Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là không chính xác
Kinh tế - đầu tư - dự án

Thông tin Ngân hàng Nhà nước thay đổi điều hành tỷ giá là không chính xác

Tuyết Nhung 23:06 24/05/2024

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là không chính xác

Thời gian gần đây, tỷ giá chịu nhiều áp lực do cả yếu tố kinh tế cũng như một số tin đồn gây ảnh hưởng tới tâm lý, kỳ vọng thị trường. Trước tình hình này, tối 24.5, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

web.jpg
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Ông Quang cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước thời gian qua.

Trước hết, lạm phát duy trì cao tại Mỹ khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ (CSTT), cắt giảm lãi suất của Fed, cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số vùng lãnh thổ, khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh, có thời điểm chỉ số USD (DXY) tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.

Thứ hai, từ đầu năm đến giữa tháng 5.2024, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh, ước đạt 132,23 tỉ USD, tăng 19,7 tỉ USD (tăng 17,5%) so với cùng kỳ năm 2023, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu năm phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, từ đó tạo nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, có thể giải tỏa bớt áp lực tỷ giá trong thời gian tới.

Thứ ba, trong khi Mỹ tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế (khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền âm), thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai - chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại, trong khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho hệ thống tổ chức tín dụng, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỷ giá.

Với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đề cập ở trên, từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD, tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực: đô la Đài Loan (giảm 5,06%); baht Thái (giảm 6,31%); won Hàn Quốc (giảm 5,66%); yên Nhật (giảm 10,87%); rupiah Indonesia (giảm 3,87%); peso Philippines (giảm 4,82%); nhân dân tệ (giảm 2,04%).

"Tuy nhiên, tất cả các khó khăn, thách thức nêu trên của thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn, vì trong thời gian tới với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng, trong khi doanh nghiệp vừa qua tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai, qua đó cân đối cung - cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn tới đây.

Đồng thời, giới tài chính quốc tế duy trì quan điểm dự báo nhiều khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2024, từ đó giảm bớt áp lực mất giá cho các đồng tiền trên thế giới, trong đó có VND. Dựa trên các yếu tố căn bản trong và ngoài nước như đề cập nêu trên, nhiều tổ chức quốc tế dự báo khả năng VND tăng giá trở lại khi các yếu tố căn bản này dần được hiện thực hóa trong thời gian tới", ông Quang cho hay.

Để ổn định thị trường ngoại tệ, hạn chế áp lực lên tỷ giá, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ theo sát diễn biến thị trường.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, hấp thụ các cú sốc bên ngoài. Đồng thời, để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, làm dịu sức ép lên tỷ giá trong điều kiện thanh khoản VND của các tổ chức tín dụng tương đối dư thừa, thu hẹp mức chênh lệch lãi suất âm trên thị trường liên ngân hàng như đề cập ở trên, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn và khối lượng phù hợp nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, hạn chế các yếu tố gia tăng áp lực lên tỷ giá.

Thứ hai, từ ngày 19.4, Ngân hàng Nhà nước đã bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường để phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời bình ổn tâm lý thị trường, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Giải pháp điều tiết thanh khoản và bán ngoại tệ can thiệp được Ngân hàng Nhà nước thực hiện nêu trên cũng tương tự các giải pháp được các ngân hàng trung ương trong khu vực triển khai thời gian qua.

"Mức giảm giá của VND thời gian qua có thể nhận định là mức trung bình so với các đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới (như đề cập ở trên). Với cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỷ giá thị trường đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt.

Như vậy, một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường. Do đó, doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trước những tin đồn", Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định.

Về tình hình điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới, ông Quang dự báo mặc dù tình hình quốc tế vẫn còn nhiều thách thức, khó lường, nhưng với nền tảng kinh tế vĩ mô, đối ngoại vững chắc và việc Fed dự kiến bắt đầu giảm lãi suất từ cuối năm nay như đề cập ở trên, áp lực đối với tỷ giá sẽ giảm bớt.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường thông qua việc tiếp tục kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ với việc bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường, qua đó phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, góp phần bình ổn tâm lý thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Bài liên quan
Lãi suất giảm, tỷ giá bùng lên: Quan hệ biện chứng cần có sự cân bằng
Lãi suất có quan hệ biện chứng với tỷ giá, nếu lãi suất giảm thấp thì khả năng tỷ giá sẽ lại bùng lên. Vì vậy phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thông tin Ngân hàng Nhà nước thay đổi điều hành tỷ giá là không chính xác