Một số quốc gia và vùng lãnh thổ từng rất thành công trong việc khống chế đại dịch COVID-19 theo chiến lược “Zero COVID” nay đang thận trọng hạ thấp các hàng rào bảo vệ, trong khi giảm thiểu nguy cơ bệnh dịch trở thành một bệnh đặc hữu (endemic) mà thôi, theo Tạp chí Science…

Các nước theo chiến lược “Zero COVID” và bài toán mở cửa lại

Quỳnh Yên | 19/09/2021, 12:09

Một số quốc gia và vùng lãnh thổ từng rất thành công trong việc khống chế đại dịch COVID-19 theo chiến lược “Zero COVID” nay đang thận trọng hạ thấp các hàng rào bảo vệ, trong khi giảm thiểu nguy cơ bệnh dịch trở thành một bệnh đặc hữu (endemic) mà thôi, theo Tạp chí Science…

Trung Quốc, Úc, New Zealand, Singapore và Đài Loan năm ngoái đều đóng cửa biên giới và buộc một số ít người được phép nhập cảnh phải cách ly nghiêm ngặt tại khách sạn. Ở bên trong, họ nhanh chóng dập tắt các ổ dịch bằng cách áp đặt lệnh phong tỏa và những hạn chế khác. Kết quả là, trong phần lớn thời gian, cư dân chỉ có thể sống cuộc sống gần bình thường mà thôi.

Những nước theo chiến lược “zero COVID” (nói cách khác là “loại bỏ” (elimination) con virus) nói chung đạt kết quả tốt hơn các quốc gia chọn chiến lược “giảm nhẹ” (mitigation) - Miquel Oliu Barton thuộc Đại học Paris Dauphine viết trong một bài báo khoa học đăng trên The Lancet hồi tháng 6. Các nước theo chiến lược loại bỏ có tỉ lệ tử vong trên đầu người thấp hơn, chịu phong tỏa với thời gian ngắn hơn và ít nghiêm ngặt hơn, và phục hồi kinh tế nhanh hơn các nước theo chiến lược giảm nhẹ, kể cả Mỹ và châu Âu, vốn dùng vắc xin và những biện pháp khác để làm giảm nhẹ các làn sóng lây nhiễm khổng lồ.

Nhưng sự lan rộng của biến chủng Delta với khả năng lây lan cao, gánh nặng kinh tế của việc đóng cửa biên giới, sự mệt mỏi do phong tỏa, và việc gia tăng có được vắc xin tiêm chủng đang làm thay đổi phương trình. “Về lâu dài, chiến lược “zero COVID” thực sự không bền vững xét về mặt kinh tế”, Ben Cowling, nhà dịch tễ học thuộc Đại học Hong Kong, nói. Nhà dịch tễ học Keiji Fukuda cũng thuộc ĐH Hong Kong nói: “Các nước cần thử nghiệm những cách tiếp cận khác nhau để tìm ra sự cân bằng đúng giữa ngăn ngừa và kiểm soát lây nhiễm với bình thường hóa các hoạt động xã hội”.

Úc và New Zealand, từng có lúc theo đuổi chiến lược giống nhau, nay đang khác biệt hẳn khi mỗi nước đi tìm điểm cân bằng ấy.

Úc đang nằm giữa một đợt bùng phát dịch nghiêm trọng do biến chủng Delta với gần 2.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, vốn khởi đầu chỉ bởi một ca nhiễm riêng lẻ ở Sydney thuộc bang New South Wales, vào giữa tháng 6. Giải pháp bây giờ không còn là loại bỏ con vi rút trên cả nước, theo Ivo Mueller, nhà dịch tễ học tại Viện nghiên cứu y khoa Walter và Elisa Hall ở Parkville, Úc. “Biến chủng Delta đã nhiễm đủ sâu ở New South Wales và Victoria đến mức không thể đẩy lùi thành zero được”, ông nói. Trong khi đó, phong tỏa và những hạn chế khác ảnh hưởng tới gần một nửa trong dân số 25 triệu người của cả nước đã dẫn tới những cuộc biểu tình lớn, đôi khi bạo lực.

242323687_311205407441522_4265315926275381953_n.jpg
Một người biểu tình trên đường phố Melbourne hồi tháng 7, không đeo khẩu trang, đang hô khẩu hiệu nhằm chống đóng cửa, hạn chế đi lại trong thành phố vì dịch bệnh - Ảnh: AFP

Ngày 6.8 chính phủ Úc thông qua chiến lược chuyển tiếp COVID-19 trên toàn quốc, từ bỏ chiến lược “zero COVID”, dựa trên một nghiên cứu mô hình hóa của Viện Truyền nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty, thuộc Đại học Melbourne. Nghiên cứu cho thấy các hạn chế có thể từng bước được nới lỏng mà không gây quá tải cho hệ thống y tế một khi 70% dân số đã được chích ngừa đầy đủ (Tỉ lệ hiện tại là 60%). Khi đạt được cái mốc 80% thì tự do sẽ nhiều hơn.

Tám bang và lãnh thổ của Úc sẽ kiểm soát việc thực thi kế hoạch mới này. Vào ngày 9.9 vừa qua, bang New South Wales, vốn rất muốn mở cửa lại, đã ban hành một “lộ trình đến tự do” với một số chi tiết cụ thể. Khi bang đạt đến tỉ lệ tiêm chủng 70%, lệnh ở yên trong nhà sẽ được dỡ bỏ với những người đã chích đủ 2 mũi nhưng yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng trong nhà và hạn chế tụ tập đông người vẫn tiếp tục duy trì trước mắt. Trong khi đó, một số bang khác thì vẫn giữ nguyên những biện pháp loại bỏ (COVID) như ngăn du khách ở nơi khác đến. Đó là thí dụ về cách tiếp cận của Úc mà nhà dịch tễ học Emma Miller ở Đại học Flinders gọi là cách tiếp cận “gây gổ”.

Một vấn đề sâu hơn mà Miller đặt ra: người Úc sẽ phải chấp nhận một sự gia tăng các ca bệnh nặng và ca tử vong. “Ở đây, đòi hỏi thực sự cộng đồng sẽ phải chấp nhận đồng thuận với nhau về những con số nào đó”, Miller nói.

New Zealand ngược lại vẫn bám vào chiến lược loại bỏ virus, chiến lược mà họ thực hiện thành công hơn Úc. Nước này đã có cách tiếp cận “nhanh chóng, kiên quyết” trong việc “áp dụng các biện pháp phong tỏa tối đa ngay khi phát hiện các ca nhiễm COVID-19 không giải thích được”, Michael Baker, nhà khoa học về y tế công tại Đại học Otago, Wellington nói.

New Zealand dường như đã có thể khống chế được vụ bùng phát dịch COVID-19 mới nhất bắt đầu từ ngày 17.8 và đưa đến phong tỏa toàn quốc. Số ca nhiễm mỗi ngày lên tới 84 vào ngày 28.8 và lần nữa vào ngày 2.9 nhưng kể từ đó có xu hướng đi xuống. Nick Wilson, nhà khoa học về y tế công tại Đại học Otago tiên đoán: “Trong vài tuần tới đất nước này sẽ lấy lại quy chế một nước loại bỏ được COVID-19”. Dù phong tỏa gây đau đớn nhưng người dân vẫn ủng hộ chiến lược zero COVID, ông nói.

Tháng trước, một ban cố vấn chính phủ New Zealand đã nói tiếp tục hướng đi hiện tại là chọn lựa tốt nhất ở giai đoạn này của đại dịch. Tuy vậy, tăng độ phủ văc xin và cải tiến việc truy vết sẽ cho phép nới lỏng một số hạn chế nghiêm ngặt nhất. Hiện tại, khoảng 35% người dân trên 12 tuổi đã chích ngừa đầy đủ nhưng ông Wilson hy vọng tới cuối năm độ phủ văc xin sẽ đạt 80-90%.

Theo ban cố vấn, với mức độ phủ văc xin đó, trong năm 2022 có thể cho phép các cá nhân đã chích ngừa được nhập cảnh vào New Zealand mà không bắt buộc phải cách ly như hiện nay, nếu họ đồng ý xét nghiệm định kỳ và truy vết. Bởi vì người đã chích ngừa vẫn có thể bị nhiễm SARS-CoV-2, không thể tránh được việc những người mang virus sẽ vào New Zealand thường xuyên và gây “lây nhiễm cộng đồng”. Nhưng lúc đó các vụ bùng phát dịch có thể được xóa sổ.

Những quốc gia và vùng lãnh thổ khác theo chiến lược loại bỏ COVID đang nằm giữa 2 cực. Trung Quốc không thông báo kế hoạch thay đổi chiến lược nào và có thể sẽ tiếp tục chiến lược loại bỏ COVID. Nước này đã sử dụng cách loại bỏ nghiêm ngặt để dập vụ bùng phát biến chủng Delta vào cuối tháng 7 ở Nam Kinh sau đó lan ra một số thành phố khác. Từ đầu tháng 9 các ca nhiễm đã từ gần 150 giảm xuống bằng 0. Nhưng các ca nhiễm biến chủng Delta khác lại xuất hiện, lần này là ở Phúc Kiến với 59 ca nhiễm tại địa phương được báo cáo vào ngày 13.9.

Với Đài Loan, chiến lược zero-COVID đã bị thử thách hồi tháng 5 khi hòn đảo này chứng kiến số ca nhiễm tăng thẳng đứng với 700 ca/ngày, tuy nhiên họ đã trụ vững khi qua tuần này chỉ còn chưa đầy 10 ca/ngày. Tuy vậy một số người đang kêu gọi Đài Loan nới lỏng những hạn chế quá gắt gao với người nhập cảnh và chuẩn bị cho hòn đảo chấp nhận COVID-19 như một “bệnh đặc hữu giới hạn”, theo Lin Hsien Ho, nhà dịch tễ học tại ĐH Quốc gia Đài Loan. Ông nói: Công chúng sẽ chấp nhận số ca nhiễm mỗi ngày ở mức 2 chữ số.

Trong khi đó Singapore thận trọng nới lỏng từng bước việc kiểm soát biên giới. Bắt đầu từ 8.9 đảo quốc này cho phép du khách từ Đức và Brunei đã chích ngừa được nhập cảnh mà không phải cách ly, trên cơ sở có đi có lại, như một bước thử nghiệm. Tuy nhiên, việc mở rộng kế hoạch này có thể phải ngưng lại do nước này đang chứng kiến sự bùng phát tệ hại nhất từ hơn một năm qua, với hơn 450 ca được báo cáo vào ngày 9.9, mặc dù hơn 80% dân cư đã chích ngừa đầy đủ.

Với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên, thoát khỏi COVID-19 là quyết định cực kỳ quan trọng. Chiến lược loại bỏ COVID đã giúp giảm thiểu tác động của đại dịch đến y tế công và nền kinh tế và cho các nước này có thời gian để chờ phát triển và thử nghiệm văc xin và thuốc điều trị. Mặt khác, khi từ bỏ chiến lược zero COVID, gần như chắc chắn người ta sẽ đi trên con đường một chiều.

Ở New Zealand, Baker nói: “Một trong những cái lợi lớn nhất của chiến lược zero COVID là nó… để ngỏ các chọn lựa”.

 

Bài liên quan
Khoa học đang tìm đến kinh nghiệm dân gian trong dự báo thời tiết
Cả kiến thức phương Tây và tri thức dân gian truyền thống đều có những ưu và nhược điểm nên tốt nhất là kết hợp cả hai.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nước theo chiến lược “Zero COVID” và bài toán mở cửa lại