Cát đá ngổn ngang bên đường đi, những đoạn bờ sông chờ chực sạt lở, những dàn sắt thép rỉ sét là trình trạng đang xảy ra ở ven rạch Cái Sơn.

Cần Thơ: Rạch Cái Sơn ‘hoang tàn’ do dự án kè bờ sông chậm tiến độ

Nguyên Việt | 01/03/2021, 18:02

Cát đá ngổn ngang bên đường đi, những đoạn bờ sông chờ chực sạt lở, những dàn sắt thép rỉ sét là trình trạng đang xảy ra ở ven rạch Cái Sơn.

Nguy cơ ảnh hưởng chất lượng công trình

Dự án Kè chống sạt lở, chống xâm ngập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn do Chi cục Thủy lợi TP.Cần Thơ làm chủ đầu tư. Đoạn kè bờ trái (tính từ đầu rạch, giáp với sông Cần Thơ) từ cầu Cái Sơn cũ (P.An Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) kéo dài về hướng P.Long Tuyền, Q.Bình Thủy thuộc gói thầu xây lắp số 1 đang được thi công rất ì ạch. Mỗi ngày chỉ một vài nhóm công nhân nhỏ làm việc khiến dự án như dậm chân tại chỗ.

a5-nhung-doan-duong-cho-chuc-sat-lo.jpg
Một số đoạn đường cặp rạch Cái Sơn rất nguy hiểm - Ảnh: Nguyên Việt

Ghi nhận của PV trên bờ kè này, chỉ một số đoạn nhỏ xây xong, những phần còn lại là cốt sắt phơi mưa nắng đã rỉ sét hàng loạt. Rất nhiều chứ không phải chỉ vài chỗ! Một số ống cống chỉ mới được đặt xuống, chưa đấu nối xong khiến rác tập trung, ùn ứ gây mất vệ sinh. Có những nơi đá, cát đổ chỉ chừa lối đi nhỏ… Đoạn này do Công ty cổ phần IEe thi công.

a2-mot-doan-cong-dang-xay-dung-do-dang.jpg
Cốt sắt bị rỉ sét sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của công trình, thậm chí xảy ra sự cố - Ảnh: Nguyên Việt

Một kỹ sư đang sinh sống và làm việc ở Kiên Giang cho biết cốt sắt thép có vai trò rất quan trọng trong những công trình kè bờ sông. Cốt sắt phải đảm bảo chất lượng thì mới tạo sự liên kết vững mạnh cho khối bê tông. Trường hợp để cốt sắt lâu ngày bị rỉ sét thì khi thi công lại phải kiểm tra xem còn đạt tiêu chuẩn hay không, cần thiết thì phải thay.

Nếu cốt sắt rỉ sét nhưng còn sử dụng được thì cần làm sạch phần rỉ sét bao quanh rồi mới thi công. Với những công trình bờ kè sông - biển thường xuyên chịu tác động mạnh của sóng thì càng cần sự đảm bảo về chất lượng của cốt sắt. Tại dự án này, những thanh sắt rỉ sét vẫn được cột lại làm khung để chờ đổ kè, chắc chắn không có chuyện ai đó sẽ đánh sạch phần rỉ.

a1-nhung-cot-sat-da-ri-set.jpg
Những đoạn cốt sắt đã rỉ sét vì phơi nắng, mưa nhiều tháng qua - Ảnh: Nguyên Việt

Theo người dân nơi đây, dự án thi công đến nay đã hơn 1 năm nhưng tiến độ thi công rất chậm. Dọc bờ rạch, một đoạn kè đang làm dở dang, từ mé đường ra bờ kè tạo thành một đoạn hố sâu như những cái bẫy người đi đường. Ông Huỳnh Văn Tư, một hộ dân sống bên rạch Cái Sơn nói: “Dân ở đây khổ với con rạch này lắm, tới mùa nước chỉ có bơi xuồng mà đi. Chả ai nghĩ sẽ có ngày làm được bờ kè hoành tráng như vậy, nhưng tiến độ làm chậm quá”.

Một người dân khác nhà ở ở khu vực 6, P.An Bình cho hay gia đình ông và con cái có 4 căn nhà liên tiếp cặp rạch Cái Sơn. Ông mới nhận được tiền bồi hoàn công trình kiến trúc mấy tháng qua, còn tiền bồi thường đất vẫn chưa nhận được. “Con cái, người nhà của tôi thì chưa nhận được gì cả. Tiền bồi thường còn chưa có thì nền tái định cư chắc còn lâu nữa. Dự án này làm rất chậm, không biết đến bao giờ mới xong”, ông nói.

a3-nhung-doan-duong-ngon-ngang-gach-da.jpg
Những đoạn đường ngổn ngang cát, đá - Ảnh: Nguyên Việt

Ở bên bờ đối diện, nhiều đoạn đất gần như sụt lún sát mé nhà dân được rào lại tạm bợ. Những con đường mòn được dân mở để đi tạm lởm chởm gạch đá khiến việc đi lại ở đây hết sức khó khăn. Cuộc sống của nhiều hộ dân chờ giải tỏa đang rất nguy hiểm, tiến độ thi công dự án này cần đẩy mạnh hơn nữa.

156249244_1172199913224359_8577420639628372666_n.jpg
Hiện trường vụ sạt lở sát chân cầu Cái Sơn mới vào tháng 4.2020, đoạn do Công ty Phú Tài thi công - Ảnh: CTV

Còn đoạn kè từ cầu Cái Sơn mới (đường Nguyễn Văn Cừ) hướng về P.Long Tuyền, Q.Bình Thủy cũng thuộc dự án này, khi thi công từng xảy ra vụ sạt lở vào tháng 4.2020. Điều nguy hiểm là điểm sạt lở này sát chân cầu Cái Sơn mới, đối diện Bệnh viện Nhi Đồng TP.Cần Thơ. Gói thầu này do Công ty Phú Tài thi công. May mà vụ sạt lở không gây thiệt hại về người…

154347030_431751158101666_741919589800650233_n.jpg
Năm căn nhà ở đầu rạch Cái Sơn bị sụp xuống sông tháng 6.2020. Đến nay những người sống trong 5 căn nhà này phải lang thang thuê nhà trọ để sống - Ảnh: CTV

Ở đầu rạch Cái Sơn (ngang chợ nổi Cái Răng), vào ngày 23.6.2020 cũng xảy ra vụ sạt lở khiến 5 căn nhà trôi sông. Nhà mất, nhưng đến nay 5 hộ dân vẫn phải thuê nhà ở tạm, sống lang thang ngay giữa quận trung tâm TP không biết đến khi nào. Tiền đền bù (đoạn này thuộc dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu do Ban Quản lý dự án TP.Cần Thơ làm chủ đầu tư) đã được trả gần hết (chỉ còn tổng cộng hơn 250 triệu đồng) nhưng nền tái định cư cho 5 hộ thì chưa thấy cấp nào nhắc đến. Mới ngày 26.2 vừa qua, tại khu vực thi công dự án lại xảy ra vụ sạt lở dài 27 mét, sâu 6 mét khiến 5 căn nhà nữa bị ảnh hưởng, 3 căn phải di dời…

Không thể đẩy mạnh thi công do... bàn giao mặt bằng chậm?

Chủ đầu tư dự án Kè chống sạt lở, chống xâm ngập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn đã giải thích như vậy. Theo chủ đầu tư, việc chậm tiến độ do công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Người dân chưa di dời để bàn giao mặt bằng cho dự án để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, chủ đầu tư không hề nhắc đến năng lực các nhà thầu và chất lượng công trình!

a4-mieng-cong-un-u-rac.jpg
Miệng cống ùn ứ rác thải do thi công quá chậm - Ảnh: Nguyên Việt

Theo báo cáo của chủ đầu tư, tổng mức đầu tư của toàn dự án là hơn 810 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư hơn 235 tỉ đồng. Nguồn vốn ODA do Cơ quan Phát triển Pháp tài trợ và vốn đối ứng ngân sách địa phương (hơn 341 tỉ đồng). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 đến 5.9.2021.

Tuy nhiên với tiến độ thi công như hiện tại, dự án này khó hoàn thành trong 6 tháng tới. Do đó, UBND TP.Cần Thơ có tờ trình HĐND TP chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án về tổng mức đầu tư và thời gian dự án đến năm 2023.

a6-nguoi-dan-phai-di-qua-nhung-doan-duong-tu-phat-nguy-hiem.jpg
Người dân phải đi trên những con đường tự phát như thế này để về nhà - Ảnh: Nguyên Việt

Tại dự án này, có 539 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó đã phê duyệt 512 trường hợp với giá trị bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 329 tỉ đồng. Còn lại 27 trường hợp chưa được phê duyệt với giá trị hơn 100 tỉ đồng. Hiện chủ đầu tư đã chi trả 396/512 trường hợp, tương đương với số tiền hơn 230 tỉ đồng. Còn lại 116 trường hợp chưa nhận bồi thường với số tiền hơn 98 tỉ đồng.

Theo chủ đầu tư, công tác bố trí tái định cư đang gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng các khu tái định cư chưa hoàn thành. Hiện vẫn chưa thể chi trả tiếp kinh phí bồi thường và chưa phê duyệt, chi trả tiếp chi phí tạm cư cho các trường hợp còn lại do chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư và tổng mức đầu tư dự án.

anh-7-1.jpg
Những đoạn kè đang được thi công như cái bẫy đối với người đi đường, nhất là vào ban đêm - Ảnh: Nguyên Việt

Về công tác thi công xây dựng, dự án này có 4 gói thầu xây lắp với giá trị 509 tỉ đồng. Đến nay, dự án mới được bàn giao mặt bằng được hơn 60% và giá trị giải ngân thanh toán cho 4 gói thầu là hơn 251 tỉ đồng (49,3%). Tuy nhiên, tổng giá trị thực hiện của các gói thầu này mới chỉ đạt 140 tỉ đồng/509 tỉ đồng (27,5%).

Mới đây, trong chuyến kiểm tra một số dự trọng điểm của TP.Cần Thơ, trong đó có dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu, Kè chống sạt lở, chống xâm ngập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn, ông Nguyễn Văn Hồng – Phó chủ tịch UBND TP đã có ý kiến. Theo ông Hồng, việc triển khai dự án còn một số khó khăn do phải điều chỉnh và việc điều chỉnh đều cần thông qua Chính phủ, các bộ ngành trung ương phê duyệt.

anh.jpg-sat-lo.jpg
Các dự án kè thi công ì ạch, và sạt lở vẫn tiếp diễn - Ảnh: Nguyên Việt

Bên cạnh đó, việc bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm. Hiện UBND TP.Cần Thơ đang chỉ đạo chủ đầu tư cùng các sở ngành liên hệ với các cơ quan chức năng để thực hiện việc điều chỉnh 3 dự án này trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, TP cũng chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất của các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần Thơ: Rạch Cái Sơn ‘hoang tàn’ do dự án kè bờ sông chậm tiến độ