Sau khi đăng bài phản hồi của độc giả Phạm Đức Dũng và Mật Quang Minh về việc chất vấn 'Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng', báo điện tử Một Thế Giới nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc. Sau đây, báo điện tử Một Thế Giới xin trích đăng tiếp ý kiến của độc giả Thiên Lang từ Quận 5, TP.HCM.

Cần làm rõ ý Tổng thống Obama thắp hương lễ Phật thì 'không tốt về sau'

03/06/2016, 09:02

Sau khi đăng bài phản hồi của độc giả Phạm Đức Dũng và Mật Quang Minh về việc chất vấn 'Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng', báo điện tử Một Thế Giới nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc. Sau đây, báo điện tử Một Thế Giới xin trích đăng tiếp ý kiến của độc giả Thiên Lang từ Quận 5, TP.HCM.

Tôi có đọc một bài phản biện của độc giả Phạm Đức Dũng về bài viết “Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng kể gì?” Rất nhiều thông tin và cách nhìn của độc giả là hay và chính xác. Mặc dù vậy tôi vẫn không đồng ý với độc giả Dũng ở một vài điểm mà tôi cho rằng chính việc không hiểu rõ ngữ cảnh và ngôn ngữ gây ra.
Thứ nhất, ông Dũng đã dùng rất rõ ràng cụm từ “the people believe that…” nghĩa là “người dân tin rằng”. Ông không hề nói rằng Phật dạy nên đến đây cầu tự hay quyền lực của Quan m là cho con trai. Cụm từ “người dân tin rằng” thể hiện rõ ràng sự du nhập tôn giáo vào các tín ngưỡng địa phương. Thực tế đó là điều hoàn toàn đúng. Dù Phật không dạy sẽ ban các phép mầu nhiệm thỏa mãn dục vọng con người, nhưng khi đạo Phật đến từng quốc gia, địa phương nơi đó có những cách tiếp cận và suy nghĩ riêng. Chùa Ngọc Hoàng lúc đầu là chùa Minh Sư, sau mới thờ Phật, vốn nổi tiếng về việc cầu tự là một điều dân gian lưu truyền rất lâu. Việc cầu tự trong chùa cũng không có gì kỳ lạ vì trước đây gần ngàn năm, vua Lý Nhân Tông (1072-1128) cũng đã nhiều lần cầu tự khi tuổi đã cao vẫn chưa có con. Theo nghĩa đơn giản, ông Dũng đang giải thích cho ông Obama một tín ngưỡng dân gian trong quá trình hòa nhập với đạo Phật.
Tôi nghĩ độc giả Dũng cũng quá nghiêm trọng khi cho rằng chỉ một chi tiết này mà Obama hiểu sai về Phật. Nếu chúng ta qua châu Âu đến một vùng nào đó và người dân ở đây cho rằng Chúa có thể giúp họ trẻ hơn chẳng hạn, thì liệu chúng ta có nghĩ đó hoàn toàn là những gì Chúa làm được không? Tôn giáo là một phạm trù rộng lớn và tôi nghĩ một người như Obama sẽ không đợi tới những lời giải thích trong vài chục phút về một ngôi chùa mà đánh giá toàn bộ đạo Phật. Nhất là khi đạo Phật là một tôn giáo nhiều người biết đến chứ không phải chỉ gói gọn trong một địa phương.

Thứ hai, độc giả lại một lần nữa hiểu lầm chữ “không tốt về sau” mà ông Dũng dùng. Đối tượng không tốt ở đây chính là tôn giáo của ông Obama. Obama theo đạo Tin Lành, vốn cấm các hình thức lễ bái thờ phụng với các vị thần khác ngoài Thiên Chúa. Ông Dũng là một người am tường về tôn giáo nên nhắc nhở Obama, vì có thể chỉ vì ngoại giao mà ông Obama phạm phải điều luật của đạo mình. “Không tốt về sau” ở đây chính là trong sinh hoạt Tin Lành của ông Obama sau này. Đây là một lời khuyến cáo, ông Obama hoàn toàn có thể quyết định làm hay không. Và thực tế đoạn clip đó không có nên cũng không biết ông Obama có thắp hương không.
Tiếp nữa, việc thắp hương hay quì lạy vốn dĩ cũng không được qui định ngay từ đầu, mà trong thời kỳ Phật giáo phát triển mới đưa thêm vào. Lễ lạy cũng không phải công đức vô thượng nếu người lạy không thành tâm, và ngược lại người thành tâm vẫn có thể có phước đức chứ không chỉ hình thức. Với tinh thần từ bi bác ái và tôn trọng tôn giáo của đức Phật, ta có thể nghĩ rằng Phật không thể nào câu chấp những lễ nghi hình thức như vậy nếu nó khiến người lễ bái gặp tội đối với tôn giáo của chính họ. Việc để cho một người đáng kính đại diện mình thắp hương cũng không phải là hiếm.
Ở đây tôi lại thấy độc giả làm nghiêm trọng vấn đề. Một hành động thắp hương dùm với lòng tôn kính sẽ ngăn cản người khác đến với đạo Phật sao? Không làm lễ lạy hay thắp hương trực tiếp sẽ khiến người khác không hiểu đạo Phật sao? Tôi nghĩ đó là kết luận vội vàng.

Thứ ba, nói tiếp về chuyện hương. Tôi không đến xem trực tiếp nên tôi rất nghi ngờ phần trích của báo, và cả phần dịch, khi nói về những quan niệm Phật giáo. Nhưng thực tế khi Phật giáo mới hình thành không có đốt hương. Ấn Độ không đốt hương và trong thời kỳ đầu không có chùa cho các tăng sĩ. Rõ ràng hương cũng như rất nhiều nghi lễ khác được thêm vào sau này. Bên cạnh đó, không có kinh văn nào từ lời Phật dạy qui định về ý nghĩa của hương, chỉ có những giải thích của những nhà nghiên cứu, những vị sư thời kỳ sau. Hương đại diện cho nhiều ý nghĩa, như Tam Bảo, Tam Giới, Tam Thời, hay Giới Định Tuệ của phật giáo. Nhưng đốt ba nén hương chỉ là một nghi thức, thực tế số lượng có thể nhiều hoặc ít, vậy thì số 3 đó không thể là chứng minh của hình thức nào được. Nhiều ý kiến còn cho rằng 5 nén hương là ngũ hàng, 7 hay 9 tượng trưng cho hồn vía, hay số lẻ là số may mắn… Rõ ràng, ý nghĩa của hương và việc đốt hương vẫn chưa được thống nhất.
Tuy nhiên, có thể ông Dũng đã quá vội vàng khi khẳng định như thế. Nếu ông nói: “Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về việc thắp hương, một trong số đó là…” thì sẽ thuyết phục và hợp lý hơn. Ngoài ra, hương cũng không phải thứ cần duy trì liên tục mà chính là ngọn lửa. Đó là lý do Phật tử hay cúng dường dầu cho nhà chùa, dù hiện giờ nó chỉ còn là hình thức khi dùng đèn điện.

Thứ tư, một lần nữa tôi (và có lẽ chính độc giả) cũng chỉ xem trên báo chứ không xem trực tiếp cuộc đối thoại của ông Dũng và ông Obama, nên rất khó khẳng định ông dùng chữ gì. Việt Nam có thể có hai từ tông – phái nhưng trong tiếng Anh có thể không. Việc qui chụp là lỗi ông Dũng ở đây là hơi vội.
Ngoài ra, cụm từ Cao Tăng, Thạc Đức của độc giả Dũng cũng dùng sai. Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo truyền thống cũ chỉ qui định các danh xưng: Tăng sĩ, Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng. Cao tăng chỉ là một danh từ dùng chỉ những vị sư nổi tiếng chứ không nằm trong các từ tôn xưng, nên không phải viết hoa, Thạc Đức là một từ sai. Nếu viết đúng phải là các vị Thượng Tọa, Đại Đức hoặc nếu dùng chữ cao tăng thì không thể đứng chung với các từ tôn xưng kia vì ý nghĩa khác nhau, trong “cao tăng” đã bao gồm những từ kia.

Tóm lại, chùa Ngọc Hoàng – hay Phước Hải là một ngôi chùa bình thường trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chuyến đi vài tiếng của ông Obama cũng không hề tượng trưng cho việc cầu Phật hay cầu đạo gì cả. Ông Obama có lẽ thừa thông minh để hiểu rằng đạo Phật to lớn không thể chỉ hiểu trong vài tiếng ngắn ngủi và trong một ngôi chùa. Và nếu thành tâm muốn tìm hiểu, ông hoàn toàn có đủ phương tiện để tìm hiểu nhiều hơn. Bên cạnh đó, Phật giáo cũng không phải tôn giáo đặc hữu hay quốc giáo của Việt Nam để chúng ta lo sợ rằng ông Obama sẽ hiểu sai về tôn giáo. Chuyến đi này đơn giản là một cuộc giới thiệu hình ảnh văn hóa dân gian, và rất nhiều thứ trong đó đã được làm rất tốt từ kiến trúc đến con người, các lễ nghi tôn giáo và cả tín ngưỡng mong cầu thần linh đều được giới thiệu qua. Qúa câu chấp vào một việc nào đó mà bỏ qua cái ý nghĩa chính có lẽ cũng là một trong những điều không tốt vậy.

Thiên Lang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
9 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần làm rõ ý Tổng thống Obama thắp hương lễ Phật thì 'không tốt về sau'