Ngày 13.6, đoàn công tác do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đã khảo sát thực tế, kiểm tra tiến độ và làm việc với các đơn vị liên quan về dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên.

Cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân

Tú Viên (Tổng hợp) | 13/06/2023, 19:05

Ngày 13.6, đoàn công tác do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đã khảo sát thực tế, kiểm tra tiến độ và làm việc với các đơn vị liên quan về dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM Bùi Thanh Tân cho biết địa phương thực hiện dự án gồm các quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Tổng mức đầu tư của dự án là 8.200 tỉ đồng (trong đó ngân sách trung ương 4.000 tỉ đồng, ngân sách TP 4.200 tỉ đồng).

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2025. Về tiến độ, có 9 gói thầu (có mặt bằng) đã thi công hoặc tập kết thiết bị, máy móc, thi công đóng cọc, riêng gói XL-10 đang thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 2 quận Gò Vấp và 12.

Ban Quản lý dự án kiến nghị TP cho phép trước mắt tháo dỡ bức tường hàng rào bãi rác Gò Cát; chấp thuận chủ trương cho mở rộng đường bờ kênh khu vực tiếp giáp với bãi rác Gò Cát để đảm bảo đủ hành lang đường 20m, lòng đường 12m thông suốt toàn tuyến như thiết kế; chấp thuận chủ trương xây dựng công viên Gò Cát; cho phép lập các dự án cầu băng qua kênh theo quy hoạch để hoàn thiện hạ tầng giao thông trong khu vực, tháo dỡ các cầu, cống dân sinh không phù hợp…

vid5224-16866453537461666659821.jpeg
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác khảo sát dự án - Ảnh: VGP

Đại diện các quận, huyện có dự án đi qua cho biết đa số người dân đồng tình và rất mong dự án sớm hoàn thành. Các địa phương quyết tâm bàn giao toàn bộ mặt bằng để dự án thuận lợi trong triển khai.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết chủ đầu tư, các sở ngành đã nỗ lực để triển khai dự án trong thời gian qua, đặc biệt là công tác phối hợp, đảm bảo tiến độ. Việc giải ngân cũng đang đảm bảo khi đến nay dự án đã giải ngân được 203 tỉ đồng/1.650 tỉ đồng (đạt tỷ lệ 12,35%) và dự kiến trong năm 2023 sẽ giải ngân 100%. 

Ông Bùi Xuân Cường cũng đề nghị chủ đầu tư bám vào kế hoạch chi tiết để thực hiện; đề nghị các địa phương nỗ lực hơn trong công tác giải phóng mặt bằng, quản lý mặt bằng và chỉnh trang đô thị. Các đơn vị cố gắng hoàn thành dự án vào dịp 30.4.2025, là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên biểu dương sự cố gắng của các đơn vị, nhất là người đứng đầu, để triển khai dự án.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng dự án khi hoàn thành sẽ giúp tiêu thoát nước, chống ngập và giải quyết ô nhiễm, trước hết là khu vực trung tâm và phía tây bắc TP; kết nối hạ tầng giao thông, đồng thời là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của TP trước mắt và tương lai.

Đồng thời, dự án cũng giúp tiêu thoát nước mưa, chống ngập úng cho diện tích khoảng 15.000ha; chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường khu vực dự án; tăng cường năng lực giao thông cho trục Bắc - Nam của TP, góp phần cùng các dự án khác đảm bảo giao thông thủy theo tiêu chuẩn đường thủy nội địa; kết nối hạ tầng giao thông, giảm áp lực giao thông ở quốc lộ 1. Dự án còn mang tính kết nối liên vùng với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An… Do vậy, công trình này được sự ủng hộ và trông chờ của nhân dân TP suốt 20 năm qua.

"Người dân ủng hộ càng cao thì trách nhiệm của chúng ta càng lớn. Cần nhận thấy được trách nhiệm để đáp ứng lòng mong mỏi của người dân", ông Nên nhấn mạnh.

Cũng theo Bí thư Thành ủy, trong thực hiện dự án, UBND TP.HCM, các sở ngành, quận huyện liên quan phải tuân thủ 4 nguyên tắc.

Trước hết, toàn bộ công việc phải được đề ra cụ thể, trách nhiệm cụ thể, thời gian cụ thể. Nếu không làm được điều đó thì sẽ khó thực hiện, điều hành, kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm.

Nguyên tắc thứ 2 là khi gặp tình huống khó khăn phải chủ động báo cáo với người, với cấp có trách nhiệm.

Thứ 3, trong mọi hoạt động đều có thứ tự ưu tiên theo tinh thần hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến những công việc quan trọng khác; hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Nguyên tắc thứ 4 là các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để thực hiện truyền thông vận động bà con tiếp tục ủng hộ, vận động bà con chia sẻ khi cần thiết, đôi khi phải chấp nhận những khó khăn trước mắt để công trình kịp tiến độ.

Bí thư Thành ủy đề nghị đảng ủy 6 quận và huyện Bình Chánh chỉ đạo UBND các xã, phường phối hợp chặt chẽ để vận động người dân và doanh nghiệp có những công trình vi phạm đất của dự án bàn giao mặt bằng cho nhà thầu đúng tiến độ.

UBND các quận Gò Vấp, 12 phối hợp chặt chẽ với Sở TN-MT trong giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ liên quan đến bồi thường tái định cư, thu hồi mặt bằng trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu chủ đầu tư tăng cường công tác quản lý giám sát hằng ngày, hằng tuần tùy theo công việc, bảo đảm an toàn lao động, đảm bảo tư vấn giám sát thực hiện theo quy trình, bảo đảm an toàn trên công trường. Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ, phối hợp với các địa phương có liên quan để thực hiện các kế hoạch đề ra. Phải có kế hoạch tháo gỡ vướng mắc khó khăn bằng lịch trình cụ thể, thời gian cụ thể, trách nhiệm cụ thể. Nếu có khó khăn thì báo cáo cấp trên giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất của một dự án là chất lượng công trình. Phải đảm bảo đúng theo quy định yêu cầu, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong tổ chức thực hiện.

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) được thực hiện với mục tiêu thoát nước, chống ngập và giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông.

Đây là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời làm nền tảng cho dự phát triển kinh tế - xã hội của TP trong tương lai.

Bài liên quan
Việt Nam mong muốn Campuchia sớm cung cấp thông tin, tham gia nghiên cứu chung về tác động Dự án kênh đào Funan Techo
Theo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia sẽ nâng cấp và cải tạo 180 km tuyến kênh/sông, bao gồm: Đoạn thứ nhất (chiều dài khoảng 20 km) nối sông Mê Công với sông Bassac; Đoạn thứ 2 tiếp tục chạy dọc theo sông Bassac đến điểm kết nối với kênh giao thông thủy từ sông Bassac ra cảng Kẹp (chiều dài khoảng 30 km) và Đoạn thứ ba dài 130 km nối sông Bassac (tại điểm cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 20 km) với cảng Kẹp của Campuchia.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu thanh tra, kiểm tra ngay hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng
Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân