Một nhóm nhà khoa học quốc tế đã phát hiện ra rằng tổ tiên của con người sống cách đây 250.000 năm trên vùng lãnh thổ mà ngày nay là thị trấn Azraq, Jordan, đã biết sử dụng công cụ lao động để cắt thịt.
Trong bài viết đăng trên tạp chí khoa học Journal of Archaeological Science, các nhà khảo cổ thông báo rằng lần đầu tiên họ đã tìm thấy trên bề mặt của các công cụ cổ xưa những dấu vết protein động vật. Sau khi nghiên cứu thành phần protein, họ đã xác định được rằng công cụ lao động được dùng để cắt thịt ngựa, tê giác, trâu rừng và vịt.
Như vậy, các nhà khảo cổ đã có bằng chứng trực tiếp chứng tỏ rằng 250.000 năm trước không những tổ tiên của con người đã dùng công cụ lao động để cắt thịt mà còn khám phá ra đó là những loại thịt gì. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã phân tích trên 10.000 công cụ lao động bằng đá tìm thấy khi tiến hành khai quật ở đông bắc Jordan. Đó là dùi, mảnh đá, mẩu đá có mũi nhọn, dao đá hay còn gọi là “dao Thụy Sĩ thời kỳ đồ đá”.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện thấy các mẩu da, máu và những dấu vết khác có nguồn gốc động vật trên 17 công cụ. Theo khẳng định của các nhà khoa học, hiện đã biết được rằng tổ tiên của con người đã biết chế tạo các loại công cụ lao động từ 2,5 triệu năm trước nhưng chưa chứng minh được một cách trực tiếp rằng tổ tiên con người đã dùng những công cụ lao động đó để cắt thịt.
Việc có được danh sách dài những loài động vật được tổ tiên con người dùng làm thức ăn đã làm các nhà khoa học ngạc nhiên. Điều đó chứng tỏ nhờ có những chiến lược thực phẩm đa dạng nên những người cổ đại đã sống sót trong những điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
Vũ Trung Hương