Chính phủ Nam Phi tuyên bố chấm dứt tình trạng “thảm họa quốc gia” vốn từng được ban hành cách đây hai tháng nhằm đối phó khủng hoảng thiếu điện, dù vấn nạn này chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Tình trạng “thảm họa quốc gia” được Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố trong Thông điệp Quốc gia ngày 9.2.
Động thái này cho phép chính phủ dùng công quỹ để mua thêm điện từ các nước láng giềng trên cơ sở ứng phó khẩn cấp, và chỉ miễn cúp điện đối với các dịch vụ thiết yếu như hoạt động của các bệnh viện, nhà máy cấp nước.
Tổng thống Ramaphosa còn chỉ định một bộ trưởng chịu toàn bộ trách nhiệm xử lý cuộc khủng hoảng thiếu điện.
Trong tuyên bố ngày 5.4, chính phủ Nam Phi giải thích việc từng ban hành tình trạng “thảm họa quốc gia” là một cách ứng phó cần thiết đối với mức độ điện bị cắt, vào thời điểm chính phủ ban hành tình trạng này.
Trong vài năm gần đây, công tác phát điện của Công ty điện lực nhà nước Eskom của Nam Phi quá chập chờn và không thường xuyên, khiến nền kinh tế lớn nhất châu Phi phải đối phó tình trạng cúp điện luân phiên.
Mức độ cúp điện chỉ giảm nhẹ từ tối đa 10 giờ mỗi ngày hồi tháng 2 xuống còn 6 giờ mỗi ngày.
Mới đây, các nhà phân tích cảnh báo chính Eskom đã dự báo các doanh nghiệp và 60 triệu dân Nam Phi sẽ còn phải chịu đựng tình trạng cúp điện thêm ít nhất một năm nữa.
Vấn nạn thiếu điện từ nhiều năm qua đã bị quy trách nhiệm do xảy ra tham nhũng và quản lý kém ở Eskom, nơi chật vật trong việc duy trì vận hành các nhà máy nhiệt điện than cũ kỹ.
Vì lệ thuộc vào nhiệt điện than, Nam Phi là một trong số 20 quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, chiếm 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính vốn khiến Trái Đất nóng lên, các chuyên gia cho biết.
Dù vậy, nỗ lực từ bỏ dùng than của Nam Phi bị cản trở, do nước này chịu sức ép phải sản xuất thật nhiều điện trong từng ngày.
Các nhà kinh tế học nói việc thiếu điện là lý do chính khiến kinh tế Nam Phi suy giảm 1,3% trong quý 4/2022, gây ra sự lo sợ Nam Phi đang đứng trên bờ vực phá sản.
Các nước phương Tây đã cam kết chi 8,5 tỉ USD để giúp Nam Phi ngừng vận hành các nhà máy nhiệt điện than vốn sản xuất 80% điện cho nước này.
Nam Phi hiện lên kế hoạch kéo giảm việc dựa vào than xuống còn 59% kể từ năm 2030, bằng cách đóng cửa một số trong 15 nhà máy điện than và tăng sử dụng năng lượng tái tạo. Mục tiêu là đạt phát thải ròng về 0 từ năm 2050.
Trong thời gian gần đây, Nam Phi cũng đã tuyên bố tình trạng “thảm họa quốc gia”, nhằm chống dịch COVID-19 và ngập lụt.