Kỳ nghỉ giáng sinh của nhiều người bị ảnh hưởng bởi chính phủ các nước/vùng lãnh thổ châu Á siết chặt quy định nhập cảnh và cách ly sau sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Các nước châu Á tăng cường ngăn chặn biến thể Omicron

Cẩm Bình | 03/12/2021, 10:50

Kỳ nghỉ giáng sinh của nhiều người bị ảnh hưởng bởi chính phủ các nước/vùng lãnh thổ châu Á siết chặt quy định nhập cảnh và cách ly sau sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Hồng Kông

Đặc khu này của Trung Quốc hành động rất nhanh. Ngày 29.11, đặc khu đưa thêm ít nhất 16 quốc gia vào nhóm A nguy cơ cao, những người cư trú ở Hồng Kông mà trở về từ nước/vùng lãnh thổ thuộc nhóm này phải cách ly 21 ngày, còn người không cư trú ở Hồng Kông không được nhập cảnh.

Một số quốc gia cũng đã hoặc đang cân nhắc cấm nhập cảnh người đến từ Hồng Kông sau khi phát hiện vài trường hợp cách ly tại khách sạn ở Hồng Kông nhiễm biến thể Omicron.

Singapore

Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung ví sự xuất hiện của biến thể Omicron như bước ngoặt trong trò chơi “rắn leo thang”, tình hình rất khó đoán định.

Giới chức đảo quốc sư tử quyết định kể từ ngày 3.12, mọi hành khách, kể cả cư người cư trú ở Singapore lẫn người quá cảnh sân bay Changi, đều phải thực hiện quy định xét nghiệm chặt chẽ: xét nghiệm trước khi khởi hành và xét nghiệm PCR khi đến.

Singapore còn hoãn triển khai làn đi lại cho người đã tiêm vắc xin (VTL) với người Qatar, Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Trường hợp đến Singapore bằng VTL đã lập phải trải qua xét nghiệm nhanh tại địa điểm chỉ định vào ngày thứ sáu và ngày thứ bảy sau khi nhập cảnh.

casing.jpg
Singapore tăng cường xét nghiệm - Ảnh: Business Times

Bất cứ ai nhiễm biến thể Omicron đều không được điều trị tại nhà mà phải được chuyển đến Trung tâm quốc gia về bệnh truyền nhiễm cách ly điều trị. Trường hợp tiếp xúc cũng phải đến nơi cách ly tập trung.

Hiện tại quy định về tập trung đông người chưa có thay đổi gì, giới hạn số người có thể cùng dùng bữa vẫn là 5 người.

Singapore mới đây cũng đã ghi nhận 2 ca nhiễm biến thể Omicron.

Malaysia

Ngày 30.11, Malaysia tuyên bố ngừng kế hoạch chuyển đổi theo hướng điều trị COVID-19 như bệnh đặc hiệu (endemic) vì biến thể Omicron.

Bộ Y tế Malaysia ngày 1.12 thông báo tạm thời cấm nhập cảnh người đến từ nước/vùng lãnh thổ đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron và nơi nguy cơ cao. Kế hoạch thiết lập VTL với số nước/ vùng lãnh thổ này đều bị hoãn, hành khách trên chuyến bay thẳng hoặc quá cảnh từ Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Zimbabwe và Malawi không được phép vào.

Hiện số nước/vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron có thêm Hồng Kông, Anh, Úc, Ý, Ấn Độ. Malaysia cập nhật danh sách hạn chế hằng ngày.

Nhưng bất chấp lo ngại, Malaysia giữ nguyên kế hoạch tổ chức bầu cử ở bang Sarawak (trên đảo Borneo).

Indonesia

Cuối tuần qua, Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia Luhut Pandjaitan thông báo loạt quy định mới: công dân nước ngoài đã đến Nam Phi, Namibia, Botswana, Lesotho, Mozambique, Eswatini, Malawi, Zimbabwe, Angola, Zambia và Hồng Kông trong 14 ngày qua bị từ chối nhập cảnh; công dân Indonesia từng đến bất cứ nước/vùng lãnh thổ nói trên sẽ phải cách ly khi về nước; công dân Indonesia cùng hành khách đến từ nơi khác phải cách ly trong 1 tuần (tăng thêm 3 ngày so với quy định trước đó).

Bali và Jakarta tái áp đặt hạn chế cấp độ 2: văn phòng cùng nhà hàng chỉ hoạt động tối đa 50% công suất, siêu thị 75%.

caindo.jpg
Cảnh vắng vẻ tại sân bay quốc tế Bali - Ảnh: Reuters

Loạt thay đổi xảy ra ngay lúc Indonesia cố mở cửa một cách thận trọng. Tháng 10 vừa qua, họ cho phép hành khách đã tiêm đủ vắc xin từ 19 nước (kể cả Trung Quốc) nhập cảnh đồng thời để sân bay quốc tế ở Bali hoạt động trở lại.

Indonesia chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron nào.

Myanmar

Ngày 1.12, Myanmar kéo dài thời gian thực hiện loạt hạn chế với hoạt động đi lại không cần thiết để kiểm soát dịch. Nước này vừa mở lại 2 cửa khẩu thông thương với Trung Quốc vào tuần trước sau gần 7 tháng đóng cửa, chưa rõ biến thể Omicron có khiến cửa khẩu lại bị đóng hay không.

Trả lời phỏng vấn của tờ This Week in Asia hồi tháng 11, Bộ trưởng Thông tin Maung Maung Ohn cho biết giới chức Myanmar hy vọng có thể khôi phục hoạt động đi lại với Trung Quốc và Thái Lan vào tháng 11, nới lỏng hơn hạn chế đi lại đường hàng không trong quý 1 năm sau. Số liệu từ Our World in Data cho thấy khoảng 42,7% trong số 53 triệu người Myanmar đã được tiêm chủng đầy đủ.

Các quốc gia Đông Nam Á khác như Việt Nam, Thái Lan, Philippines cũng đề phòng bằng cách tạm dừng chuyến bay đến và đi Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Swaziland, Lesotho, Mozambique, cùng vài quốc gia châu Âu.

Ấn Độ

Ấn Độ triển khai chính sách xét nghiệm nghiêm ngặt tại sân bay kể từ ngày 1.12, với tất cả hành khách đến từ quốc gia có nguy cơ. Sàng lọc ở sân bay lẫn hải cảng được tăng cường, họ không cấm người đi hoặc quá cảnh từ Nam Phi, Hồng Kông hoặc Botswana nhập cảnh nhưng yêu cầu phải trải qua xét nghiệm PCR khi đến, có kết quả mới được rời khỏi sân bay.

Việc tiêm liều vắc xin thứ 2 cho hơn 100 triệu người dân đến hạn trở thành ưu tiên hàng đầu ở nước này. Hiện chỉ mới 40% dân số Ấn Độ tiêm chủng đầy đủ. Công tác chuẩn bị giường phụ, oxy, thuốc men cho tình huống tái bùng phát dịch đang được triển khai.

Trước mối đe dọa biến thể Omicron đem lại, bang Kerala khuyến cáo người không tiêm liều vắc xin thứ 2 thì không được hưởng điều trị y tế miễn phí nếu mắc COVID-19. Bang Maharashtra áp đặt quy định cách ly bắt buộc 7 ngày với hành khách đến từ nơi mà chính phủ Ấn Độ xác định thuộc nhóm nước/vùng lãnh thổ có nguy cơ. Hành khách quốc tế chỉ được phép đi chuyến bay nối chuyến nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính tại sân bay.

Tuần trước, Ấn Độ đã thông báo nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế bình thường từ ngày 15.12. Nhưng tình hình mới buộc họ phải tái cân nhắc.

Hàn Quốc

Hàn Quốc đã ghi nhận ca nhiễm biến Omicron. Tổng thống Moon Jae-in lập tức lập lực lượng liên bộ chuyên trách siết chặt kiểm soát nhập cảnh và triển khai biện pháp phòng ngừa.

Tình hình tại Hàn Quốc xấu đi từ ngày 1.12 với số ca nhiễm mới trong ngày lần đầu vượt mốc 5.000, biến thể Delta đẩy số ca nhập viện và ca tử vong lên mức kỷ lục.

Hàn Quốc bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội từ đầu tháng 11.

md_skhealthvirus_031221.jpg
Số ca nhiễm tại Hàn Quốc thời gian qua tăng vọt - Ảnh: Straits Times

Nhật Bản

Bất chấp chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida hành động rất nhanh chóng bằng quy định cấm nhập cảnh người đến từ Angola, Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zambia, Zimbabwe, Nhật Bản đã có ca nhiễm biến thể Omicron. Công dân Nhật Bản lẫn người nước ngoài có tư cách thường trú nhân tới Nhật phải cách ly 10 ngày ở cơ sở chỉ định (quy định mới áp dụng đầu tháng 11 cho cách ly tại nhà trong 3 ngày).

Giới chức Nhật yêu cầu các hãng hàng không nhận đặt chỗ chuyến bay trong vòng 1 tháng, kể từ ngày 1.12.

Úc

Biến thể Omicron khiến Úc lùi thời điểm tái mở cửa biên giới đón sinh viên nước ngoài và lao động tay nghề cao xuống 2 tuần. Người về từ các quốc gia phía nam châu Phi phải cách ly bắt buộc 14 ngày, người từ nước/vùng lãnh thổ khác đến Sydney hay Melbourne đều cách ly 72 giờ. Các bang khác chưa đón khách quốc tế.

New Zealand

Thủ tướng Jacinda Ardern đầu tuần qua tuyên bố New Zealand vẫn chuyển sang sống chung với COVID-19 bất chấp biến thể Omicron, nhưng nước này vẫn cẩn trọng khi dự định tiếp tục đóng cửa biên giới thêm 5 tháng nữa. Họ còn đặt quy định mới: chỉ công dân New Zealand trở về từ 9 quốc gia phía nam châu Phi mới được nhập cảnh, về nước phải cách ly 14 ngày.

New Zealand tuần trước cũng áp dụng hệ thống xếp hạng khu vực theo màu đỏ, cam, xanh lá dựa trên nguy cơ mắc COVID-19 và tỷ lệ tiêm chủng. Auckland - tâm dịch của đợt bùng phát biến thể Delta - là vùng đỏ, người dân trên địa bàn phải đeo khẩu trang, tránh tập trung đông đúc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nước châu Á tăng cường ngăn chặn biến thể Omicron