Ấn Độ đã thông báo con số kỷ lục 22,6 triệu lượt tiêm vắc xin COVID-19 vào hôm 17.9, gấp ba lần tổng số trung bình hàng ngày trong tháng qua, khi một số bang tổ chức các đợt tiêm chủng đặc biệt vào ngày sinh nhật của Thủ tướng Narendra Modi.
Bộ trưởng Y tế Ấn Độ - Mansukh Mandaviya gọi kỷ lục tiêm vắc xin này là món quà sinh nhật cho Thủ tướng Narendra Modi, người đã bước sang tuổi 71 và từng bị chỉ trích nặng nề vì sự gia tăng khủng khiếp số ca COVID-19 lẫn tử vong ở Ấn Độ vào tháng 4, tháng 5.
Thủ tướng Narendra Modi viết trên Twitter: "Mọi người Ấn Độ sẽ tự hào về số lượng lượt tiêm vắc xin kỷ lục hôm nay. Chúng ta hãy tiếp tục tăng cường tiêm chủng để đánh bại COVID-19".
Mức cao điểm tiêm vắc xin trước đây của Ấn Độ là 14,1 triệu liều đạt được vào ngày 31.8, với mức trung bình hàng ngày là 7 triệu liều trong 1 tháng qua.
Việc chủng ngừa COVID-19 đã tăng mạnh vài tuần qua, nhờ sự gia tăng nhanh chóng trong sản xuất vắc xin AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới.
Viện Huyết thanh Ấn Độ sẽ cung cấp 200 triệu liều vắc xin COVID-19 cho chương trình tiêm chủng của Ấn Độ trong tháng này, so với khoảng 150 triệu vào tháng trước, một nguồn tin chính phủ giấu tên cho biết.
Ngoài ra, hãng dược Bharat Biotech sẽ cung cấp 35 triệu liều Covaxin tháng này, trong khi Cadila Healthcare sẽ tham gia vào quá trình tiêm chủng tháng tới bằng cách bán 10 triệu liều vắc xin COVID-19 DNA của mình.
Nguồn tin cho biết người Ấn Độ được tiêm vắc xin vẫn là ưu tiên hàng đầu dù quốc gia Nam Á này cuối cùng sẽ trở thành nhà cung cấp chính những mũi tiêm giá cả phải chăng cho thế giới. Đã ngừng xuất khẩu vắc xin COVID-19 vào tháng 4, Ấn Độ hiện có khả năng sản xuất hơn 2 tỉ liều mỗi năm.
Đất nước 1,35 tỉ dân đã tiêm hơn 792 triệu liều vắc xin COVID-19, nhiều thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Ấn Độ đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 cho hơn 62% trong tổng số 944 triệu người trưởng thành và khoảng 21% nhận hai liều, với mục đích sử dụng ít nhất một liều cho gần như tất cả người lớn vào nửa đầu tháng tới.
Cả nước Ấn Độ đã ghi nhận hơn 33,38 triệu ca mắc COVID-19 với 444.248 trường hợp tử vong.
Mỹ mua hàng trăm triệu liều vắc xin Pfizer tặng cho thế giới
Mỹ có kế hoạch mua hàng trăm triệu liều bổ sung vắc xin COVID-19 của Pfizer 19 để tài trợ trên khắp thế giới, tờ Washington Post đưa tin hôm 17.9, trích dẫn hai người quen thuộc với thỏa thuận.
Việc mua bán sẽ được công bố vào đầu tuần tới, trùng với cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, các nguồn tin giấu tên cho biết.
Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch tiêm chủng toàn cầu như một cách để đánh bại vi rút và Mỹ đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh COVID-19 trực tuyến bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Mỹ đang thúc đẩy các nhà lãnh đạo toàn cầu xác nhận các mục tiêu chấm dứt đại dịch COVID-19, bao gồm cả đảm bảo 70% dân số thế giới được tiêm chủng vào năm 2022, theo dự thảo tài liệu của Mỹ mà Reuters nhìn thấy.
Bản phác thảo dài ba trang được gửi tới các quốc gia, tổ chức quốc tế và các nhóm khu vực tư nhân được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh COVID-19 trực tuyến do Mỹ lên kế hoạch.
Tài liệu cũng đề nghị các quốc gia có khả năng tài trợ 1 tỉ liều vắc xin bổ sung và xúc tiến việc phân phối 2 tỉ liều như đã cam kết.
Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre xác nhận mục tiêu tiêm vắc xin COVID-19 70% toàn cầu, nhưng không cho biết thêm chi tiết về hội nghị thượng đỉnh hoặc tài liệu.
New York Times, tờ báo đầu tiên đưa tin về các mục tiêu mới, cho biết lời mời tham gia hội nghị thượng đỉnh đã được gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới vào tuần trước.
Tài liệu của Mỹ kêu gọi các nước giàu hơn đảm bảo ít nhất 3 tỉ USD được cung cấp vào năm 2021 và 7 tỉ USD vào 2022 để sẵn sàng sử dụng vắc xin cũng như chống lại sự do dự tiêm vắc xin.
Các mục tiêu chính khác bao gồm đảm bảo ít nhất một trong số 1.000 người được xét nghiệm hàng tuần trước khi kết thúc năm 2021 và xây dựng năng lực tăng đột biến để đảm bảo rằng tất cả nhân viên y tế được tiếp cận với các thiết bị bảo vệ cá nhân như khẩu trang vào 2021.
Dự thảo cũng kêu gọi các nước giàu hơn cung cấp 2 tỉ USD để tăng cường cung cấp oxy lỏng số lượng lớn, tặng ít nhất 1 tỉ bộ dụng cụ xét nghiệm vào năm 2022 cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, tài trợ 3 tỉ USD cho thuốc điều trị COVID-19 trong 2022.
Dự thảo kêu gọi khu vực tư nhân tài trợ cho chiến lược toàn cầu trị giá 2 tỉ USD để tăng cường cung cấp các hệ thống oxy vào cuối năm tới và cung cấp các bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 ở các nước nghèo hơn với giá không quá 1 USD một bộ.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác đã thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới đẩy nhanh việc tiêm vắc xin COVID-19, cảnh báo rằng ít hơn 2% người trưởng thành ở hầu hết các nước thu nhập thấp đã được tiêm phòng, so với gần 50% ở các nước thu nhập cao. Họ cũng lưu ý rằng ít hơn 10% liều vắc xin cam kết đã thực sự được vận chuyển.