Châu Âu đang có những mâu thuẫn trong việc điều động quân đội đến Ukraine. Điều này xảy ra tại một cuộc họp khẩn cấp nhằm đạt được sự đồng thuận về cách ứng phó với các cuộc đàm phán hòa bình của Mỹ với Nga.
Quốc tế

Các quốc gia châu Âu bất đồng về việc gửi quân tới Ukraine

Hoàng Vũ 18/02/2025 09:25

Châu Âu đang có những mâu thuẫn trong việc điều động quân đội đến Ukraine. Điều này xảy ra tại một cuộc họp khẩn cấp nhằm đạt được sự đồng thuận về cách ứng phó với các cuộc đàm phán hòa bình của Mỹ với Nga.

Theo Financial Times, khi các nhà lãnh đạo tập trung tại Paris cho hội nghị thượng đỉnh vào hôm 17.2, Đức, Ý, Ba Lan và Tây Ban Nha đã bày tỏ sự miễn cưỡng trong việc điều động lực lượng gìn giữ hòa bình tới quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá, chỉ vài giờ sau khi Anh tuyên bố sẵn sàng “đưa quân” tới Ukraine.

Cuộc họp, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì và được tổ chức tại Paris, với sự tham dự của các lãnh đạo từ 6 quốc gia thành viên EU khác, Anh, cùng các quan chức của NATO và EU, được kỳ vọng sẽ đưa ra các kế hoạch giúp các quốc gia châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng.

lanh-dao-phap-va-duc-getty.png
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz - Ảnh: AFP

Tranh cãi việc gửi quân tới Ukraine

Giới chức châu Âu tiết lộ, trong cuộc họp, Pháp đã đề xuất thành lập một “lực lượng trấn an” sẽ được đóng quân phía sau, chứ không phải ngay trên ranh giới ngừng bắn dự kiến trong tương lai tại Ukraine.

Tuy nhiên, sau hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhận định một cách thẳng thắn rằng việc thảo luận về việc điều động quân đội là “hoàn toàn không phù hợp” trong bối cảnh cuộc chiến vẫn đang diễn ra.

“Cuộc thảo luận này hoàn toàn quá sớm và không phải lúc thích hợp để bàn về vấn đề này”, ông Scholz nói. Nhà lãnh đạo Đức cũng cho biết ông “hơi khó chịu” với cuộc tranh luận này, gọi đó là “một cuộc đối thoại khó hiểu vào thời điểm không thích hợp và về chủ đề không phù hợp”.

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni chia sẻ với các lãnh đạo khác rằng bà còn do dự về việc gửi quân đội châu Âu đến Ukraine, cho rằng đây là “phương án phức tạp nhất và ít hiệu quả nhất” trong số các lựa chọn được đưa ra, theo thông tin từ những người được thông báo về phát biểu của bà.

Trong khi đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết bà “sẵn sàng thảo luận” về nhiều vấn đề khác nhau, chẳng hạn như việc điều động quân đội. “Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng có rất nhiều vấn đề cần được làm rõ trước khi chúng ta đạt đến tình trạng này, vì chúng ta đang nói về sự an toàn của chính các binh sĩ của mình”, bà nói thêm.

Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Jose Manuel Albares bày tỏ hoài nghi về việc cam kết gửi quân đến Ukraine trước hội nghị thượng đỉnh ở Paris. Ông nói: “Hiện tại, không ai đang cân nhắc việc gửi quân tới Ukraine. Hòa bình vẫn còn xa vời”.

Ngược lại, Thủ tướng Anh Sir Keir Starmer nhấn mạnh ông “sẵn sàng cân nhắc” việc triển khai lực lượng Anh trên mặt đất cùng với các lực lượng khác nếu có một thỏa thuận hòa bình bền vững. Khi được hỏi về hình dạng của một lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu, ông Starmer cho rằng các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn vẫn đang ở “giai đoạn rất sớm”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Phải có sự bảo chứng từ Mỹ. Cam kết an ninh từ Mỹ là cách duy nhất hiệu quả để ngăn Nga tấn công Ukraine lần nữa”.

Một quan chức của Anh đã gạt bỏ sự miễn cưỡng của một số quốc gia châu Âu về việc gửi quân để duy trì lệnh ngừng bắn tại Ukraine, khẳng định: “Chúng ta không cần tất cả mọi người nói "có", chỉ cần đủ số người đồng thuận là được”.

Mặc dù Ba Lan đã tăng chi tiêu quốc phòng kể từ khi cuộc chiến Ukraine bùng phát và có quan điểm cứng rắn về việc bảo vệ châu Âu khỏi Nga, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết Warsaw chưa sẵn sàng gửi quân.

“Nhưng chúng tôi sẽ ủng hộ… về mặt hậu cần và hỗ trợ chính trị, đối với những quốc gia có thể muốn cung cấp những đảm bảo như vậy trong tương lai”, ông nói thêm. Ông cũng cho rằng các quốc gia châu Âu đã nhận ra rằng cần tăng cường lực lượng quân sự của mình, khẳng định “đã có sự đồng thuận và nhất trí rằng việc tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng là hoàn toàn cần thiết”.

Giảm phụ thuộc vào Mỹ

Các lãnh đạo tại cuộc họp ở Paris cũng đã thảo luận về cách tài trợ cho việc nâng cao năng lực quốc phòng của châu Âu, có thể thông qua việc vay chung hoặc các phương pháp “tài trợ sáng tạo” khác mà Pháp đề xuất.

Tổng thống Macron đã kêu gọi EU thực hiện việc vay chung để giảm sự phụ thuộc vào quân đội và vũ khí của Mỹ, mặc dù đề xuất này đã gặp phản đối từ Đức và Hà Lan. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết vào tuần trước rằng bà sẽ đề xuất cho các nước EU cho phép tạm thời nới lỏng các quy định về thâm hụt nhằm tăng chi tiêu quốc phòng.

Thủ tướng Scholz ủng hộ ý tưởng về “điều khoản thoát” trong các quy định thâm hụt của EU, nhưng không đồng ý với việc vay chung. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Sir Keir Starmer cam kết xây dựng một “lộ trình” để mức chi tiêu quốc phòng của Anh đạt 2,5% GDP, khẳng định “châu Âu sẽ phải nâng cao cả về chi tiêu và các cam kết mà chúng ta đưa ra”.

Các đồng minh châu Âu của Washington đang nhanh chóng tìm cách đáp ứng sau thông báo gây bất ngờ của Tổng thống Donald Trump về các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, dự kiến sẽ bắt đầu tại Ả Rập Saudi vào hôm 18.2. Ông chủ Nhà Trắng trước đó cũng yêu cầu các quốc gia châu Âu tăng cường chi tiêu quốc phòng.

Một số lãnh đạo châu Âu lo ngại rằng chính quyền Trump có thể sớm “rửa tay gác kiếm” khỏi Ukraine, buộc lục địa già tự mình đảm bảo an ninh cho quốc gia này sau khi đạt được lệnh ngừng bắn - đồng nghĩa với việc phải cam kết nguồn lực tài chính và quân sự vượt xa mức hiện tại. Đồng thời, sau cuộc họp, các lãnh đạo từ Anh, Đức, Ý và Ba Lan đều nhấn mạnh rằng Mỹ cần tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong việc bảo vệ an ninh cho Ukraine.

Trong khi đó, Điện Kremlin ca ngợi các cuộc thảo luận với Mỹ tại Riyadh là một bước tiến nhằm khôi phục mối quan hệ song phương đầy đủ với Washington và hướng tới chấm dứt cuộc chiến. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hôm 17.2 rằng Kyiv sẽ không công nhận kết quả của bất kỳ cuộc đàm phán nào mà Ukraine bị loại trừ.

Keith Kellogg, đặc phái viên của Mỹ về Ukraine, sau đó nói rằng “không ai” có thể áp đặt quyết định đối với Tổng thống Zelensky với tư cách là “nhà lãnh đạo được bầu của một quốc gia có chủ quyền”.

Bài liên quan
Châu Âu muốn Mỹ hậu thuẫn việc triển khai một lữ đoàn tại Ukraine
Viễn cảnh đưa quân vào Ukraine đang dần thu hút sự chú ý khi các nhà lãnh đạo châu Âu tìm kiếm vai trò trong các cuộc đàm phán giữa Washington và Moscow, những cuộc đối thoại có thể định hình lại an ninh của cả lục địa.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự
1 giờ trước Sự kiện
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 18.2, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và họp riêng về công tác nhân sự.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các quốc gia châu Âu bất đồng về việc gửi quân tới Ukraine