“Cải cách là để nâng cao hiệu quả chứ không phải biến một doanh nghiệp đang kinh doanh tốt thành một loại công ty khác. Cổ phần hóa với từng loại doanh nghiệp phải có một bài toán tương ứng”, TS Nguyễn Ngọc Anh - chuyên gia Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) nhận định.
Cổ phần hóa đang thiếu chuyên nghiệp
Tại hội thảo kiến nghị quan điểm, phương hướng cơ cấu lại DNNN đến năm 2030, kế hoạch 2021-2025 diễn ra ngày 23.9, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giáDNNN có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đóng góp gần 30% tăng trưởng kinh tế, giữ tỷ trọng đa số hoặc chi phối một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như ngân hàng, tài chính, tín dụng, năng lượng.
Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư vốn nhà nước thấp hơn so với hiệu quả đầu tư vốn của thành phần kinh tế khác. Tỷ trọng đóng góp vào GDP, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm mới và thị phần ở hầu hết các ngành ngày càng giảm. Đặc biệt ở ngành có mức độ cạnh tranh cao như thương mại, công nghiệp chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng.
“Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng giữa kết quả đầu ra (doanh thu) và nguồn lực đầu vào (tài sản, vốn kinh doanh) làm giảm hiệu quả đầu tư của DNNN nói riêng, kinh tế nhà nước nói chung. Điều này dẫn tới việc để tạo ra 1 đồng, doanh thu, DNNN phải sử dụng nhiều vốn hơn DN khác”, ông Phạm Đức Trung - Trưởng ban nghiên cứu cải cách và phát triển DN (CIEM) đánh giá.
TS.Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng CIEM nói thực chất DNNN chưa bao giờ kinh doanh theo cơ chế thị trường. “Nếu tới đây, chúng ta buộc tất cả DNNN phải hoạt động, kinh doanh theo cơ chế thị trường thì tất cả các vấn đề đều được giải quyết”.
Đại diện doanh nghiệp duy nhất phát biểu ý kiến là ông Tạ Ngọc Nam -Trưởng ban Kế hoạch chiến lược Mobifone. Ông cho hay tập thể người lao động tại Mobifone đang mong tổng công ty được cổ phần hóa để có cơ cấu mới, hướng đi mới “vì trong 2-3 năm rồi chúng tôi đã nổi tiếng theo cách không hề mong muốn nên ai cũng mong chuyển sang giai đoạn mới”.
Bình luận về công tác cổ phần hóa, ông Nam cho rằng cách thức triển khai cổ phần hóa DNNN đang có vấn đề và thiếu chuyên nghiệp. Là một doanh nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị gấp rút cho cổ phần hóa, đại diện của Mobifone kỳ vọng sẽ có nhà viễn thông quốc tế đầu tư lâu dài thay vì các nhà đầu tư tài chính. Đại diện doanh nghiệp lo ngại nhà đầu tư tài chính vào đánh bóng lên xong vài năm lại thoái vốn làm doanh nghiệp lâm vào trạng thái rất bấp bênh.
"Riêng về cổ phần hóa, tôi cho rằng cần quan tâm đến cách thức giải quyết vấn đề chứ không phải đặt mục tiêu giai đoạn kế hoạch 2021-2025 cổ phần hóa được 90% doanh nghiệp hay bao nhiêu", ông Nam nói.
Ông Nam gợi ý cách thức thành lập nhóm (team) triển khai cổ phần hóa, ví dụ “team” doanh nghiệp lớn, “team” doanh nghiệp địa phương của Bộ Tài chính, của UBND… “Ta có team làm cho tất cả các tỉnh thì rất nhanh”.
Ông Nam cũng dẫn ra các ví dụ đang làm khó doanh nghiệp, chẳng hạn như cơ quan quản lý đề ra chỉ tiêu doanh thu/lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. “Nghe rất hợp lý nhưng nếu đặt vào hệ chuẩn 50 doanh nghiệp thì sẽ có phát sinh. Một doanh nghiệp tỷ suất lợi nhuận 30% mà bắt năm sau cao hơn năm trước thì rất khó, nhưng với doanh nghiệp đang âm vốn hay tỷ suất lợi nhuận ở mức thấp thì lại dễ hơn.
“Mobifone là doanh nghiệp thuộc hàng top trong các tập đoàn/tổng công ty nhà nước nhưng vẫn dính mô-típ năm sau cao hơn năm trước. Nếu trừ phần vốn ở vụ AVG thì có những năm lợi nhuận của chúng tôi cao hơn phần vốn đã đầu tư vào lĩnh vực viễn thông”, ông Nam nói.
Không thể bắt mọi người uống cùng 1 loại thuốc
Một vấn đề bất cập khác được ông Nam nêu là hệ thống quản trị DNNN đồng nhất việc đánh giá doanh nghiệp với đánh giá kết quả người lao động ở doanh nghiệp đó.
“Với doanh nghiệp có sự cố như Mobifone (vụ AVG - PV), 3 năm liền người lao động chịu thiệt thòi trong khi các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh vẫn đảm bảo”, ông Nam nói và cho rằng đối vớiDNNN, cơ quan quản lý nên chia ra các hệ chuẩn để đánh giá: đánh giá hiệu quả doanh nghiệp; đánh giá cơ quan chủ sở hữu; đánh giá đội ngũ quản lý doanh nghiệp; đánh giá tập thể người lao động.
“Hiện bị vướng ở đây. Việc đánh giá doanh nghiệp đồng nhất với đánh giá kết quả người lao động tạo ra rào cản nâng cao hiệu quả của DNNN”, ông Nam nói.
TS. Nguyễn Ngọc Anh - chuyên gia Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) cho rằng việc sắp xếp, cải cách DNNNlà không có gì phải bàn cãi, tuy nhiên thoái vốn không phải là cách duy nhất.
“Nhìn ra OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - Organization for Economic Co-operation and Development) chẳng hạn, họ có một cuốn sách về DNNN, trong đó nói rõ cách quản lý với từng loại doanh nghiệp, doanh nghiệp nào nắm vai trò độc quyền tự nhiên. Ở Phần Lan có một số công ty hoàn toàn là DNNN nhưng mục tiêu của những công ty này được xác định rất rõ là tạo doanh số cho ngân sách. Lãi của các doanh nghiệp này chính là ngân sách nhà nước. Tôi chia sẻ như vậy là để thấythuốc không phải là bán hết, đập đi xây lại hết”, ông Anh nói.
Theo ông Ngọc Anh, có một báo cáo chia DNNN thành các nhóm: nhóm chiến lược, nhóm không chiến lược, nhóm làm ăn có lãi và không có lãi. “Người ta đặt lên bàn cânxem từng nhóm sẽ làm gì. Ví dụ nhóm chiến lược mà đang có lãi thìcó bán không? Bán thì điên à,đang có lãi mà? Ví dụ như Vinamilk, công ty này không phải ở ngành chiến lược nhưng nó đang tốt, quản trị tốt thìmình bán làm gì? Vì tiền à? Hay là xem xét một số ngành như bia rượuảnh hưởng tới sức khỏe, thu thuế được 1 đồng thì mất tới 5 đồng cho bảo vệ sức khỏe...”, ông Ngọc Anh nêu.
Chuyên gia này cũng nhận định những công ty đó ở phương Tây là độc quyền nhà nước luôn. “Vấn đề là ta muốn gì với những thứ ta có, chứ không phải lấy một viên thuốc ra và bắt mọi người cùng uống viên thuốc đó”.
“Cải cách là để nâng cao hiệu quả chứ không phải biến một doanh nghiệp đang kinh doanh tốt thành một loại công ty khác. Cổ phần hóa với từng loại doanh nghiệp phải có một bài toán tương ứng”, ông Anh kết luận.
Lam Thanh