Trung Quốc đã yêu cầu Indonesia ngừng khoan khai thác dầu và khí đốt tự nhiên trên khu vực ở Biển Đông mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc yêu cầu Indonesia ngừng khai thác dầu khí trên Biển Đông

Anh Tú | 01/12/2021, 15:14

Trung Quốc đã yêu cầu Indonesia ngừng khoan khai thác dầu và khí đốt tự nhiên trên khu vực ở Biển Đông mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.

Nhu cầu năng lượng cao chưa từng có đã làm gia tăng căng thẳng về tài nguyên thiên nhiên giữa hai nước trong một khu vực đầy biến động có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế toàn cầu.

Theo Muhammad Farhan, một thành viên trong ủy ban an ninh quốc gia của quốc hội Indonesia, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã gửi cho Bộ Ngoại giao Indonesia một lá thư có nội dung rõ ràng rằng “hãy dừng hoạt động tại một giàn khoan ngoài khơi vì nó đang diễn ra trên lãnh hải Trung Quốc”.

Farhan nói với Reuters: "Câu trả lời của chúng tôi rất kiên định, rằng chúng tôi sẽ không dừng hoạt động khoan vì đó là chủ quyền của chúng tôi".

Khi được chất vấn vụ này, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết: "Mọi thông tin liên lạc ngoại giao giữa các quốc gia về bản chất là bảo mật và nội dung của nó không thể được chia sẻ".

Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Indonesia và Đại sứ quán của Trung Quốc tại thủ đô Jakarta cũng giữ thái độ im lặng.

Ba người có trách nhiệm khác đã xác nhận sự tồn tại của bức thư. Hai trong số những người này cho biết Trung Quốc đã lặp đi lặp lại yêu cầu Indonesia ngừng khoan.

trung-quoc.jpg
Thứ trưởng Hàng hải Indonesia Arif Havas Oegroseno  chỉ tay về vị trí biển Natuna

Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á cho biết cực nam của Biển Đông là vùng đặc quyền kinh tế của họ theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và đặt tên khu vực này là biển Bắc Natuna vào năm 2017.

Trung Quốc phản đối việc đổi tên và khẳng định tuyến đường thủy này nằm trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đơn phương của họ ở Biển Đông mà họ tự ý đánh dấu bằng "đường chín đoạn", một ranh giới không có cơ sở pháp lý sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Hay vào năm 2016.

Farhan nói với Reuters: "Bức thư có một chút đe dọa vì đây là nỗ lực đầu tiên của các nhà ngoại giao Trung Quốc nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự về đường chín đoạn của họ chống lại các quyền của chúng tôi dựa trên Luật Biển".

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn đầu tư lớn thứ hai của Indonesia, trở thành một phần quan trọng trong tham vọng trở thành nền kinh tế hàng đầu của Indonesia. Theo Farhan, các nhà lãnh đạo Indonesia thường giữ im lặng về vấn đề này để tránh xung đột hoặc một cuộc khẩu chiến ngoại giao với Trung Quốc.

Farhan nói rằng Trung Quốc, trong một bức thư riêng, cũng phản đối các cuộc tập trận quân sự Lá chắn Garuda chủ yếu trên đất liền vào tháng 8, diễn ra trong thời điểm vụ giàn khoan rơi vào bế tắc.

Theo Farhan, các cuộc tập trận, với sự tham gia của 4.500 binh sĩ từ Mỹ và Indonesia, là một sự kiện thường xuyên kể từ năm 2009. Nhưng đây là lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng phản đối cuộc tập trận. Ông nói: “Trong thư, chính phủ Trung Quốc bày tỏ quan ngại về sự ổn định an ninh trong khu vực.

Tàu cảnh sát 2 nước vờn nhau

Trong vòng vài ngày sau khi giàn khoan bán chìm Noble Clyde Boudreaux đến Lô Tuna ở biển Natuna để khoan thăm dò hai giếng vào ngày 30.6, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã có mặt tại hiện trường và sau đó tàu cảnh sát của Indonesia cũng xuất hiện.

Trong 4 tháng tiếp theo, các tàu của Trung Quốc và Indonesia vờn nhau xung quanh mỏ dầu khí. Theo phân tích dữ liệu nhận dạng tàu và hình ảnh vệ tinh của Tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), tàu 2 nước thường xuyên có mặt tại điểm nóng và chỉ cách nhau trong vòng 1 hải lý,

Dữ liệu và hình ảnh được AMTI và Tổ chức Sáng kiến ​​Công lý Đại dương Indonesia (IOJI), một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Jakarta, xem xét cho thấy một tàu nghiên cứu của Trung Quốc, Haiyang Dizhi 10 (Hải dương Địa chất), đã đến khu vực này vào cuối tháng 8, dành phần lớn thời gian trong 7 tuần để di chuyển chậm theo hình zig-zag tại Lô D-Alpha liền đó. Lô D-Alpha là khu dự trữ dầu và khí đốt cũng nằm trong vùng biển tranh chấp và theo các nghiên cứu của chính phủ Indonesia, trữ lượng tài nguyên của nó trị giá 500 tỉ USD.

Jeremia Humolong, một nhà nghiên cứu tại IOJI, cho biết: “Dựa trên mô hình chuyển động, tính chất và chủ sở hữu con tàu, nó giống như đang tiến hành một cuộc khảo sát khoa học về khu vực D-Alpha”.

Vào ngày 25.9, tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đã đến cách giàn khoan ở lô Tuna trong vòng 7 hải lý. AMTI cho biết trong một báo cáo được công bố vào tháng 11 rằng: “Đây là trường hợp đầu tiên được quan sát thấy một tàu sân bay của Mỹ hoạt động gần khu vực đang xảy ra căng thẳng” ở Biển Đông.

Theo IOJI và các ngư dân địa phương, 4 tàu chiến Trung Quốc cũng đã được triển khai tới khu vực này.

Người phát ngôn của Nhóm tác chiến tàu sân bay 5 / Lực lượng đặc nhiệm 70 của Hải quân Mỹ từ chối tiết lộ khoảng cách của tàu sân bay với giàn khoan.

'Không bao giờ đầu hàng'

Trung Quốc đang đàm phán với 10 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, để xây dựng bộ quy tắc ứng xử đối trên Biển Đông. Các cuộc đàm phán, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã khởi động lại trong năm nay sau khi bị trì hoãn do đại dịch.

Lập trường ngày càng độc đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông đã làm dấy lên lo ngại ở Jakarta. Dù Indonesia chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào đối với các khu vực thuộc Biển Đông theo quy tắc của Liên hợp quốc, nhưng Jakarta tin rằng vùng biển của họ đã được luật pháp quốc tế quy định rõ ràng.

Tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Trung Quốc-ASEAN vào tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cố gắng giảm bớt căng thẳng giữa nước này và các quốc gia Đông Nam Á khi phát biểu rằng Trung Quốc "tuyệt đối sẽ không tìm kiếm bá quyền hoặc thậm chí là bắt nạt các nước nhỏ" trong khu vực.

Farhan nói với Reuters, Chính phủ Indonesia đã công khai giảm bớt căng thẳng về bế tắc. Các nhà lãnh đạo Jakarta muốn "im lặng hết mức có thể vì nếu nó bị rò rỉ cho bất kỳ phương tiện truyền thông nào, nó sẽ tạo ra một sự cố ngoại giao.

Giàn khoan đã hoạt động cho đến ngày 19.11, sau đó nó đi đến vùng biển của Malaysia. Bộ trưởng An ninh Indonesia Mahfud M.D. đã đến biển Natuna vào tuần trước. Ông nói rằng chuyến thăm của ông không liên quan gì đến Trung Quốc, nhưng lại có một tuyên bố công khai đầy ngụ ý rằng Indonesia sẽ "không bao giờ đầu hàng”, dù chỉ một inch trong vấn đề lãnh thổ.

Theo phát ngôn viên của Harbour Energy, nhà điều hành Lô Tunaviệc khoan đã hoàn thành đúng thời hạn. Harbour Energy dự kiến ​​sẽ đưa ra bản cập nhật về kết quả khoan vào ngày 9.12.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc yêu cầu Indonesia ngừng khai thác dầu khí trên Biển Đông