Nếu có kết quả dương tính, bạn sẽ được khuyên nên cách ly trong khoảng thời gian từ 5 ngày đến 2 tuần phụ thuộc vào nơi đang sống.
Mỹ và Anh đã rút ngắn thời gian tự cách ly được khuyến nghị của họ với bệnh nhân COVID-19 (F0) không có triệu chứng. Nhiều quốc gia khác có thể sớm làm theo vì biến thể Omicron sẽ khiến nhiều nhân viên bệnh viện và lao động chủ chốt khác bị giữ chân ở nhà.
Trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng thiếu lao động hàng loạt ở đợt bùng dịch mới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 27.12 đã rút ngắn thời gian cách ly với F0 không có triệu chứng từ 10 xuống còn 5 ngày.
Ở Mỹ, F0 không triệu chứng hiện có thể cách ly 5 ngày, sau đó là 5 ngày phải đeo khẩu trang khi ở gần người khác. Tuần trước, Anh đã giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày với những người thực hiện xét nghiệm âm tính hai lần liên tiếp.
Ngày 28.12, CDC công bố hướng dẫn mới về việc cách ly sau khi nhiễm SARS-CoV-2 dựa trên các triệu chứng của người bệnh. Theo đó, các nguyên tắc mới gồm:
- Cách ly trong 5 ngày sau khi xét nghiệm dương tính mà không có triệu chứng.
- Đeo khẩu trang khi ở gần những người khác trong 5 ngày tiếp theo.
- Bất kỳ ai có các triệu chứng COVID-19 có thể ra khỏi nhà sau 5 ngày nếu bệnh tình cải thiện.
- Người bị sốt nên ở trong nhà cho đến khi hết sốt.
- Những người đã tiêm vắc xin tiếp xúc với F0 có thể cách ly trong 5 ngày.
- Những người đã tiêm mũi vắc xin tăng cường có thể không cần cách ly.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh số ca COVID-19 cao kỷ lục ở cả Mỹ, Anh và đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi Omicron xuất hiện, các nước lớn tách khỏi thời gian cách ly 10 ngày được khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thế nhưng, hầu hết các quốc gia vẫn tuân theo mốc cách ly 10 ngày. Một số nước khác, chẳng hạn Đức, yêu cầu cách ly tới 14 ngày.
Sự khác biệt đã khiến một số người tự hỏi thời gian ủ bệnh chính xác của biến thể Omicron.
"Nếu bạn nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng, chúng tôi muốn bạn quay trở lại công việc, đặc biệt là những người làm việc thiết yếu, để giữ cho xã hội của chúng ta hoạt động trơn tru", Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, nói với CNN tuần này.
Song có một số dữ liệu mới đằng sau những thay đổi của CDC. Cơ quan này cho biết quyết định của họ "được thúc đẩy bởi khoa học chứng minh rằng phần lớn sự lây truyền SARS-CoV-2 xảy ra sớm trong quá trình phát bệnh, thường 1-2 ngày trước khi bắt đầu có các triệu chứng và 2-3 ngày sau đó".
Được công bố hôm 28.12, nghiên cứu ban đầu của CDC đã kiểm tra một cụm dịch Omicron ở bang Nebraska (Mỹ) và phát hiện rằng thời gian từ khi tiếp xúc với F0 đến khi nhiễm Omicron (được gọi là thời gian ủ bệnh) có thể là khoảng 3 ngày, ngắn hơn so với biến thể Delta mà các nghiên cứu ước tính có thời gian ủ bệnh là 4 ngày.
Một nghiên cứu tương tự về bữa tiệc Giáng sinh ở Na Uy với hàng chục người nhiễm Omicron cũng cho kết quả tương đương.
Tiến sĩ Megan Ranney, Phó trưởng khoa Y tế Công cộng của Đại học Brown (Mỹ), nói: "Với những người đã tiêm vắc xin COVID-19, có bằng chứng tích lũy rằng nếu không có triệu chứng, chúng ta rất khó lây truyền SARS-CoV-2 sau khoảng 5-7 ngày".
Thế nhưng, các khuyến nghị mới của CDC vẫn gây ra một số tranh luận trong cộng đồng y tế khi các chuyên gia cho rằng vẫn chưa hiểu đầy đủ về Omicron.
Tiến sĩ Megan Ranney nói: “Với những người chưa tiêm vắc xin COVID-19, dữ liệu không thực sự chứng minh rằng bạn không lây truyền vi rút SARS-CoV-2 sau 5 ngày. Tôi khá lo lắng về những khuyến nghị mới này".
Bà đề nghị có hướng dẫn khác với những người chưa tiêm vắc xin COVID-19 cho đến khi có thêm dữ liệu. Điều đó có thể thúc đẩy việc nhận mũi vắc xin tăng cường trong khi khuyến khích người dân đi tiêm phòng COVID-19 nếu chưa làm điều này.
Erin Bromage, Giáo sư sinh học tại Đại học UMass Dartmouth (Mỹ), cho biết chúng ta vẫn có thể nhận kết quả dương tính từ 7 hoặc 8 ngày sau lần xét nghiệm ban đầu, ngay cả khi không có triệu chứng.
Không giống Anh, nơi các xét nghiệm nhanh kháng nguyên phong phú hơn, hướng dẫn của Mỹ không phụ thuộc vào việc nhận được kết quả âm tính.
Omicron dù sao cũng ảnh hưởng xấu đến lực lượng lao động ở một số quốc gia và có khả năng nhiều nước sẽ rút ngắn thời gian cách ly trong năm 2022 nếu gánh nặng với các bệnh viện ngày càng tăng.
Các nghiên cứu từ Anh, Scotland và Nam Phi cho rằng Omicron có liên quan đến nguy cơ nhập viện thấp hơn so với biến thể Delta. Mức độ giảm nguy cơ đó nằm trong khoảng từ 40% đến 80% trong ba nghiên cứu.
Các nghiên cứu đó bao gồm dữ liệu sơ bộ và bài viết vẫn chưa xuất bản trên một tạp chí được bình duyệt, song bổ sung thêm bằng chứng cho thấy Omicron dù lây truyền cực nhanh nhưng có thể ít nguy hiểm hơn.
Tuy nhiên, WHO cảnh báo rằng Omicron vẫn có thể dẫn đến quá tải các hệ thống chăm sóc sức khỏe dù các nghiên cứu ban đầu cho thấy nó có thể gây bệnh nhẹ hơn.
“Sự phát triển nhanh chóng của Omicron... ngay cả khi kết hợp với căn bệnh nhẹ hơn một chút, vẫn sẽ dẫn đến số lượng lớn trường hợp nhập viện, đặc biệt là ở các nhóm chưa được tiêm vắc xin, gây ra gián đoạn rộng rãi cho hệ thống y tế và các dịch vụ quan trọng khác”, Catherine Smallwood, Giám đốc phụ trách về COVID-19 của WHO ở châu Âu, cảnh báo.
Đó là lý do tại sao các chuyên gia đang khuyến khích sự thận trọng và khuyên bất kỳ ai chưa tiêm vắc xin hoặc nhận mũi tăng cường nên làm như vậy trước khi Omicron tiếp tục lan rộng.
Theo ông Kathy Poehling, thành viên của Ủy ban Cố vấn về thực hành tiêm chủng Mỹ, cơ quan hướng dẫn các quyết định của CDC về vắc xin, người nhiễm Omicron cũng có những triệu chứng đặc trưng như ho, mệt mỏi, nghẹt mũi, chảy nước mũi. Song không như các biến thể SARS-CoV-2 trước đó, mất vị giác và khứu giác dường như là không phổ biến ở người nhiễm Omicron.
Dù vậy, ông Kathy Poehling và các chuyên gia khác nói rằng các triệu chứng này đều dựa vào báo cáo ban đầu về những ca nhiễm Omicron, không phải từ nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, chúng có thể chỉ phản ánh tỷ lệ dân số nhỏ như trẻ và khỏe cũng như những ai đã tiêm vắc xin đầy đủ.