Sau khi đăng bài phản hồi của độc giả Phạm Đức Dũng về việc chất vấn 'Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng', báo điện tử Một Thế Giới nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc. Sau đây, báo điện tử Một Thế Giới xin trích đăng tiếp ý kiến của độc giả Mật Quang Minh.

Độc giả không đồng tình việc ngăn Tổng thống Obama thắp hương ở chùa Ngọc Hoàng

31/05/2016, 16:16

Sau khi đăng bài phản hồi của độc giả Phạm Đức Dũng về việc chất vấn 'Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng', báo điện tử Một Thế Giới nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc. Sau đây, báo điện tử Một Thế Giới xin trích đăng tiếp ý kiến của độc giả Mật Quang Minh.

Tôi nhất trí với những nhận xét của tác giả Phạm Đức Dũng. Quả thật, nội dung bài viết về những lời giải thích theo tri kiến Phật học khiến những Phật tử như tôi không khỏi giật mình trước những suy nghĩ không đúng theo quan điểm của Phật học và trái với sự tiến bộ của xã hội của Giáo sư Dương Ngọc Dũng.

Thứ nhất, ông Dương Ngọc Dũng đã có những phát biểu cổ súy mê tín, gây ảnh hưởng đến nhận thức và giáo dục bình đẳng giới. Ông Dương Ngọc Dũng nói: “Trước đó, đặc vụ nói nếu Tổng thống muốn thắp nhang thì có được không? Tôi nói: Tổng thống là người theo đạo Tin lành, cho nên việc thắp nhang không tốt sau này cho ông ấy. Nguyên tắc Tin lành không thờ ai ngoài Thiên Chúa” (trích nguyên văn từ bài "Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng kể gì?"). Điều này có nghĩa ông Dũng hiểu rằng niềm tin của người Tin lành chỉ một Chúa Trời, không chấp nhận luận thuyết, giáo lý đạo khác, thì tại sao ông Dũng lại đưa vấn đề cầu tự “Người hiếm muộn thường đến đây cầu xin và họ hay xin con trai vì tâm lý người Việt Nam thích con trai hơn” với ông Obama. Điều này chẳng khác nào rao truyền mê tín, ảnh hưởng đến nhận thức và giáo dục bình đẳng giới mà Nhà nước đang chủ trương vận động tuyên truyền.

Đồng thời, điều này lại cổ súy cho việc bất bình đẳng giới trong khi Luật Bình đẳng giới của Quốc hội khóa 11, kỳ họp thứ 10 số 73/2006/QH11 ngày 29.11.2006 đã nêu rõ trong điều 10 khoản 2 về vấn đề này; lời khẳng định chắc nịch của ông Dũng vô hình trung khiến chùa Ngọc Hoàng về sau sẽ ngày càng “đắt khách” đến cầu tự, đặc biệt là cầu con trai. Chính tư tưởng trọng nam khinh nữ, phân biệt giới tính đã gây bao hệ luỵ không đáng có. Từ chuyện phá thai, vỡ kế hoạch vì quan niệm “nối dõi tông đường” cho đến mất cân bằng giới tính... Hay là ông Dũng học ở nước ngoài lâu quá nên không biết nhà nước luôn chủ trương “Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”?

Thứ hai, giải thích sai về ý nghĩa 3 cây nhang, Ông nói: “Nhang là tượng trưng cho tinh, khí và thần. Phải giữ lửa liên tục như là nguồn sống, do đó, đền chùa thường phải đốt nhang cả ngày…”. Qua lăng kính của ông, đạo Phật đã mang màu sắc huyền hoặc đầy mê tín. Vì sao ở chùa phải “giữ lửa như là nguồn sống?”, phải “đốt nhang cả ngày?”. Đây là sự cổ súy, vận động tiêu thụ nhang, trong khi đó, khói nhang được chứng minh là nguy hại hơn khói thuốc lá.

Như lời phát biểu của ông Dũng, thì người phật tử cũng sẽ duy trì “nguồn sống” như vậy bằng cách thắp nhang cả ngày ở nhà? Thật là mê tín! Hậu quả sẽ ra sao? Người dân sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, ô nhiễm không khí gia tăng, làm suy yếu hệ tim mạch nguy cơ hỏa hoạn tăng… Chúng ta đều biết rằng, đạo Phật không phải là một tôn giáo, mà là một hành trình Giác Ngộ. Mà đã là hành trình Giác Ngộ thì đạo Phật không chối bỏ bất kỳ chúng sanh nào, bởi Phật thuyết “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”. Sự giải thích “huyền bí” mang màu sắc mê tín đã không đúng với giáo lý nhà phật.

Đức Phật Kim Cương Trì III Wan Ko Yeshe Norbu chỉ ra rằng “Trong chân lý của Phật giáo, luật nhân quả không bao giờ có thể chối bỏ được. Nhân quả không thể bị tiêu diệt. Nói nhân quả có thể bị tiêu diệt là quan điểm của thuyết hư vô. Vì vậy, chúng ta có thể xây dựng một bức tường của nghiệp tốt, giống như xây dựng một bức tường bảo vệ. Bức tường của nghiệp tốt này sẽ ngăn chặn chúng ta khỏi những nghiệp xấu.” Trong kinh Pháp Cú Thí Dụ cũng nêu rõ: “Dầu hư không biển cả hay núi đá xa xôi, không nơi nào tránh khỏi Quả ác nghiệp gây rồi. (trích kinh Pháp Cú Thí Dụ, Phẩm ác hạnh thứ 19, trang 178, NXB Tôn giáo, 2010).

Hơn nữa, việc thắp nhang của Tổng thống Obama thuộc về “lễ lạy”, một trong 10 hoạt động tâm linh của nhà Phật. Việc ông Dũng giải thích ý nghĩa của ba cây nhang đã sai lệch quan điểm của Phật học đồng thời nhuốm màu Đạo giáo. Sự giải thích của ông đã trái với giáo lý Phật đà. Cụm từ “tinh, khí, thần” là học thuật của Đạo giáo (gọi là Tiên đạo), chỉ cho đạo sinh tu luyện theo diễn trình bế tinh, giữ khí, sau đó mới đạt thần, là quang sắc, là “biểu trạng của người tu Tiên đạo chứng quả vì hành vi thân, ngữ, tâm liên tục “không dừng nghỉ” mà Đức Phật đã nêu trong kinh Thủ lăng nghiêm. Cần nhấn mạnh rằng trong thuật ngữ đạo Phật không có cụm từ “tinh, khí, thần” mà chỉ phổ biến trong Tiên đạo. Ba nén hương theo quan điểm Phật giáo tượng trưng cho Tam bảo (3 báu vật của đạo Phật) là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Vì vậy cho nên ở chùa thường thắp nhang thường xuyên (không phải liên tục) để tỉnh giác (nhắc nhở) cho mình và chúng sanh về hoạt dụng của đạo Phật là luôn tinh tấn dùng trí tuệ diệt 3 độc nguy hại cho huệ mạng của người tu Phật là tham, sân, si.

Ngoài ra, nên hiểu “cây nhang thứ nhất tượng trưng cho Phật bảo là tượng trưng cho Bồ đề tâm; cây nhang thứ 2 là Pháp bảo tượng trưng cho Trí tuệ tánh không (khởi đầu là chánh kiến); cây nhang thứ 3 là Tăng bảo tượng trưng cho Xả ly (tức là người tu phải ly xuất khỏi 3 nhà lửa “thế sự gia”, “phiền não gia”, “tam giới gia”. Còn hương tinh khiết thực chất là Giới hương, Định hương giữ Huệ hương, giải thoát tri kiến hương mà những Phật tử thành tâm cúng dường lên chư Phật. Thứ ba, ông Dũng giải thích về phái Hoa tông là sai về nội dung vì không có phái Hoa tông...

Nói tóm lại, qua bài báo "Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng kể gì?", tôi xin được mạn phép trao đổi với ông Dương Ngọc Dũng những suy nghĩ của mình theo quan điểm Phật học. Đồng thời chúng ta thấy và hiểu được những lỗi sai cơ bản, sự nhầm lẫn tai hại của người hướng dẫn, dẫn đến hậu quả khiến dư luận hiểu sai lệch chánh pháp Phật đà, đặc biệt là chánh kiến Phật pháp. Bài viết này chỉ muốn làm sáng tỏ hơn những giải thích sai lầm theo quan điểm Phật môn.

Đức Phật thích ca đã từng nói “Bản chất của Phật không phải là thân xác mà chính là sự giác ngộ. Thân xác ta có thể tan rữa ra ở đây, nhưng sự giác ngộ của ta thì sẽ mãi tồn tại vĩnh cửu với pháp và đạo. Chính vì thế, kẻ nào chỉ thấy qua thân xác, chính là kẻ đã không thấy ta; kẻ nào hiểu được lời ta dạy mới chính là đã nhìn thấy ta” (trích “Lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trang 23, NXB Hồng Đức, năm 2012).

Mật Quang Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Độc giả không đồng tình việc ngăn Tổng thống Obama thắp hương ở chùa Ngọc Hoàng