Gần Tết là thời điểm hoạt động mua sắm, chi tiêu của người dân tăng đột biến. Đây cũng là thời điểm các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp. Mấy ngày qua, một số ngân hàng đã ghi nhận nhiều kịch bản lừa đảo mới nhằm đánh cắp thông tin tài khoản giao dịch trực tuyến, lừa tiền của khách hàng.
Thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản lấy tên các ngân hàng trong nước để mời chào khách mua hồ sơ vay vốn giải ngân trong ngày. Nếu khách hàng giao dịch sẽ phải cung cấp một số thông tin cá nhân để làm hồ sơ và trả phí.
TPBank vừa cho biết trên mạng xã hội xuất hiện một Facebook đang xuất hiện tên tài khoản “TPBank - Bán Hồ Sơ Vay Vốn Giải Ngân Trong Ngày”, thông báo bán hồ sơ giải ngân duyệt sẵn có thu phí của TPBank.
Tuy nhiên, ngân hàng này khẳng định tài khoản Facebook này không thuộc quản lý của ngân hàng và không thể đại diện để tư vấn cho khách về các sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng cung cấp.
Hay nhiều đối tượng lợi dụng những hình ảnh hội thảo, biển tên cán bộ giả mạo và các hoạt động chung của ngân hàng BIDV gửi cho Khách hàng qua Zalo, Facebook… để giả danh là cán bộ BIDV. Khi Khách hàng đã tin tưởng, đối tượng hứa hẹn có thể cho khách hàng vay vốn với khoản vay không lớn (dưới 100 triệu đồng) và yêu cầu Khách hàng nộp khoản tiền là “phí bảo hiểm rủi ro” từ 1-2 triệu đồng với mục đích lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên. Ngay sau khi nhận được số tiền trên, khách hàng không thể liên lạc với đối tượng giả mạo này nữa.
Với khách hàng đang sử dụng ví điện tử (Zalo, MoMo, Payoo...), những kẻ lừa đảo sẽ mạo danh là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ để liên hệ với khách hàng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng dịch vụ. Sau đó, đối tượng sẽ lừa khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử như là một bước yêu cầu để khắc phục lỗi dịch vụ.
Còn đối với khách hàng có nhu cầu vay tín dụng trực tuyến, đối tượng giả mạo là người cho vay trực tuyến để lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn và yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ và thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử.
Mới đây, một khách hàng của VPBank cũng đã bị lừa đảo khi nhận được một thông báo trúng thưởng sổ tiết kiệm. Khi vị khách này truy cập vào đường link trong tin nhắn, website hiện ra có giao diện, màu sắc, logo, phông chữ… giống hệt website của ngân hàng đang sử dụng.
Sau khi bị lộ thông tin tài khoản, đối tượng đã chiếm quyền sở hữu tài khoản ngân hàng của khách. Chỉ trong vòng 2 phút, đối tượng đã thực hiện 16 giao dịch, lấy cắp hơn 11 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng của khách hàng. Bên cạnh đó còn gán cho khách hàng này hai khoản vay với tổng giá trị 450 triệu đồng.
Trước thực trạng trên, để bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần thực hiện 5 nguyên tắc bảo mật bắt buộc: Thứ nhất là, giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng điện tử, bao gồm mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email cá nhân cho bất cứ ai và bằng bất cứ hình thức nào (nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp...).
Thứ hai là, xác thực người đề nghị bạn thực hiện giao dịch tài chính. Đối tượng gian lận có thể giả mạo danh tính của người khách hàng quen biết thông qua mạng xã hội cũng như các kênh liên lạc khác như email, điện thoại, thư giấy, SMS... để lừa đảo, gợi ý quý khách cho vay/chuyển tiền tới tài khoản của tin tặc.
Thứ ba là, kiểm tra thông tin được sử dụng để thực hiện giao dịch. Khách hàng chỉ nên thực hiện giao dịch tại website uy tín, có độ bảo mật cao và kiểm tra kỹ tên miền website trước khi gõ các thông tin bảo mật (đối tượng gian lận có thể chuyển hướng khách hàng đến các website lừa đảo). Thứ tư là, đăng xuất khỏi tài khoản ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch.
Tuyết Nhung