Các đối tượng này phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.

Các đối tượng cần thận trọng khi định tiêm vắc xin COVID-19

Nhân Hoàng | 22/06/2021, 21:03

Các đối tượng này phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.

Chiều 22.6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội ghi nhận 1 ca tử vong sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 là thầy giáo 26 tuổi. Anh tử vong sau 39 giờ tiêm vắc xin do AstraZeneca sản xuất. Thông tin này khiến nhiều người hoang mang và muốn biết những đối tượng nào cần thận trọng khi định tiêm vắc xin COVID-19 hoặc chống chỉ định việc này.

Theo Quyết định 2995/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 18.6.2021 về việc hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, người được tiêm chủng được phân làm 4 nhóm:

1. Nhóm đủ điều kiện tiêm chủng.

2. Nhóm thận trọng tiêm chủng.

3. Nhóm trì hoãn tiêm chủng.

4. Nhóm chống chỉ định tiêm chủng.

Nhóm 1: Các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng

Người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc xin. Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.

Không thuộc các đối tượng được quy định tại nhóm 2, 3 và 4.

Nhóm 2: Các đối tượng cần thận trọng

Các đối tượng này phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu:

- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.

- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định.

- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.

- Người trên 65 tuổi.

- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.

- Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:

22-06-2021-9-39-53-ch.jpg

Lưu ý: Do chiến dịch tổ chức tại các điểm tiêm tại cộng đồng nên người trên 65 tuổi sẽ hoãn tiêm chờ các đợt tiêm chủng tiếp theo.

cac-doi-tuong-can-than-trong-khi-dinh-tiem-vac-xin-covid-19.jpg
Một người được nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19

Nhóm 3: Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng

- Đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được.

- Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù,…

- Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.

- Đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.

- Phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Nhóm 4: Chống chỉ định

- Tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.

- Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

Dấu hiệu nặng cần đến viện ngay sau tiêm vắc xin COVID-19

Theo Bộ Y tế, một số triệu chứng thông thường sau tiêm vắc xin COVID-19 có thể gặp là sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn... Đây là các phản ứng thông thường sau khi tiêm, cho biết cơ thể bạn đang tạo ra miễn dịch phòng COVID-19.

Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin COVID-19 là hiếm gặp, xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm. Một số dấu hiệu nhận biết như tê quanh môi hoặc lưỡi; phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da; ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc ở họng; nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng; thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho; mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp...

Diễn biến nặng lên gồm sốt cao trên 39°C, sưng hoặc đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp hoặc kẹt huyết áp...

Nếu gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường nêu trên, bạn hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Người mắc bệnh nền ổn định càng nên tiêm vắc xin COVID-19

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Nội thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, chuyên gia về dịch tễ học tại TP.HCM, khẳng định: “Không có chuyện người đang bị bệnh nền ổn định thì chích vắc xin COVID-19 sẽ ảnh hưởng bệnh nền” và khuyên người có bệnh nền càng nên chích ngừa vì khi mắc COVID-19 rất dễ biến chứng nặng…

"Khi có bệnh nền ổn định càng nên chích vắc xin ngừa COVID-19”, bác sĩ Khanh nói.

Ngoài ra, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói rằng không có chuyện người thể trạng yếu ớt sẽ bị phản ứng nhiều hơn người to khỏe khi tiêm vắc xin COVID-19. 

Cũng theo bác sĩ Khanh, không có chuyện người lớn tuổi chích vắc xin sẽ bị phản ứng nhiều, ảnh hưởng sức khỏe hơn.

Bác sĩ Khanh khuyên người đã được tiêm hai liều vắc xin COVID-19 nên thực hiện 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) vì vẫn có thể nhiễm SARS-Co-V. Đây là chuyện đã thấy ở hàng chục nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vốn đã tiêm vắc xin AstraZeneca. Xem chi tiết tại đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các đối tượng cần thận trọng khi định tiêm vắc xin COVID-19