Tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân trong hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển; thực hiện chặt chẽ các quy định trong quản lý, khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản..., nhằm thúc đẩy lộ trình Ủy ban châu Âu gỡ "thẻ vàng" IUU.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Cà Mau nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' IUU

Trần Khải 25/05/2024 06:00

Tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân trong hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển; thực hiện chặt chẽ các quy định trong quản lý, khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản..., nhằm thúc đẩy lộ trình Ủy ban châu Âu gỡ "thẻ vàng" IUU.

Việc Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác và xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2017 đến nay đã làm cho nghề cá của nước ta chịu nhiều tổn thất. Chính vì vậy, cả nước đang rất nỗ lực để thúc đẩy việc EC gỡ "thẻ vàng", hướng đến phát triển ngành thủy sản bền vững.

Cùng với cả nước, tỉnh Cà Mau đã rất quyết liệt trong việc xử lý tàu cá vi phạm trong khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển.

thu-mua-1.jpg
Tàu cá từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình - Ảnh: Trần Khải

Những nỗ lực từ cơ sở

Toàn huyện U Minh hiện có 1.007 tàu cá, trong đó có 455 tàu dưới 12m, 320 tàu từ 12 –15m và 232 tàu trên 15m. Theo chính quyền huyện U Minh, địa phương đã thành lập tổ công tác IUU thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác của tàu thuyền đánh bắt hải sản. Nhằm hướng đến việc gỡ "thẻ vàng", huyện U Minh đã chỉ đạo các ngành có liên quan và UBND các xã, thị trấn phát thư kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho các chủ tàu và gia đình. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cho các chủ tàu và thuyền trưởng, để họ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

“Nhờ được chính quyền địa phương tuyên truyền về tác hại của việc khai thác bất hợp pháp nên tôi rất chủ động trong việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, ghi nhật ký khai thác, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đầy đủ. Đồng thời, trước khi tàu xuất bến ra biển tôi quán triệt chặt chẽ với thuyền trưởng và anh em thuyền viên phải thực hiện đánh bắt đúng pháp luật. Quyết tâm cùng cả nước gỡ thẻ vàng IUU, đưa ngành thủy sản phát triển bền vững”, chủ một tàu cá ở cửa biển Khánh Hội chia sẻ.

3(1).jpg
Hải sản khai thác phải được ghi nhật ký đánh bắt - Ảnh: Trần Khải

Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện U Minh cho biết, toàn huyện có 232/232 tàu cá trong diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã thực hiện đầy đủ. Đối với những tàu cá có giấy phép khai thác hết hạn (173 tàu), huyện đã chỉ đạo cho UBND các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động chủ phương tiện làm thủ tục gia hạn khi tàu vào bờ, hướng dẫn chủ tàu nộp hồ sơ trực tuyến. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn ngư dân làm thủ tục đăng kiểm đối với những tàu cá hết hạn kiểm định và thực hiện số hóa tàu cá theo quy định.

“Địa phương kiên quyết xử lý nghiêm những phương tiện vi phạm về IUU”, bà Ửng nói.

Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện U Minh, địa phương có 50 cơ sở thu mua thủy sản đã thực hiện thống kê, báo cáo sản lượng định kỳ hằng tháng và thực hiện số hóa đạt 100% theo quy định.

UBND huyện U Minh cho biết, thời gian qua, 2 đồn biên phòng trên địa bàn huyện luôn tăng cường bố trí lực lượng trực thường xuyên tại trạm kiểm soát, thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cửa biển; kiên quyết không giải quyết xuất bến đối với các tàu không chấp hành việc ghi sổ nhật ký khai thác, không lắp đặt thiết bị VMS, không đăng ký cập bến; xử lý nghiêm tàu cá không có biển số, không đăng ký, đăng kiểm.

Đặc biệt, địa phương tập trung kiểm tra, ngăn chặn xuất bến đối với tàu cá hoạt động nghề lưới kéo, tàu cá nghi ngờ có dấu hiệu khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài. Tiếp tục triển khai kế hoạch nghiệp vụ, chuyên án đấu tranh, bóc gỡ, xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức môi giới đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam ra vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép và mua, chuộc tàu cá bị nước ngoài bắt giữ về địa bàn.

thu-mua-2.jpg
Tỉnh Cà Mau kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về IUU - Ảnh: Trần Khải

Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt về công tác chống khai thác IUU.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ các hoạt động của tàu cá, xử phạt vi phạm, có chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận, chưa nghiêm khắc về vấn đề IUU”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo huyện U Minh, địa phương thực hiện nghiêm việc kiểm soát, không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; không để tàu mất kết nối 10 ngày và không để phát sinh tàu "3 không" (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép).

Ở các huyện ven biển khác như Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển, chính quyền địa phương cũng đang rất quyết liệt, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm về IUU. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền trong ngư dân về việc khai thác đúng pháp luật, góp phần cùng tỉnh Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung hướng đến gỡ bỏ thẻ vàng IUU.

thu-mua.jpg
Hải sản được đóng gói tại cảng cá Rạch Gốc đều đáp ứng các điều kiện về truy xuất nguồn gốc - Ảnh: Trần Khải

Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc cho biết: “Rạch Gốc là cửa biển lớn của huyện Ngọc Hiển nên lượng ghe tàu ra vào tương đối nhiều. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, nhằm hướng đến việc được gỡ thẻ vàng IUU nên thời gian qua thị trấn Rạch Gốc đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân về vấn đề khai thác, đánh bắt phải đúng quy định. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến IUU, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để hướng tới một môi trường sản xuất phát triển lành mạnh, bền vững”.

Ứng dụng công nghệ vào quản lý tàu cá

Toàn tỉnh Cà Mau có 4.077 tàu cá, trong đó có 1.524 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, 100% tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Thủy sản khai thác hàng năm đạt 235.000 tấn, riêng 5 tháng đầu năm 2024 đạt 100.610 tấn (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 42% kế hoạch). Địa phương hiện có 5 cảng cá đang hoạt động, trong đó có 2 cảng cá đạt loại hai (Sông Đốc và Rạch Gốc) và 1 cảng cá loại ba (Cái Đôi Vàm), được Bộ NN-PTNT công bố danh sách cảng cá chỉ định phục vụ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản và tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên được cập, rời cảng theo quy định.

thu-mua-5.jpg
Tàu cá cập cảng Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển - Ảnh: Trần Khải

Ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm ngư Cà Mau cho biết, đối với việc triển khai thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT VN), tỉnh đã triển khai, hướng dẫn cho cán bộ của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Văn phòng IUU, Chi cục Thủy sản và Ban quản lý các cảng cá, doanh nghiệp, ngư dân là chủ tàu, thuyền trưởng. Đồng thời, triển khai công tác sắp xếp hồ sơ, cập nhật thông tin lên cơ sở dữ liệu quốc gia và các nền tảng Google Sheets.

Để công tác gỡ "thẻ vàng" IUU có hiệu quả, UBND tỉnh Cà Mau đã có đề xuất, kiến nghị Bộ NN-PTNT hướng dẫn thống nhất về tổ chức lực lượng Kiểm ngư (từ Trung ương đến địa phương) nhằm tăng cường thực thi pháp luật, xử lý kịp thời tàu cá, ngư dân có dấu hiệu hoặc vi phạm khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài.

Đồng thời, rà soát, nâng cấp cơ sở dữ liệu thông tin quản lý nghề cá, kết nối đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các quy định chống khai thác IUU tại địa phương. Ngoài ra phải kịp thời hướng dẫn chấn chỉnh sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong tình trạng đặc thù của tỉnh Cà Mau. Từ đó có chủ trương, hướng dẫn cho tỉnh Cà Mau thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Bài liên quan
Vụ ‘tòa nhà đẹp nhất Cà Mau’: Kiểm tra quy trình tham mưu của Phòng TN-MT
Mặc dù “tòa nhà đẹp nhất Cà Mau” đã được UBND TP.Cà Mau “cho phép tồn tại” bằng cách chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở nông thôn, nhưng đến nay chủ nhân của tòa nhà vẫn chưa hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất do công tác tham mưu của Phòng Tài nguyên và Môi trường có sự mâu thuẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Doanh nghiệp nhà nước thực hiện 5 tiên phong
4 giờ trước Sự kiện
Mong muốn mỗi ngành có một doanh nghiệp như Viettel, mỗi địa phương có một doanh nghiệp như Becamex, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu doanh nghiệp nhà nước thực 5 tiên phong.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' IUU