Giới chức y tế thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) thông báo ghi nhận thêm 27 ca nhiễm COVID-19 trong ngày 15.6, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh liên quan đến ổ dịch chợ Tân Phát Địa lên con số 106.
Đến nay đã có 21 khu dân cư phải phong tỏa (11 khu gần chợ Tân Phát Địa, 10 khu xung quanh chợ hải quân Ngọc Tuyền Đông nơi phát hiện ca nhiễm liên quan) với hơn 90.000 người được xét nghiệm sàng lọc. Tất cả khu dân cư trên địa bàn triển khai công tác tìm kiếm những ai từng đến Tân Phát Địa từ ngày 30.5 tới lúc chợ đóng cửa.
Đáng chú ý, một người thuộc ban quản lý chợ ngày 12.6 cho biết cơ quan chức năng tìm thấy mầm bệnh trên thớt xẻ cá hồi nhập khẩu. Thông tin này lập tức khiến cá hồi biến mất khỏi siêu thị và nhà hàng ở Bắc Kinh. Chợ ở hàng loạt tỉnh thành như Sơn Tây, Giang Tây, Hồ Nam, Vũ Hán, Hàng Châu, Thành Đô, Nam Kinh… cũng sạch bóng cá hồi, thậm chí có nơi còn loại bỏ cả thịt bò lẫn thịt dê nhập khẩu.
Theo nhà dịch tễ học Dương Bằng thuộc Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa Bắc Kinh, đánh giá ban đầu cho thấy vi rút có khả năng đến từ nước ngoài, nhưng chưa rõ làm thế nào mầm bệnh xâm nhập chợ Tân Phát Địa.
Thông tin tìm thấy mầm bệnh trên thớt xẻ cá hồi nhập khẩu khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài bị trả hàng. Quan chức Cơ quan Y tế Na Uy - một trong những nước xuất khẩu cá hồi hàng đầu thế giới - Espen Nakstad bác bỏ giả thuyết cá hồi đem vi rút đến Trung Quốc.
Chủ tịch Hội Thủy sản quốc gia Mỹ John Connelly cũng nhận xét giả thuyết cá hồi mang mầm bệnh không có cơ sở khoa học. Trung tâm kiểm soát - phòng ngừa dịch bệnh của các nước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu đều từng khẳng định thực phẩm hay bao bì thực phẩm không làm lây nhiễm COVID-19.
Cá hồi là vật chủ?
Chuyên gia dịch tễ Kim Đông Nhạn thuộc Đại học Hồng Kông cho rằng khả năng cá hồi là vật chủ COVID-19 cực kỳ thấp. Cá là động vật cấp thấp, gần như chưa từng xảy ra chuyện vi rút ở cá lây sang người và đến nay chưa xuất hiện bằng chứng vi rút gây bệnh COVID-19 có thể nhân lên trong cơ thể cá.
Giáo sư Trình Công thuộc Đại học Thanh Hoa nói rõ: “Vi rút cần dựa vào thụ thể trên tế bào vật chủ để xâm nhập. Không có thụ thể phù hợp, chúng không thể xâm nhập. Bằng chứng hiện có chỉ ra rằng thụ thể phù hợp tồn tại ở động vật có vú, không có ở cá”.
Giáo sư Dương Chiếm Thu thuộc Đại học Vũ Hán cùng Phó giáo sư Châu Nghị thuộc Đại học Nông nghiệp Bắc Kinh ủng hộ cách lý giải trên. Hai ông nhận định nhiều khả năng cá hồi không phải vật chủ mà là vật trung gian, bị mầm bệnh bám lên bề mặt trong quá trình đóng gói hoặc vận chuyển.
Cẩm Bình (theo SCMP, Tân Hoa Xã, Chinanews,The Local Norway)