Chiều 15.9, UBND TP.Cần Thơ khai mạc diễn đàn kinh tế thường niên năm 2023 với chủ đề: “Vai trò và giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL”.

Cần Thơ tổ chức diễn đàn kinh tế thường niên năm 2023

Văn Kim Khanh | 15/09/2023, 18:00

Chiều 15.9, UBND TP.Cần Thơ khai mạc diễn đàn kinh tế thường niên năm 2023 với chủ đề: “Vai trò và giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL”.

kt-7.jpg
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu khai mạc diễn đàn - Ảnh: BH

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết: “Nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng và cơ chế chính sách từ Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, UBND TP.Cần Thơ đã tổ chức thực hiện Diễn đàn kinh tế thường niên thành phố Cần Thơ năm 2023. Diễn đàn lần này được mở rộng quy mô là vùng ĐBSCL.

Là một trong 7 vùng kinh tế của Việt Nam, vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội. ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong giao thương với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tiểu vùng sông Mekong. Vùng có diện tích tự nhiên 39.734km2, chiếm 12,2% diện tích cả nước; dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước”.

dd5.jpg
ĐBSCL là vựa lúa của cả nước - Ảnh: Văn Kim Khanh

Theo ông Trường, ĐBSCL có quy mô kinh tế ngày càng mở rộng là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp và hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Những con số nêu trên đã khẳng định mạnh mẽ vai trò và sự đóng góp rất lớn về mặt kinh tế của vùng ĐBSCL cho kinh tế cả nước. Do đó, ĐBSCL nói chung và TP.Cần Thơ nói riêng cần tiếp tục khai thác, phát huy tốt hơn những tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển, đặc biệt là ngành nông nghiệp.

dd6.jpg
ĐBSCL là vùng sản xuất trái cây chính của cả nước - Ảnh: Mỹ Tho

Tuy thế mạnh của vùng là như thế nhưng nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi phát triển phân tán, quy mô nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp. Nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước. Chất lượng nguồn nhân lực, nguồn lao động chưa tương xứng với vị thế vai trò vùng. Hạ tầng giao thông nội và liên vùng vẫn thiếu và yếu (đường thủy, đường bộ); giao thông kết nối yếu kém dẫn đến tăng chi phí vận chuyển trong các chuỗi giá trị sản xuất, làm giảm sức cạnh tranh; khoa học kỹ thuật và công nghệ cũng còn rất hạn chế; biến đổi khí hậu vẫn còn tác động đến toàn vùng.

dd3.jpg
Biến đổi khí hậu vẫn còn tác động đến toàn vùng ĐBSCL - Ảnh: Văn Kim Khanh

Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ, được Quốc hội thông qua ngày 11.1.2022, trong đó quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP.Cần Thơ.

Trung tâm được xây dựng với định hướng chiến lược trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, với vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng ĐBSCL. Việc hình thành trung tâm tại TP.Cần Thơ với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”, có vai trò gắn kết 3 nhà: Nhà nông - Nhà sản xuất - Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

dd-4.jpg
Cần Thơ sẽ là trung tâm chế biến, xuất khẩu nông sản lớn trong tương lai - Ảnh: Internet

Ngày 7.7.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 816/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo kế hoạch này việc phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực giai đoạn đến năm 2025, tập trung phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại khu vực có điều kiện thuận lợi về hạ tầng và nguồn nước.

Trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP.Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang để bổ trợ cho TP.Cần Thơ về thực hiện vai trò là trung tâm logistics của vùng. Xây dựng 7 trung tâm đầu mối có chức năng chính về thu gom, phân loại, chế biến nông sản bao gồm: 2 trung tâm đầu mối ở An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng sinh thái nước ngọt (thủy sản, trái cây, lúa gạo); 3 trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng (thủy sản) và 2 trung tâm đầu mối ở Tiền Giang, Bến Tre (trái cây, rau màu).

kt-3.jpg
Diễn đàn kinh tế thường niên năm 2023 - Ảnh: BH

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội TP.Cần Thơ cho biết, qua diễn đàn, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ, thảo luận kinh nghiệm từ các dự án triển khai thành công, hiến kế giải pháp khả thi, biện pháp tổ chức triển khai từ các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ban ngành, viện, trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư để làm kinh nghiệm cho TP.Cần Thơ trong việc triển khai có hiệu quả các chương trình trọng điểm, đặc biệt là trong quá trình hình thành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP.Cần Thơ.

Trong đó, dành nhiều thời gian để đánh giá về thực trạng và vai trò liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL; cũng như tìm giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, phát huy vai trò của trung tâm liên kết khi đi vào thực tiễn tại TP.Cần Thơ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
6 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần Thơ tổ chức diễn đàn kinh tế thường niên năm 2023