Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hiện cả nước có hàng ngàn cơ sở hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô, việc quy định điều kiện đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cần phải cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính phổ quát chung đối với các phương tiện giao thông cơ giới, vừa bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Cân nhắc bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô

Duyên Duyên | 10/11/2016, 11:33

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hiện cả nước có hàng ngàn cơ sở hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô, việc quy định điều kiện đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cần phải cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính phổ quát chung đối với các phương tiện giao thông cơ giới, vừa bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa có Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư vầ Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý trong báo cáo này là ý kiến của Ủy ban Kinh tế đối với việc loại bỏ hay không loại bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô và việc bổ sung ngành, nghề Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Cân nhắc bỏ nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô

Cụ thể, đối với ngành, nghề Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, có ý kiến cho rằng không cần thiết quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề này vì dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô thực chất là vấn đề chăm sóc khách hàng được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự (từ Điều 446 đến Điều 449).

Bên cạnh đó, việc bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô được điều tiết bởi nhu cầu, xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng và yêu cầu cạnh tranh trên thị trường.

Định kỳ các loại xe ô tô đều phải được kiểm tra tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật mới đủ điều kiện tham gia giao thông.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, có ý kiến cho rằng ô tô là sản phẩm có khả năng gây mất an toàn cao, vì vậy, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cần phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt để đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời cũng hạn chế tác động có hại từ các cơ sở cung cấp dịch vụ này tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.

"Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hiện cả nước có hàng ngàn cơ sở hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô, việc quy định điều kiện đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cần phải cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính phổ quát chung đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt, vừa bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh", báo cáo của Ủy ban Kinh tế nhận định.

Bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực ô tô, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng đề cập đến việc về việc bổ sung ngành, nghề Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô.

Theo đó, đơn vị này cho rằng, hiện nay vẫn còn một số ý kiến khác nhau đối với việc bổ dung ngành nghề này vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với các định hướng cụ thể là “nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu; đồng thời, hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Cùng với đó là “bảo đảm nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư”.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất lắp ráp và phân phối ô tô trong nước thời gian qua phải đáp ứng nhiều điều kiện theo quy định của Bộ Công Thương về tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.

Tại Thông tư 20/2011/TT-BCT ngày 12.5.2011 của Bộ Công Thương cũng quy định nhập khẩu xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống.

Tuy nhiên, theo quy định tại Phụ lục 4 Luật đầu tư, Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Việc thay đổi chính sách đối với sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô sau khi Luật đầu tư có hiệu lực đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, làm mất niềm tin đối với các nhà đầu tư, ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là việc bảo hành, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.

Do vậy, việc bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là cần thiết để phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng nêu trên, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng.

Loại ý kiến thứ hai là đề nghị cần làm rõ việc bổ sung điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp hay yêu cầu quản lý nhà nước và có đảm bảo tính bình đẳng, phổ quát của pháp luật không.

Hiện nay, việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu các phương tiện giao thông như mô tô, xe máy, đầu máy, toa xe tàu hỏa, tàu điện, cáp treo đều không quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; việc bảo đảm an toàn cho người sử dụng được thực hiện thông qua công tác đăng kiểm định kỳ.

Đối với ô tô khi đưa vào sử dụng cũng phải thực hiện việc đăng kiểm định kỳ để bảo đảm an toàn cho người sử dụng; đồng thời có quy định chặt chẽ về niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người.

Ngoài ra quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô quy định các yêu cầu để kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu được định nghĩa tại TCVN 6211 “Phương tiện giao thông đường bộ - Kiểu - Thuật ngữ và định nghĩa” và TCVN 7271 “Phương tiện giao thông đường bộ - Ô tô - Phân loại theo mục đích sử dụng”.

Mặt khác, nếu coi nhập khẩu ô tô là ngành, nghề cần hạn chế kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng thì tại sao không hạn chế việc nhập khẩu xe máy và các phương tiện giao thông khác.

Do đó, loại ý kiến thứ hai đã đề nghị cân nhắc việc bổ sung Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

"Ủy ban Kinh tế tán thành với việc bổ sung ngành, nghề Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện", báo cáo của Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
13 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cân nhắc bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô