Trước những diễn biến bất thường của thời tiết khiến mực nước biển dâng cao kèm theo giông, lốc, sóng to, gió mạnh đã khiến một số tuyến đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng nên ngành chức năng địa phương đã tập trung chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khẩn trương gia cố, bảo vệ tuyến đê.
Đê biển Tây đoạn đi qua địa bàn tỉnh Cà Mau có chiều dài hơn 100km, nằm trên địa bàn 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh. Đây là khu vực quan trọng góp phần bảo vệ hơn 90.000ha đất sản xuất nông nghiệp và hàng ngàn hộ dân. Chính vì thế, công tác gia cố và bảo vệ đê biển Tây luôn được ngành chức năng tỉnh quan tâm thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của thời tiết hiện nay đã khiến đê biển Tây thường xuyên xảy ra tình trạng bị sạt lở, tràn cục bộ.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn, ven tuyến đê biển Tây có gió mạnh, sóng to đã khiến 3 vị trí trên tuyến đê thuộc địa bàn xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) bị sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 110m. Cùng với đó, xảy ra tình trạng tràn nước cục bộ tại 3 vị trí thuộc địa bàn xã Khánh Tiến (huyện U Minh) với tổng chiều dài khoảng 75m.
Ông Bùi Văn Đông, Hạt Trưởng Hạt quản lý đê điều tỉnh Cà Mau thông tin: “Tại đoạn đê biển Tây thuộc huyện Trần Văn Thời, triều cường dâng cao khoảng 1,7m, dâng gần bằng mặt đê. Kèm theo đó là sóng lớn nên khiến một số đoạn đê không còn rừng phòng hộ bên ngoài bị sạt lở nghiêm trọng. Vị trí đê chịu ảnh hưởng nhiều nhất thuộc xã Khánh Bình Tây. Hiện chúng tôi đã tăng cường phối hợp với các đơn vị để huy động lực lượng gia cố, hộ đê với giải pháp xử lý là xếp 2 lớp rọ đá tại những vị trí sạt lở.
Qua đó, nhằm góp phần bảo vệ an toàn tuyến đê biển trước nguy cơ bị vỡ trong mùa mưa bão năm nay. Đồng thời, tiến hành xử lý cây cối bị đổ ngã trên mặt đê và cắm biển thông báo, cảnh báo nhằm hạn chế người, phương tiện lưu thông qua đoạn đê nguy hiểm để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản. Đối với các vị trí tràn cục bộ, chúng tôi đã kết hợp với chính quyền địa phương khảo sát thực tế và nhận thấy không gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, do đó đã vận động người dân tự be bờ chống tràn”.
Được biết, biên độ mực nước triều tại đê biển Tây ở mức bình thường dao động từ 0,9m đến 1m, nhưng trong ngày 11.7 vừa qua đã có 2 lần mực nước đạt 1,7m, cao hơn bình thường 0,7m. Bên cạnh đó, kèm theo sóng to, gió lớn khiến triều cường dâng cao vượt qua các kè, thậm chí tấn công vào thân đê.
Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, tình huống này không chỉ xảy ra vào ngày 11.7 vừa qua mà trước đó cũng đã xảy ra vào tháng 8.2019. Cũng từ thực tế này cho thấy, tình hình thời tiết thiên tai hiện đang diễn biến ngày càng thất thường và khó lường hơn trước.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Đặc biệt là tập trung rà soát triển khai thực hiện các phương án phòng, chống thiên tai theo kế hoạch. Cùng với đó, chỉ đạo các lực lượng khẩn trương gia cố tuyến đê biển Tây bị sạt sở. Theo dõi chặt chẽ tình hình để nhanh chóng phát hiện và khắc phục kịp thời, không để vỡ đê gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân”.