Các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu và chế tạo robot thực hiện các công việc dọn dẹp trong khu vực dễ lây nhiễm, robot đưa cơm, robot chăm sóc...

Cần nghiên cứu, chế tạo robot dọn dẹp nhằm ứng phó COVID-19

18/03/2020, 06:06

Các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu và chế tạo robot thực hiện các công việc dọn dẹp trong khu vực dễ lây nhiễm, robot đưa cơm, robot chăm sóc...

Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc chủ trì cuộc họp - Ảnh: Bộ KH-CN

Trong cuộc họp tham vấn các nhà khoa học chuyên ngành về những giải pháp ứng phó với dịch bệnh COVID-19 do Bộ KH-CN tổ chức, theo GS.TS Nguyễn Văn Kính (nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương), công tác chăm sóc người cách ly cần huy động nguồn nhân lực lớn, công tác khử trùng khử khuẩn hiện tại cũng chủ yếu sử dụng sức người.

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Văn Kính chỉ ra rằng các bác sĩ, y tá đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 phải chịu nhiều áp lực, lo ngại lây nhiễm cho gia đình và cả bản thân họ. Nếu có robot khử khuẩn trong các buồng cách ly, lau rửa bề mặt và hỗ trợ trong quá trình khám chữa bệnh, các y, bác sĩ sẽ được giảm tải.

Tại Việt Nam, công việc này vẫn chủ yếu được thực hiện một cách thủ công bởi các nhân viên y tế. Do đó, rất cần thiết phải phát triển những con robot có khả năng lau rửa bề mặt để giảm áp lực cho hệ thống y tế, đồng thời chống nguy cơ lây nhiễm trong trường hợp tiếp xúc gần với mầm bệnh.

Bên cạnh đó, GS.TS Lê Bách Quang - Ban Chủ nhiệm Chương trình KH-CN trọng điểm Quốc gia về “Ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” cho rằng, cần nghiên cứu và chế tạo robot thực hiện các công việc dọn dẹp trong khu vực dễ lây nhiễm, robot đưa cơm, robot chăm sóc... đồng thời nghiên cứu sản xuất vaccine phục vụ cho điều trị COVID-19.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc, với những trường hợp cấp bách, Bộ KH-CN sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan sớm giải quyết.

Trước đó, ngay khi dịch bùng phát tại Trung Quốc, Bộ KH-CN đã phê duyệt 4 đề tài nghiên cứu nhằm phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Trong đó có nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (còn gọi là bộ Kít) real-time RT-PCR và RT-PCR phát hiện virus corona chủng mới (SARS-CoV-2)” do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện.

Sau 1 tháng, 2 đơn vị đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo được bộ Kít real-time RT-PCR one step phát hiện SARS-CoV-2. Bộ Y tế sau đó có quyết định về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus được cấp số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch COVID-19.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, ngay sau khi Việt Nam sản xuất thành công bộ Kít, Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ KH-CN đã thông báo đến Bộ KH-CN các nước ASEAN. Tính đến nay, theo báo cáo của đơn vị sản xuất, nhiều quốc gia, doanh nghiệp đã đặt vấn đề mua bộ Kít do Việt Nam sản xuất.

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần nghiên cứu, chế tạo robot dọn dẹp nhằm ứng phó COVID-19