Hơn một nửa trong số 20 cơ sở người bán hàng hàng đầu của Amazon nằm ở Trung Quốc.
Thế giới số

Các thành phố ở Trung Quốc thống trị mạng lưới người bán trên Amazon, vượt xa các trung tâm của Mỹ

Sơn Vân 30/10/2024 23:20

Hơn một nửa trong số 20 cơ sở người bán hàng hàng đầu của Amazon nằm ở Trung Quốc.

Theo nghiên cứu mới, Trung Quốc là nơi đặt trụ sở 4 cơ sở thương mại lớn nhất của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon (Mỹ), cho thấy vai trò quan trọng mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tiếp tục đóng trong chuỗi cung ứng toàn cầu bất chấp căng thẳng địa chính trị.

Thâm Quyến, trung tâm công nghệ và nhà máy ở tỉnh Quảng Đông (miền nam Trung Quốc), dẫn đầu với 102.588 người bán đã đăng ký trên Amazon, cùng nhau tạo ra doanh thu 35,3 tỉ USD hàng năm, theo nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử Smartscout (Mỹ).

Đứng thứ hai là Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông). Tiếp theo là Phủ Điền (trung tâm sản xuất giày dép ở tỉnh Phúc Kiến) và Đông Quan (thành phố khác tại Quảng Đông).

"Sự nổi bật của Thâm Quyến phần lớn là do vị thế là trung tâm sản xuất, cho phép người bán tiếp cận trực tiếp với chuỗi sản xuất và cung ứng", Smartscout cho biết trong báo cáo của mình.

Cộng đồng người bán hàng trên Amazon của Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây, khi sự bùng nổ thương mại điện tử xuyên biên giới đã thúc đẩy các nhà cung cấp và thương nhân ở quốc gia này khám phá các cơ hội tại nước ngoài.

Theo Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện, giá trị xuất nhập khẩu ngành thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đạt 2.380 tỉ nhân dân tệ (333 tỉ USD) vào năm 2023, tăng 15,6% so với 2022.

Sự trỗi dậy của các nền tảng mua sắm như Shein và Temu, đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, cũng làm nóng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này, thúc đẩy Amazon tăng cường kết nối với những người bán hàng ở Trung Quốc.

“Trong khi Amazon chủ yếu phụ thuộc vào những người bán hàng ở Mỹ tại các trung tâm chính là New York, Los Angeles và Houston những ngày đầu, bối cảnh thương mại điện tử, đặc biệt là với những người bán hàng trên Amazon, đã có sự thay đổi lớn những năm gần đây, với các thành phố của Trung Quốc đang thống trị thị trường", Smartscout cho hay.

cac-thanh-pho-o-trung-quoc-thong-tri-mang-luoi-nguoi-ban-tren-amazon-vuot-xa-cac-trung-tam-cua-my.jpg
Gian hàng của Amazon tại một hội chợ nhập khẩu ở Thượng Hải - Ảnh: EPA-EFE

Trong số 20 cơ sở thương mại hàng đầu của Amazon, có 13 cơ sở ở Trung Quốc, gồm cả Hạ Môn, Trịnh Châu, Thành Đô, Tuyền Châu, Kim Hoa, Thái Nguyên, Hợp Phì, Phật Sơn và Vũ Hán.

Brooklyn, Miami và Los Angeles là ba thành phố duy nhất của Mỹ lọt vào top 10. Brooklyn (xếp thứ 5) là nơi có 11.815 người bán hàng trên Amazon, hay bằng khoảng 11% thương gia của Amazon tại Thâm Quyến.

Song trong khi mỗi người bán hàng Trung Quốc trung bình sở hữu khoảng 1,2 thương hiệu, mỗi người bán hàng ở Brooklyn quản lý khoảng 5,9 thương hiệu, theo dữ liệu của Smartscout.

Smartscout cho biết những người bán hàng ở Mỹ "phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc cạnh tranh với khối lượng lớn và chi phí sản xuất thấp mà những người bán hàng Trung Quốc được hưởng lợi".

Để chống lại sự cạnh tranh từ các chợ giá rẻ như Temu và Shein, nơi vận chuyển những mặt hàng giá rẻ đến người mua sắm toàn cầu trực tiếp từ Trung Quốc, Amazon đã lên kế hoạch tạo một mục trên trang web của mình để giới thiệu các mặt hàng không có thương hiệu được sản xuất tại Trung Quốc.

Sáng kiến ​​đó đã nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng “Sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon”, vì nhiều nhà cung cấp ở Trung Quốc đang phải vật lộn để duy trì hoạt động kinh doanh với mức lợi nhuận thấp trên các nền tảng mua sắm giảm giá.

Amazon - TikTok hợp tác trong mảng mua sắm trực tuyến, làm nóng cuộc chiến với Shein và Temu

Hồi tháng 8, TikTok ký kết một thỏa thuận với Amazon cho phép người dùng có thể trực tiếp mua hàng từ gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ thông qua ứng dụng video ngắn phổ biến thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc).

"Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với Amazon để mang đến trải nghiệm mua sắm liền mạch và thú vị", TikTok viết trong một bài đăng, không cung cấp thông tin chi tiết về số lượng thị trường quốc tế mà sự hợp tác này bao phủ.

Theo bài đăng, người dùng TikTok sẽ thấy các đề xuất sản phẩm của Amazon trên nguồn cấp dữ liệu Dành cho bạn (For You) của ứng dụng. Tại Mỹ, người dùng TikTok cũng sẽ thấy giá theo thời gian thực, ước tính thời gian giao hàng, thông tin chi tiết về sản phẩm và điều kiện đủ để sử dụng dịch vụ đăng ký trả phí Prime của Amazon.

Để hoàn tất thanh toán một giao dịch mua mà không cần thoát khỏi ứng dụng TikTok, người dùng cần liên kết hồ sơ của họ với tài khoản Amazon.

Sự hợp tác giữa TikTok và Amazon phản ánh sự cạnh tranh gay gắt của hai nền tảng này, đặc biệt là ở Mỹ, với nhà bán lẻ thời trang nhanh trực tuyến Shein và nền tảng mua sắm giảm giá Temu, do chủ sở hữu Pinduoduo là công ty PDD Holdings điều hành.

Tuy nhiên, thông báo về thỏa thuận của Amazon không nêu chi tiết về cách nó sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp thương mại điện tử TikTok Shop, nơi có hơn 500.000 thương nhân bán hàng cho người dùng Mỹ vào cuối năm 2023.

Tính đến tháng 12.2023, TikTok đã có hơn 15 triệu người bán trên thị trường trực tuyến của mình toàn thế giới. Công ty Trung Quốc cho biết thông tin này trong Báo cáo An toàn Cửa hàng TikTok đầu tiên được công bố vào tháng 5.

Chỉ riêng tại Mỹ, TikTok vào tháng 1 đã dự báo hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình sẽ tăng gấp 10 lần lên tới 17,5 tỉ USD trong năm 2024.

Amazon cũng đã ký kết một quan hệ đối tác tương tự với Pinterest trong tuần này, mở rộng mối quan hệ hiện có được thiết lập cuối năm 2023. Hợp tác với Pinterest và TikTok, nơi có 170 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại Mỹ, sẽ cho phép Amazon thúc đẩy doanh thu của mình thông qua "mua sắm xã hội", công ty cho biết.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa TikTok, Amazon với Shein và Temu vẫn tiếp tục nóng lên.

Theo báo cáo của hãng truyền thông 36Kr (Trung Quốc), tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Temu đã tăng vọt lên khoảng 20 tỉ USD trong nửa đầu năm 2024, vượt qua tổng doanh số là 18 tỉ USD vào năm 2023. Temu dự kiến ​​sẽ đạt mốc GMV 30 tỉ USD vào năm 2024, theo báo cáo hồi tháng 12.2023 của hãng truyền thông LatePost (Trung Quốc).

Tổng giá trị hàng hóa (Gross Merchandise Value - GMV) là tổng giá trị giao dịch của hàng hóa hoặc dịch vụ được bán thông qua một nền tảng cụ thể trong khoảng thời gian nhất định. Chỉ số này thường được sử dụng trong ngành thương mại điện tử để đo lường hiệu quả kinh doanh.

Trong khi đó, Shein đã dự báo GMV năm 2025 của mình sẽ đạt 58,5 tỉ USD, tăng từ 22,7 tỉ USD vào 2022, trang The Financial Times đưa tin hồi tháng 2.

Temu đứng đầu bảng xếp hạng tải xuống ứng dụng mua sắm trên 125 thị trường vào năm 2023, gồm cả Mỹ - nơi Shein đứng thứ hai, theo báo cáo của Data.ai.

Bài liên quan
Ấn Độ cáo buộc Samsung, Xiaomi cấu kết với Amazon và Flipkart để ra mắt sản phẩm độc quyền online
Samsung Electronics, Xiaomi cùng các công ty smartphone khác cấu kết với Amazon và Flipkart thuộc Walmart để ra mắt sản phẩm độc quyền trên các trang web thương mại điện tử của họ tại Ấn Độ, vi phạm luật chống độc quyền, theo các báo cáo quy định mà Reuters đã thấy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam luôn coi Nga là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại
11 giờ trước Sự kiện
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện với Nga, luôn coi Nga là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các thành phố ở Trung Quốc thống trị mạng lưới người bán trên Amazon, vượt xa các trung tâm của Mỹ