trị đặc biệt. Liệu pháp này có thể là phương pháp tốt để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường tuýp 2 trước khi nó phát triển, nhờ đó cũng phòng ngừa các biến chứng về thận, gan, thị lực… do tình trạng bệnh.

Các loại rau họ cải như rau mầm, cải bắp và bông cải xanh rất giàu chất sulforaphane. Đây là những loại rau phổ biến rộng rãi trên thị trường và được dùng như là một chất bổ sung chất xơ cho chế độ ăn uống. Thế nhưng cũng phải nói rõ rằng liều lượng sulforaphane trong rau cải bán ngoài thị trường không phải là liều lượng sulforaphane tinh chế mà các nhà khoa học quan tâm khi mà lượng sulforaphane cô đặc trong 1 viên thuốc tương đương với việc ăn khoảng 5 ký rau cải xanh. Thế nên ăn cải xanh để thay thế việc uống sulforaphane hàng ngày là điều không thể thực hiện được.

Tiến sĩ Anders Rosengren trong nhóm nghiên cứu nói rõ: "Cách bạn sản xuất và chế biến chiết xuất rất quan trọng để giữ cho sulforaphane còn nguyên vẹn. Tại thời điểm này, chúng tôi không thể khuyên bất cứ ai sử dụng các chất chiết xuất hiện có trên thị trường để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2."

Tuy rằng thêm bông cải vào chế độ ăn sẽ không trực tiếp giải quyết được bệnh tiểu đường, nhưng với những tác dụng tốt cho sức khỏe, tại sao chúng ta lại không bắt đầu ăn bông cải broccoli.

HOÀNG ANH

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bông cải xanh giúp kiểm soát lượng đường huyết ở người bệnh tiểu đường