Sự thiếu hụt về điện đang là khó khăn chung, có tác động rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Từ đầu tháng 5, hiện tượng El Nino xuất hiện đã khiến tình trạng nắng nóng kỷ lục xảy ra, làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt, tỉ lệ điện tiêu thụ tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi một số nguồn cung ứng điện chính cho phía Bắc huy động thấp, do hạn hán đã làm cho các hồ thuỷ điện thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Nguồn điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn còn hạn chế. Điều này buộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải triển khai một số giải pháp nhằm tiết giảm lượng tiêu thụ điện bằng việc cắt điện luân phiên.
Trong bối cảnh thiếu nguồn cung điện trầm trọng ở miền Bắc, tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ tập trung cao nhất các biện pháp không để thiếu than, cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại khi bắt buộc phải thực hiện cắt điện luân phiên.
Theo đó, tỉnh đã yêu cầu các đơn vị ngành Than đảm bảo cung cấp đủ than phục vụ hoạt động sản xuất điện; nhà máy nhiệt điện tăng cường giải pháp vận hành, hạn chế tối đa việc dừng sửa chữa bảo dưỡng, trừ trường hợp sự cố bất khả kháng; khẩn trương khắc phục sự cố, vận hành tối đa công suất cung cấp lên lưới điện quốc gia. Quảng Ninh đã tạo điều kiện tối đa để ngành Điện triển khai các công tác sản xuất, điều phối và vận hành lưới điện...
EVN đề nghị tỉnh Quảng Ninh thành lập Ban chỉ đạo cung ứng điện tỉnh, làm việc với các nhà máy, đơn vị sản xuất để phân bổ công suất, tiết giảm điện năng tiêu thụ. Sẽ ưu tiên cung cấp điện cho các khu du lịch, cho hoạt động sinh hoạt của người dân.
Để đảm bảo nguồn cung điện phục vụ người dân và hoạt động sản xuất song hành với tiết giảm điện, Thường trực Tỉnh ủy đề nghị người dân, doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện hiệu quả các biện pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng.
Về nguyên tắc thực hiện, phải đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, với mục tiêu quan trọng nhất là tìm ra các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại khi bắt buộc phải cắt điện luân phiên. Tiết giảm điện nhưng vẫn giữ được ổn định đời sống người dân, ổn định sản xuất và các mục tiêu tăng trưởng.
Về các giải pháp cụ thể, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu thực hiện rà soát, đặt ra các tiêu chí rõ ràng, lựa chọn các ngành, lĩnh vực, khu vực có vai trò, tác động, đóng góp ổn định nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội để có ưu tiên phù hợp.
Thực hiện rà soát, khảo sát kỹ các chỉ số sử dụng, tiêu thụ điện theo công suất thực tế thời gian qua. Từ đó đặt ra chỉ tiêu tiết kiệm điện phù hợp trong những ngày tới theo tinh thần tiết giảm. Trong đó, phải đảm bảo cấp điện ổn định cho các đơn vị sản xuất than để duy trì sản xuất, đáp ứng nhu cầu cấp than cho các nhà máy nhiệt điện. Ưu tiên cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo tạo ra giá trị gia tăng lớn; lĩnh vực dịch vụ, du lịch trong những thời gian trọng điểm, khu vực trọng điểm theo các tiêu chí cụ thể.
Đồng thời, đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho các mục tiêu văn hóa - xã hội, giáo dục quan trọng. Thành lập Ban chỉ đạo cung ứng điện tỉnh Quảng Ninh do trực tiếp một Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban để chỉ đạo, thống nhất và đồng bộ công tác tiết giảm nhu cầu sử dụng điện một cách phù hợp, an toàn theo đặc điểm, tình hình thực tế của Quảng Ninh.
Mục tiêu của Ban chỉ đạo là phải tìm ra các giải pháp tối ưu trong từng tình huống cụ thể để quản trị tình hình, giảm thiểu rủi ro tác động đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự do tình trạng thiếu điện hoặc phải cắt điện, tiết giảm điện gây ra.
Trong hội nghị trực tuyến chiều 5.6, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho hay thời gian gần đây nắng nóng bất thường, nguồn cung điện trong cả nước đều thiếu và thiếu nhiều nhất ở miền Bắc. Thời gian qua ít mưa, mực nước các hồ rất thấp, thậm chí nhiều hồ ở dưới mực nước chết. Mực nước các hồ ở miền Bắc thấp nhất trong 100 năm qua.
Ông Dương nhấn mạnh bên cạnh nguồn cung thiếu, mức độ tăng phụ tải của người dân, doanh nghiệp trong những ngày nắng nóng rất cao, có ngày tăng lên 30 - 40%. Do vậy từ ngày 6.6, về phương án cung cấp điện, ban ngày tỉnh Bắc Giang sẽ ưu tiên điện cho sản xuất từ 7 giờ 45 phút đến 17 giờ, ban đêm ưu tiên điện cho dân sinh, sinh hoạt.
Các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp có đơn hàng gấp thì đăng ký với Ban quản lý các khu công nghiệp, ngành điện và chỉ sản xuất từ 0 giờ đến 5 giờ sáng.
Doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp sử dụng chung đường điện dân sinh, điện lực sẽ khảo sát cụ thể, giải quyết cho từng doanh nghiệp theo khả năng phù hợp. Phương án cấp điện này trước mắt áp dụng trong 20 ngày, sau đó tùy tình hình sẽ tiếp tục điều chỉnh.
Trong khi đó, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, trả lời câu hỏi dư luận đang quan tâm về giải pháp nào cung ứng đủ điện, bởi trong mấy ngày nay đã diễn ra mất điện luân phiên, nhất là vào những lúc nắng nóng cao điểm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Trong thời gian tới với quy mô sản xuất điện được đảm bảo, các tổ máy không gặp sự cố và đủ nguyên liệu cho phát điện thì có thể khắc phục được tình trạng thiếu điện.
"Tại thời điểm hiện nay, một số nơi đang thiếu điện kể cả trong sản xuất và đời sống của người dân. Chúng tôi bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp và bất tiện nỗi khổ của người dân do thiếu điện sinh hoạt trong thời gian nhất định", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ.
Về tình hình cung ứng điện hiện nay, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, trong 4 tháng đầu năm tình hình cung cấp điện ổn định. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay tình trạng nắng nóng xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước và dự kiến sẽ còn xảy ra thời gian tới, tình trạng này làm tăng tiêu thụ điện sinh hoạt. Trong khi tình hình nước về các hồ thủy điện tương đối thấp gây ảnh hưởng đến sản xuất điện. Cùng đó, nguồn than nhập khẩu cần cho sản xuất điện chậm hơn gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất điện cung ứng điện cho mùa khô.