Vừa qua, báo điện tử Một Thế Giới có đăng bài “Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng kể gì?”. Sau khi bài viết này được đăng, độc giả Phạm Đức Dũng tại Tân Bình có gửi ý kiến phản hồi. Để rộng đường dư luận, báo Một Thế Giới xin trích đăng lại ý kiến của độc giả Dũng và mong nhận được ý kiến đóng góp khác từ mọi người.
Với mong muốn đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho việc xây dựng hình ảnh Phật Giáo Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, tôi có đôi lời góp ý về bài báo “Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng kể gì?”.
Tôi viết lên đây nhằm bày tỏ sự không đồng tình với những kiến giải Phật học sai lệch của tiến sĩ Tôn giáo Dương Ngọc Dũng, khi hướng dẫn Tổng thống Obama trong chuyến viếng thăm của Tổng thống tại chùa Ngọc Hoàng vừa qua.
Ts. Dương Ngọc Dũng được giao trọng trách hướng dẫn cho Tổng thống Obama về một ngôi chùa Phật giáo tại Việt Nam. Với tầm ảnh hưởng của mình, Tổng thống Obama hoàn toàn có thể tạo tác động rất lớn đến đông đảo người về hình ảnh Phật giáo trong chuyến viếng thăm của ngài.
Ts. Dương Ngọc Dũng đã có một cơ hội rất hiếm có để không chỉ hoàn thành đúng trọng trách của mình mà còn có thể đưa hình ảnh tốt đẹp về Phật giáo Việt Nam đến đông đảo bạn bè quốc tế khắp năm châu. Tiếc thay, bằng những sơ hở về mặt học thuật của mình, ông ấy đã thể hiện những tri kiến phần nào làm lệch lạc đi hình ảnh Phật giáo trong mắt ngài Tổng thống cũng như biết bao người theo dõi sự kiện này.
Thứ nhất, ông Dũng đưa ra vấn đề cầu tự (cầu để được sinh con trai kế tự thuộc về đạo Phật trong thời điểm ông nói) với ông Obama vì rằng chùa này linh thiêng, chẳng khác nào rao truyền mê tín.
Trong khi trong “Đại nguyện Quan Thế Âm Bồ Tát”, Ngài đã thuyết: ”Phật pháp không hiện hữu chỉ vì lợi ích tầm thường là nhằm bảo vệ các con khỏi nỗi sợ hãi và đáp ứng mọi ước muốn của các con. Phật pháp không đơn thuần là sự giả tạo như thế, vì vậy hãy nhìn vào tâm thức phi đạo đức của các con”.
Tôi thực sự không biết về sau khi nghĩ về Phật pháp, ngài Obama sẽ nghĩ về pháp Giải Thoát đầy tính khoa học Nhân Quả hay là về một thần linh phương Đông nào đó chuyên “ban con”, “cho con” một cách huyền hoặc như lời giới thiệu của tiến sĩ.
Thứ hai, tôi hiểu rằng Đạo Phật không phải là một tôn giáo, mà là một hành trình Giác ngộ. Mà đã là hành trình Giác ngộ thì đạo Phật không chối bỏ bất kỳ chúng sanh nào, bởi Phật thuyết “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”. Việc thắp nhang của Tổng thống Obama thuộc về “lễ lạy”, một trong 10 hoạt động tâm linh nhà Phật. Mà theo nguyên lý Nhân quả, lễ lạy đúng đối tượng thì rất có phước, không chỉ trong đời này, mà còn cả đời sau, không phải như tiến sĩ bảo rằng “không tốt về sau”.
Sự ngăn cản của Ts. Dương Ngọc Dũng với Ngài Obama đồng nghĩa với khẳng định chúng sanh ở các tôn giáo khác bị ngăn ngại khi muốn tìm hiểu và bày tỏ lòng ngưỡng mộ với Đức Phật. Lẽ nào người ở tôn giáo khác muốn đảnh lễ chư Phật đều phải thông qua một trụ trì như thầy Thích Minh Thông mới được hay sao?
Nếu người ở tôn giáo khác khó khăn khi tìm đến Phật giáo như vậy thì biết bao người đang ở trong gia đình Tin lành, Công giáo, Hồi giáo,…mãi mãi không thể đến với Phật pháp hay sao?
Thứ ba, tôi trích nguyên văn đoạn này “Tôi nói: Nhang là tượng trưng cho tinh, khí và thần. Phải giữ lửa liên tục như là nguồn sống, do đó, đền chùa thường phải đốt nhang cả ngày…” (hết trích)
Đây là sự giải thích tà kiến, trái với giáo lý Phật đà. Cần nhấn mạnh rằng trong thuật ngữ đạo Phật không có cụm từ “tinh, khí, thần” mà chỉ phổ biến trong Tiên đạo (Đạo giáo). Người học Phật ai cũng biết rằng thắp 3 cây nhang là tượng trưng cho Tam bảo (3 báu của đạo Phật) là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Ông Dũng đã hoàn toàn nhầm lẫn Phật giáo và Đạo giáo về vấn đề này.
Luận điểm tiếp theo của ông Dương Ngọc Dũng là thắp nhang liên tục để giữ mạch sống (nguồn sống) cũng là sai hoàn toàn với tinh thần đạo Phật vốn luôn quán Vô thường!
Thứ tư, Ts. Dương Ngọc Dũng bàn về phái Hoa tông: Đây là từ dùng hoàn toàn sai đối với thuật ngữ Phật đà. Đã viết từ “”Phái” thì không thể viết từ “Tông” bởi vì trong tông có phái. Trong thuật ngữ Phật giáo không có Hoa tông mà chỉ có Hoa nghiêm tông… Do vậy, đây cũng là một danh từ Phật học cần chỉnh sửa lại. Ngõ hầu tránh gây hiểu lầm cho cả một tông phái Đạo Phật.
Qua những phân tích nêu trên, tôi thấy những sự nhầm lẫn tai hại của người hướng dẫn, tiến sĩ Dương Ngọc Dũng trừ phi tác giả diễn đạt sai thuật ngữ.
Tuy nhiên, xét về nội dung mà ông Dũng tự nói ra thì không còn gì chối cãi vì đã quá rõ ràng trên bình diện bình giải Phật học mà tôi đã trình bày. Giá như một việc hệ trọng như hướng dẫn Tổng thống thế này, được giao cho một vị Cao tăng, Thạc Đức có đầy đủ kinh nghiệm và được phiên dịch lại thì có phải chuẩn xác hơn không?
Đồng thời với lỗi sai về Phật học của tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, tôi cho rằng các báo đã trích dẫn bài viết này, đã đăng bài sai lệch gây ngộ nhận về Phật học. Từ đó, tôi kiến nghị tiến sĩ Dương Ngọc Dũng đính chính và trình bày nguồn gốc tư liệu của ông đến từ đâu.
Phạm Đức Dũng