Thời gian qua, các nhà máy nước TP.HCM nhiều lần phải ngừng hoạt động vì độ mặn trong nước sông Sài Gòn và sông Đồng Nai (2 con sông là nguồn nước chính cấp nước cho người dân TP.HCM) quá cao.
Báo điện tử Một Thế Giới đã đề cập về việc xâm mặn do biến đổi khí hậu đã đe dọa đến nguồn cung ứng nước ngọt cho 10 triệu dân TP.HCM. Do bị xâm mặn nên lượng muối trong các sông ngòi tăng cao, khiến cho hệ thống lọc không thể hoạt động hiệu quả nhất.
Những con số được Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đưa ra gần đây khiến người ta giật mình. Trong Tết nguyên đán vừa qua, các nhà máy nước nhiều lần phải ngừng hoạt động vì độ mặn trong nước sông Sài Gòn và sông Đồng Nai (2 con sông là nguồn nước chính cấp nước cho người dân TP.HCM) quá cao.
Từ ngày 8.2 đến 9.2.2016 (ngày mùng 1, mùng 2 tết Nguyên Đán), độ mặn tại sông Sài Gòn tăng cao vượt 250 mg/L từ 2 đến 3 giờ mỗi ngày, buộc nhà máy nước Tân Hiệp phải ngừng lấy nước thô tổng cộng 5 giờ.
Trước đó, từ 25.1 đến 27.1.2016, độ mặn của sông Sài Gòn vượt 250 mg/L từ 2 đến 3 giờ mỗi đợt và cao nhất lên đến 358 mg/L, buộc nhà máy nước Tân Hiệp phải ngừng lấy nước thô trong tổng cộng 10 giờ.
Tình hình nguồn nước ở sông Đồng Nai cũng căng thẳng tương tự. Từ ngày 5.2 đến 14.2.2016 độ mặn vượt 250 mg/L, cao nhất lên đến 600 mg/L, buộc Nhà máy nước Bình An ngừng lấy nước thô 4-10 giờ/ngày
Khi độ mặn vượt quá tiêu chuẩn thì giải pháp đơn giản nhất là xả nước từ các hồ nước ngọt để ‘pha loãng’ nồng độ clorua. Tổng công ty cấp nước Sài Gòn cho biết để đảm bảo hoạt động sản xuất và sản lượng cung cấp nước sạch cung cấp liên tục cho Thành phố, nhà máy nước Tân Hiệp đã phải yêu cầu Công ty Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa hỗ trợ xả nước đẩy mặn trên sông Sài Gòn nhiều đợt trong thời gian qua. Và khi sông Đồng Nai bị độ mặn cao sẽ phải cầu cứu nước ngọt từ hồ Trị An để đẩy mặn.
Tuy nhiên, việc xả nước từ các hồ Dầu Tiếng hay Trị An cũng chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải là cách lâu dài. Biến đổi khí hậu không chỉ giúp biển xâm mặn, lấn sâu vào đất liền mà còn khiến cho lượng mưa hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cấp nước cho các hồ.
Theo nhận định tình hình khí tượng thủy văn của Trung Tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do hiện tượng El Nino kéo dài từ 2014 đến giữa năm nay, các hiện tượng nhiệt độ cao (tăng 3-4oC so với trung bình nhiều năm), nắng nóng (14 đợt), giảm lượng mưa (thiếu hụt 20-50% so với trung bình nhiều năm) ngày càng tăng trên diện rộng.
Trong 10 tháng đầu năm 2015, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ thiếu hụt từ 20-60%, có nơi thiếu hụt trên 80% dẫn đến mực nước sông suy giảm xuống mức thấp nhất lịch sử hoặc thấp nhất cùng kỳ. Đồng thời, mực nước ở các hồ Trung Bộ, Tây nguyên (thượng nguồn của sông Sài Gòn và Đồng Nai) đều ở mức thấp hơn năm 2014 từ 1,5-5m và thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 5-10m.
Dự báo vào đầu năm 2016, lượng mưa tại khu vực Trung Bộ có khả năng thiếu hụt 30-50% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa có khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-40% và mùa mưa sẽ kết thúc sớm hơn nhiều năm. Lượng dòng chảy trên các sông sẽ giảm dần và có khả năng thiếu hụt ở các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ (20-40%); Nam Trung Bộ (60%) dẫn đến tình trạng khô hạn và thiếu nước xảy ra sớm vào đầu mùa khô năm 2016, dự kiến mùa khô năm 2016 sẽ kéo dài hơn mọi năm (khoảng tháng 6.2016 mới có mưa).
Như vậy, trong 3 tháng tới, tình hình cấp nước sẽ rất căng thẳng khi không có mưa trong khi độ mặn của sông luôn trong tình trạng đe dọa các nhà máy nước. Giải pháp hiệu quả duy nhất lúc này là xả nước ngọt cầm chừng từ các hồ và chờ mưa. Nhưng như vậy thì quá thụ động và rất đáng lo cho nhu cầu nước ngọt của 10 triệu dân TP.HCM. Trong tương lai, rất cần có giải pháp tốt hơn để đối phó với hạn hán, xâm mặn như đổi mới công nghệ hay chủ động hơn trong việc dự trữ nguồn nước.
Thảo Hương