Bộ Công Thương cần phải có giải pháp để tăng tỉ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Cần phải tăng tỉ lệ hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Tuyết Nhung | 09/01/2022, 19:00

Bộ Công Thương cần phải có giải pháp để tăng tỉ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương có giải pháp căn cơ, toàn diện để tăng tỉ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đó là yêu cầu của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công Thương diễn ra ngày hôm nay (9.1). 

pho-thu-tuong(1).png
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công Thương - Ảnh: VGP

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỉ USD, tăng gần 23% so với năm trước, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trong đó, xuất khẩu tăng trên 19%, duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư khoảng 4 tỉ USD.

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, mặc dù xuất khẩu tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây. Tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm như rau quả còn chậm, chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, chưa tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Một số nông sản quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc kéo dài tại cửa khẩu.

Trước những khó khăn còn tồn tại của ngành, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã thẳng thắn chỉ ra vấn đề quản lý thương mại biên giới còn một số bất cập. Nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu bằng hình thức tiểu ngạch, rủi ro lớn cho người sản xuất. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả còn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí giải thể, phá sản, ảnh hưởng tới việc làm, đời sống của người lao động.

Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần phải đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống; giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc như thời gian vừa qua. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành địa phương có giải pháp căn cơ, toàn diện để tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Dự báo diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có biến động khó lường. Vì vậy, ngành Công Thương cần bám sát diễn biến thị trường, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài. Đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các FTA mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Về Quy hoạch điện VIII, Phó thủ tướng nhấn mạnh, đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi cả về chất lượng và tiến độ, ngành Công Thương cần tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thời gian tới. Bởi sau nhiều lần rà soát lại quy hoạch thì thấy có nhiều vấn đề còn bất cập như phân bổ nguồn điện chưa hợp lý, dẫn tới vốn đầu tư cho hệ thống truyền tải điện rất lớn. Trên cơ sở rà soát lại, đã cắt giảm đi 13 tỉ USD đầu tư cho đường dây.

Phó thủ tướng yêu cầu, trong Quy hoạch điện VIII cần tiếp tục khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, giảm điện than. Trong năng lượng tái tạo, sẽ phát triển điện mặt trời ở một tỷ lệ phù hợp hơn.

Bộ Công Thương là bộ đa ngành, quản lý nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, từ khâu sản xuất, lưu thông đến phân phối, bao gồm cả xuất nhập khẩu. Nhiều chuỗi sản xuất bị đứt gãy, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống bị đóng cửa; nhiều loại hình giao thông, cửa khẩu tạm dừng hoạt động,...

Vì vậy, Phó thủ tướng đề nghị cơ quan này cần tiếp tục tập trung phát triển thương mại nội địa, mở rộng hệ thống phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối… nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử gắn với thương mại truyền thống để khai thác hiệu quả sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng chuyển đổi số.

"Đặc biệt, ngành Công Thương cần tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật để có giải pháp điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Bài liên quan
Bốn nhóm hàng xuất khẩu “tỉ đô” đầu tiên của Việt Nam trong năm 2016
Có 2 mặt hàng trong tháng đầu tiên đã xuất khẩu hơn 2 tỉ USD là điện thoại các loại và linh kiện cùng hàng dệt may. Hai nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần phải tăng tỉ lệ hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc