Tỉnh Cà Mau rất quyết liệt trong chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng khai thác thủy sản kiểu tận diệt.
Ý thức người dân được nâng cao
Với người dân Cà Mau, trước đây mỗi khi sắp mùa mưa là bà con tất bật chuẩn bị ngư cụ như lưới, lờ… để đánh bắt cá non đầu mùa. Vào những năm 2000, nguồn lợi cá non ở các địa phương vùng ngọt của tỉnh Cà Mau rất nhiều. Bắt đầu mùa mưa là thời điểm cá đồng sinh sản, đó cũng là lúc người dân quê săn tìm các loài cá non vốn được xem là đặc sản mà giới nhà giàu săn tìm như các loại cá lóc, rô, sặc… đem bán kiếm thêm tiền lo cho cuộc sống.
Ông T. ngụ TP.Cà Mau, nay đã bỏ nghề săn cá non, cho biết cách đây khoảng 15 năm, hễ vào mùa mưa, ngoài việc giăng câu bắt cá thì ông còn có thêm nghề “tay trái” là săn lá lòng ròng (cá lóc non), cá rô, cá sặc non đem ra chợ bán.
“Nói là nghề tay trái nhưng có hôm vô mánh được nhiều tiền. Từ đó, nhận thấy nghề này dễ kiếm tiền nên nó thành công việc chính của tôi mỗi khi vào mùa mưa. Hồi đó, nguồn lợi cá non rất dồi dào nên bà con dân quê không sợ thiếu thức ăn hằng ngày. Giờ nguồn cá đồng khan hiếm, lại được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động chống khai thác thủy sản kiểu tận diệt để tái tạo nguồn lợi thủy sản nên tôi đã bỏ nghề không đánh bắt cá non nữa. Tôi chỉ bắt cá lớn, còn cá bé thả lại cho chúng phát triển để sau này con cái mình còn có cái mà biết đâu là con cá lóc, cá rô”, ông T. nói.
Với ông G. ngụ huyện Trần Văn Thời cũng vậy, hồi trước, khi vào mùa mưa, với việc đặt lờ bắt cá non, mỗi ngày ông kiếm vài trăm nghìn đồng là chuyện bình thường. “Hồi đó, cứ mỗi mùa mưa tôi chỉ việc đặt lờ là kiếm tiền triệu rất dễ dàng. Tuy nhiên, nhận thấy việc đánh bắt cá non như thế là trái quy định, có thể bị phạt nặng nên tôi đã chuyển nghề khác để kiếm thu nhập”, ông G. cho biết.
Ông Nguyễn Minh Hợp, Phó trưởng ban Quản lý chợ TP.Cà Mau cho hay, vào đầu mùa mưa, UBND TP.Cà Mau đã chỉ đạo các ngành chức năng, Phòng Kinh tế, Ban Quản lý chợ TP phối hợp với Thanh tra Sở NN-PTNT tiến hành tuyên truyền nhắc nhở bà con không nên đánh bắt, bán cá non tại các điểm chợ.
“Với việc khai thác, đánh bắt vô tội vạ từ cá bé đến cá lớn như hiện nay, nguồn lợi thủy sản đang trước nguy cơ bị cạn kiệt. Cùng với đó, việc sử dụng phân bón, thuốc hóa học, thâm canh, tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại môi trường, làm cho nguồn lợi thủy sản nước ngọt, đặc biệt là các loại cá đồng tự nhiên ngày càng ít đi”, ông Hợp nói.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Huyện U Minh vốn được xem là “thủ phủ” cá đồng của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lợi cá đồng không còn nhiều và người dân dần ít nhìn thấy hình ảnh những bầy cá lóc non đông đặc đi tìm thức ăn dưới các kênh mương cạnh bìa rừng.
Ông Trần Thanh Liêm ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh chia sẻ, ở xứ U Minh này, con cá đồng nổi tiếng lâu rồi, ai cũng biết. Nhưng bây giờ nó không còn như ngày xưa. Nguyên nhân là điều kiện sản xuất của mình dẫn đến môi trường bị thay đổi, nước mặn xâm nhập vào, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đã tác động xấu đến quá trình sinh trưởng và tồn tại của các loài thủy sản. Cùng với đó, việc khai thác quá mức nguồn lợi cá đồng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc khan hiếm như hiện nay.
“Không có môi trường nó vẫn có thể tự thích nghi từ từ được, nhưng bây giờ nạn xiệc điện và vô số cách đánh bắt đã khiến cho cá không kịp sinh sản đã chết thì lấy đâu ra cá để tái tạo, phát triển”, ông Liêm nói.
Ông Nguyễn Thanh Ril, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) thông tin, những năm trước, mỗi khi vào đầu mùa mưa là người dân có thói quen đánh bắt cá non. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2024, địa phương thực hiện chỉ đạo của cấp trên về đầy mạnh việc tuyên truyền, vận động bà con không đánh bắt cá non ngay đầu mùa cũng như không dùng kích điện để bắt cá theo kiểu hủy diệt.
“Đến thời điểm hiện nay, người dân trên địa bàn xã đã giao nộp 23 phương tiện và các hộ dân cam kết 100% không tàng trữ, sử dụng dụng cụ kích điện để bắt cá. Điều đó đã làm giảm đáng kể việc khai thác đánh bắt nguồn lợi thủy sản theo hình thức tận diệt. Để thực hiện có hiệu quả, tái tạo lại các nguồn lợi cá đồng, Hội Nông dân xã Nguyễn Phích đã xây dựng các mô hình nuôi cá đồng nhằm tái tạo, phát triển nguồn lợi cá đồng ở địa phương, từ đó người dân không còn thực hiện đánh bắt cá ngoài tự nhiên.
Trước đó, tại hội nghị “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản”, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với hành vi khai thác thuỷ sản trái phép, tận diệt, hủy diệt; thiết lập đường dây nóng hoặc có hình thức phù hợp tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của người dân đối với hành vi khai thác thủy sản trái phép, tận diệt, hủy diệt.