Công việc của các trạm y tế quá nhiều nhưng nhân lực thì ít; nhiều việc làm được phân công nhưng không có cơ sở vật chất thực hiện. Đặc biệt là đưa khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và bác sĩ gia đình về trạm y tế nhưng danh mục thuốc cho trạm y tế không đáp ứng để có thể tổ chức khám chữa bệnh hiệu quả...
Đó là những trăn trở, than phiền của các lãnh đạo trạm y tế tại cuộc họp giao ban trạm y tế phường – xã với lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM hôm 27.7.
Công việc hiện nay của các trạm y tế là khá nhiều, nào là phòng chống dịch bệnh, phòng chống lao, da liễu, cao huyết áp, phòng chống suy dinh dưỡng, HIV/ AIDS, khám bệnh bảo hiểm y tế, bác sĩ gia đình...đang khiến cho các trạm y tế thực sự rối. Trong khi đó nhân lực, cơ sở hạ tầng tại nhiều trạm y tế chưa đáp ứng hết được những công việc trên.
Theo đại diện của trạm y tế phường 12, quận Phú Nhuận cho biết cả trạm y tế chỉ có 4 nhân sự nhưng làm hàng loạt việc nên khó kham nổi việc khám chữa bệnh.
“Ở địa bàn quận Phú Nhuận phần lớn các trạm y tế chỉ có 4 nhân sự trở xuống nhưng làm khá nhiều việc, giờ phải theo dõi luôn cả người cao huyết áp. Thực tế số người cao tuổi trên địa bàn phường gần 1000 người nên để theo dõi bệnh cao huyết áp của người lớn tuổi thường xuyên thì trong 1 tháng phải mất 18 đến 20 ngày để làm việc này, còn đâu thời gian để làm những việc khác”, vị đại diện này kể khó.
Đề cập đến vấn đề khám bảo hiểm y tế và khám bác sĩ gia đình tại trạm y tế, nhiều lãnh đạo trạm y tế rất trăn trở. Lãnh đạo Trạm Y tế phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân cho biết hiện trạm y tế này chưa có thuốc để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. “Để mở tủ thuốc tại trạm y tế thì người đứng tủ thuốc đó phải tối thiểu có bằng trung cấp dược nhưng liệu rằng với tấm bằng đó có ai về trạm y tế để làm không?”, vị đại diện này đặt vấn đề. Ngoài ra vị lãnh đạo trạm y tế này còn băn khoăn, kết quả khám ở trạm y tế có được bệnh viện quận công nhận hay không.
Chia sẻ về điều này, đại diện trạm y tế phường 2, quận Phú Nhuận cho rằng, Thông tư 40 quy định danh mục thuốc ở các trạm y tế còn quá khiêm tốn, không đủ thuốc để có thể khám, điều trị cho bệnh nhân. “Các trạm y tế chỉ có 5 đến 7 danh mục thuốc làm sao có thể điều trị cho các bệnh nhân tuyến quận – huyện đưa về. Rất nhiều bệnh nhân điều trị các bệnh mạn tính ở bệnh viện quận, sau đó chuyển về trạm y tế nhưng ở đây không có loại thuốc điều trị đó, buộc bệnh nhân phải quay lại bệnh viện quận. Điều này lãng phí và mất thời gian”, vị đại diện Trạm Y tế phường 2, quận Phú Nhuân phân trần.
Khó khăn của các trạm y tế không chỉ có nhân lực, thuốc men mà còn cơ sở hạ tầng cũng không cho phép họ thực hiện việc khám chữa bệnh có hiệu quả, nhất là khám bác sĩ gia đình.
Lãnh đạo Trạm y tế phường Bình Khánh, huyện Cần Giờ đưa ra một tình huống “dởkhóc dởcười” đó là lãnh đạo cấp trên có văn bản chỉ đạo triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại trạm y tế nhưng lại không có ai hướng dẫn cụ thể và không có máy móc để khám bệnh.
“Nói thật đến giờ trạm y tế của chúng tôi chưa có nổicái máy vi tính; còn nhân viên đâu có ai biết gì về phần mềm quản lý bệnh án. Nếu muốn khám bác sĩ gia đình thì phải cung cấp máy vi tính, cử người xuống hướng chúng tôi sử dụng phần mềm quản lý bệnh án chứ. Vậy mà cấp trên cứ đưa văn bản chỉ đạo triển khai khám bác sĩ gia đình tại đây, thử hỏi chúng tôi làm sao đây”, vị lãnh đạo trạm y tế phường Bình Khánh, huyện Cần Giờ chua xót nói.
Trước tình hình trên, bàĐinh Thị Liễu- Trưởng phòng Tài chính Kế toán (Sở Y tế TP.HCM) cho biết, trong năm 2017 tới, nguồn ngân sách 31 tỷ đồng sẽ được ưu tiên cho công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và bác sĩ gia đình tại trạm y tế phường – xã. Đây sẽ là năm đầu tiên mà ngành y tếthành phốchủ trương ưu tiên ngân sách đầu tư cho công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và khám bác sĩ gia đình tại các trạm y tế phường – xã.
Hồ Quang