Bộ Nội vụ cho biết sắp tới sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị cấp xã.
Chiều 28.2, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030 chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành, trong năm sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập 50 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó, có 11 huyện thuộc diện phải sắp xếp, 16 huyện khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp, toàn quốc dự kiến giảm 14 huyện.
Tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị. Trong đó có 738 xã thuộc diện phải sắp xếp, 109 xã khuyến khích và 396 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp, toàn quốc dự kiến giảm 619 xã.
Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, thời gian chỉ còn lại 6 tháng nên đây là giai đoạn nước rút, trong khi số lượng đơn vị hành chính sắp xếp rất lớn, nhất là các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Hải Phòng. Vì vậy, các địa phương nỗ lực để hoàn thành.
Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Cụ thể, Bộ Nội vụ bám sát cùng địa phương giải quyết bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật.
Cùng với đó là rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các đơn vị hành chính; rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phục vụ sắp xếp lại, xử lý trụ sở; cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi giấy tờ do có thay đổi từ việc sắp xếp đơn vị hành chính, giải quyết các chế độ, chính sách gắn với đơn vị hành chính cho người dân bảo đảm kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm đối với trường hợp địa phương không quyết liệt, có biểu hiện né tránh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh đây là việc khó, nhất là khi thời gian thực hiện hạn hẹp, chỉ còn khoảng 6 tháng, đến tháng 9 phải trình Ủy ban Thường Quốc hội xem xét. Bên cạnh đó, sắp xếp đơn vị hành chính là đụng chạm đến các địa phương, đụng chạm đến chế độ chính sách của rất nhiều người. Chính vì vậy, việc này đòi hỏi phải làm thật kỹ lưỡng.