Thông tin UBND TP.HCM có chủ trương tháo gỡ cho những người đã mua suất nhà tái định cư bằng việc cấp giấy chủ quyền cho họ nếu đã đóng đủ tiền được nhiều người quan tâm. 

Cần cân nhắc khi mua suất nhà tái định cư

Một Thế Giới | 06/04/2015, 11:04

Thông tin UBND TP.HCM có chủ trương tháo gỡ cho những người đã mua suất nhà tái định cư bằng việc cấp giấy chủ quyền cho họ nếu đã đóng đủ tiền được nhiều người quan tâm. 

Lâu nay, vì điều kiện kinh tế eo hẹp, nhiều người tìm mua căn hộ tái định cư để ở, một phần là do giá bán rẻ hơn nhà thương mại, mặc dù biết việc mua bán này tiềm ẩn những rủi ro.
Mệt mỏi với nhà tái định cư

Cuối năm 2013, chị Tr., một nhân viên PR (quan hệ công chúng) của một công ty ở quận 3, TP.HCM, đã chọn mua căn hộ tái định cư tại một khu chung cư trên đường Man Thiện, quận 9. Thông qua người môi giới, chị gặp chủ suất tái định cư và được người chủ đảmbảo khoảng đầu năm 2014 sẽ nhận nhà. Chị Tr. cùng chủ nhà làm giấy mua bán "giấy tay”, theo đó chị chỉ cần thanh toán 340 triệu đồng (trong tổng số 780 triệu đồng giá trị căn hộ) cho chủ nhà là qua Tết chị sẽ được nhận nhà và sang tên căn hộ, phần còn lại được trả góp trong vòng 10 năm với lãi suất chỉ 2%/năm.

"Lúc đó, vợ chồng tôi mới cưới nhau nên gặp nhiều khó khăn, buộc phải tìm những căn hộ giá rẻ, cho trả góp như vậy mới có thể mua được", chị Tr. kể. Tuy nhiên, khi đóng đủ số tiền trên mà đến hạn chủ nhà vẫn chưa thể giao nhà, sang tên như đã hẹn, liên hệ với môi giới thì người này lặn mất tăm. Chị đành đến đòi tiền đã đặt cọc với chủ nhà thì chủ nhà lằng nhằng, dây dưa cả năm sau mới trả lại.

Theo tìm hiểu, chung cư trên là nhà tái định cư chocác hộ dân trong vùng giải tỏa để làm một dự án công viên văn hóa. Hiện tại, các hộ dân đã dọn đến ở kín các căn hộ tại chung cư này. Tuy nhiên, theo một người môi giới nhà đất tại đây, nhiều người trong số đó thuộc diện mua lại suất tái định cư.

Trong vai người có nhu cầu mua nhà giá rẻ, phóng viên được người môi giới nói trên dẫn lên tầng bảy của lô C5, giới thiệu một căn hộ rộng khoảng 70 m2 có giá bán khoảng 700 triệu đồng. Nếu đồng ý mua, ông sẽ dẫn gặp chủ nhà, hai bên sẽ làm giấy tờ mua bán (giấy tay) và hợp đồng ủy quyền, dự kiến đến cuối năm 2015 căn hộ sẽ có sổ. Thấy người mua tỏ vẻ e ngại nhà tái định cư không được quyền mua bán, chuyển nhượng, ông trấn an: "ở đây đã có nhiều người mua nhà rồi dọn vào ở, có sao đâu!”.

Nếu như chị Tr., dù vất vả cả năm trời, còn may mắn đòi lại được tiền cọc thì bà S., ở quận 4, TP.HCM, đang ôm một suất nhà tái định cư trong lo lắng. Năm 2010, bà S. mua lại suất tái định cư tại một chung cư ở quận 7. Đây là chung cư tái định cư cho người dân thuộc diện giải tỏa để làm dự án một công trình ở quận 4 được thành phố phê duyệt từ năm 2006. Trước đó, năm 2008, người chủ cũ có đất bị thu hồi để làm công trình ở quận 4 đã được cấp căn hộ tại chung cư ở quận 7nói trên với diện tích 70 m2, giá 458 triệu đồng.

Người chủ cũ làm giấy ủy quyền với nội dung bà S. được thay mặt người này ký các giấy tờ liên quan đến căn hộ, nhận quyết định nộp tiền bổ sung, đóng tiền mua căn hộ chung cư, nhận bàn giao căn hộ... Đồng thời, người chủ cũ làm cả di chúc và để lại căn hộ trên cho bà S. như một lời cam kết. Hiện tại, bà S. đã đóng 70% giá trị căn hộ, 25% còn lại sẽ được đóng khi nhận nhà và 5% cuối cùng sẽ được đóng khi nhận giấy chứng nhận.

Bà S. cho biết, chủ đầu tư hứa sẽ ra sổ hồng vào năm 2016. Điều khiến bà lo lắng là liệu cam kết trên có đúng hạn, nhất là sau khi có sổ và kết thúc ủy quyền, người chủ cũ có thể chuyển nhượng hợp pháp căn hộ trên cho bà. "Hồi đó mua căn hộ này tưởng rẻ, nhưng sau nhiều năm chờ đợi, đồng tiền trượt giá thì hóa ra chẳng rẻ là bao, mà lại thêm lo lắng", bà S. nói.

Người mua "nắm đằng lưỡi"

Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, hiện có khá nhiều điểm môi giới nhà đất, thậm chí nhiều nhân viên các sàn giao dịch bất động sản, đang rao bán các căn hộ tại các dự án chung cưtái định cư trên địa bàn TP.HCM như quận 9, Bình Thạnh... Những người môi giới đi "gom" suất tái định cư của những người được Nhà nước cấp nhưng không sử dụng để bán cho khách hàng, hưởng hoa hồng cả hai bên.

Chẳng hạn, tại một khu chung cư có quy mô khoảng 1.050 căn hộ tọa lạc trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh đang được rao bán với giá 17-18 triệu đồng/m2 cho những căn hộ có diện tích 60-90m2. Tuy nhiên, một cán bộ ở Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận cho biết dự án trên dành cho hộ dân di dời từ các lô ở chung cư Thanh Đa có nguy cơ sụp đổ nên người bên ngoài mua nhà tái định cư sẽ chịu rủi ro cao về pháp lý.

Phân tích về tính pháp lý khi mua suất tái định cư, luật sư Lê Quang Vũ, Phó trưởng Văn phòng luật sư người nghèo TP.HCM, cho biết suất tái định cư chỉ dành cho hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng khi Nhà nước làm dự án, công trình. 
Vì nhiều lý do, một số người có suất tái định cư (bên bán) không muốn ở nhà tái định cư được cấp nên muốn bán suất này để nhận một khoản tiền, chuyển đến nơi khác sinh sống làm ăn. Do đó, việc khách mua lại các suất tái định cư này (bên mua) được thực hiện bởi một hợp đồng giấy tay, như một cam kết giữa hai người. Đồng thời, bên bán sẽ ủy quyền để chuyển nhượng quyền mua căn hộ cho bên mua.

Tuy nhiên, khi giấy chứng nhận quyền sở hữu được chủ đầu tư làm vẫn mang tên bên bán và rủi ro xảy ra khi bên bán không thể làm thủ tục sang tên cho bên mua, dù bên mua đã thay mặt bên bán nộp đủ tiền cho chủ đầu tư. "Phần nhiều căn hộ thuộc dự án tái định cư không được bán lại, chuyển nhượng, đó là chưa kể, nếu bên bán gây khó dễ khi đã có giấy chứng nhận, hoặc bên bán qua đời mà không để lại di chúc thì rủi ro càng lớn”, ông Vũ cảnh báo.

Nói về chủ trương tháo gỡ cho những trưòng hợp đã mua suất tái định cư, ông Vũ cho rằng chính sách trên cũng phải mất một thời gian dài mới có thể áp dụng, vì liên quan đến nhiều mối quan hệ pháp lý khác. Ông Vũ khuyên những người có ý định mua lại suất tái định cư hoặc nhà tái đình cư cần cân nhắc kỹ về pháp lý căn nhà, nhân thân của hộ gia đình được cấp nhà. Với những người đã lỡ mua suất tái định cư và đang đóng tiền theo tiến độ, nếu nhà đã hoàn thiện rồi thì nên dọn vào ở để "giữ chỗ", đề phòng những rủi ro xảy ra thì có thể dễ bề giải quyết.

Mạnh Tùng (Sài Gòn Tiếp thị)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
39 phút trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần cân nhắc khi mua suất nhà tái định cư