Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, ông Cự nói là làm đúng luật, nhưng mà đó là cá nhân ông ấy nói, còn cơ quan chức năng phải vào cuộc thẩm tra kĩ lưỡng thì mới có cơ sở xử lý kỷ luật.
Theo đại biểu Phương, việc xử lý ông Cự hay không? Xử lý thế nào và trách nhiệm đến đâu thì còn phải đợi cơ quan chức năng thẩm tra. Ông Cự nói là làm đúng luật, nhưng mà đó là cá nhân ông ấy nói, còn cơ quan chức năng phải vào cuộc thẩm tra kĩ lưỡng thì mới có cơ sở xử lý kỷ luật.
“Nếu ông Cự vượt rào, trái luật thì sai lầm đó là nghiêm trọng và cần phải xử lý. Nếu sau này thanh tra kết luận ông ấy có sai phạm thì ông ấy phải xin lỗi và chịu trách nhiệm” – ông Phương nói.
Theo ông Phương, các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ việc ký 70 năm cho Formosa rồi sự cố môi trường liên quan, không chỉ ở biển mà còn ở trên cạn với hàng trăm tấn chất thải chôn ở nhiều điểm khác nhau.
Vị đại biểu quốc hội này cũng cho rằng, ông Cự cũng có mong muốn tạo ra bước đột phá phát triển kinh tế Hà Tĩnh, tạo công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, ông ấy không lường hết được các tình huống xảy ra.
“Ranh giới giữa “anh hùng” và “tội đồ” cũng tương đối mong manh. Vì thế, muốn trở thành anh hùng thì buộc anh phải có cái đầu minh mẫn, trình độ cao và sự thận trọng cần thiết trongg khi ra quyết định. Quyết đoán mà không nóng vội. Còn nếu bất chấp pháp luật, bất chấp quy định thì rất dễ trở thành tội đồ” – ông Phương nói.
Theo ông Phương, không chỉ có lãnh đạo Hà Tĩnh, lãnh đạo nào cũng mong muốn cải thiện được môi trường đầu tư, thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Đây là nhu cầu chính đáng. Hiện nay, một số tỉnh và đặc biệt là Hà tĩnh, trong quá trình phát triển kinh tế đã không chú ý đến môi trường, không lường được hậu quả nặng nề gây ra cho đất nước.
Nói thêm về sai phạm này, ông Phương cho rằng đây là sai phạm không chỉ riêng ông Cự. Sai phạm này liên quan đến cả hệ thống chính trị. Ông Cự không phải là người quyết định và một mình ông cũng không thể quyết định cho cả tổ chức, hệ thống, các bộ ngành khác được.
Ông Phương cho rằng, dù chủ trương đầu tư là đúng nhưng quá trình giám sát không được, không đánh giá tác động môi trường khi lập dự án, không lường hết hậu quả… thì vẫn phải chịu trách nhiệm.
Lý giải về điều này, ông Phương cho rằng, việc không lường được hậu quả hay không giám sát được sai phạm có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là không đủ năng lực, thứ hai là lơ là trong giám sát. Do đó, để xảy ra sai phạm đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó.
Tại cuộc họp báo thường kỳ sáng 22.7, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh nhấn mạnh, kết luận của Thanh tra Chính phủ thời điểm đó đã khẳng định Hà Tĩnh làm chưa đúng pháp luật, bởi Luật Đầu tư chỉ cho phép 50 năm.
Về kiến nghị xem xét trách nhiệm, mặc dù thời điểm đó kết luận của Thanh tra Chính phủ không chỉ rõ từng cá nhân cụ thể nhưng ông Khánh cho rằng cấp có thẩm quyền, ban quản lý dự án phải xem xét xử lý kiểm điểm. Về việc này, theo ông Khánh, Hà Tĩnh thực hiện chưa nghiêm túc.
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ cũng đang tiến hành các công việc kiểm tra việc xử lý sau thanh tra đối với tỉnh Hà Tĩnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trí Lâm