Vào ngày 14.4, chính phủ Canada đã công bố một dự luật cho phép bác sĩ nước này giúp công dân có “cái chết nhân đạo”.

Canada hợp pháp hóa 'cái chết nhân đạo'

15/04/2016, 12:14

Vào ngày 14.4, chính phủ Canada đã công bố một dự luật cho phép bác sĩ nước này giúp công dân có “cái chết nhân đạo”.

Tuy nhiên, dự luật này không áp dụng đối với người nước ngoài muốn đến Canada để tự sát. Chính phủ Canada cho biết, dự luật này là để giúp “những người đang phải chịu đựng đau khổ và cái chết là cách giải thoát duy nhất cho họ”.

Theo luật mới, những người yêu cầu được ban “cái chết nhân đạo” phải là công dân thành niên trên 18 tuổi, tâm thần bình thường, mắc phải bệnh nghiêm trọng hoặc di tật không thể chữa khỏi.

Dự luật mới này sẽ còn phải đưa lên cho Quốc hội Canada xem xét, nhưng với việc Đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau chiếm đa số ghế thì dự kiến dự luật sẽ sớm được thông qua và đưa vào áp dụng.

Việc ban “cái chết nhân đạo” từ lâu đã được hợp pháp hóa tại nhiều quốc gia như Thụy Sĩ, Đức, Albania, Colombia và Nhật. Ngoài ra, một số tiểu bang của Mỹ như California, Washington, Oregon, Vermont, New Mexico cũng đã cho phép bác sĩ giúp bệnh nhân “chết êm ái”.

Bang Origon là bang đầu tiên của Mỹ cho phép bác sĩ dùng thuốc kết thúc cuộc sống bệnh nhân nếu họ yêu cầu. Người bệnh chỉ cần chứng minh mình là người sống tại tiểu bang này bằng giấy tờ tùy thân như bằng lái xe, thẻ cử tri là có thể yêu cầu được ban “cái chết êm ái”. Tại California, luật về “cái chết nhân đạo” cũng đã được thông qua và sẽ có hiệu lực vào tháng 5 này.

Không như Canada, luật “cái chết nhân đạo” của Đức áp dụng cho cả công dân Đức lẫn người nước ngoài; luật của Thụy Sĩ cũng tương tự khi không yêu cầu người muốn “chết êm ái” chứng minh mình là công dân hay người đang sinh sống tại nước này.

Tương tự, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg cũng đã ban hành nhiều quy định nghiêm ngặt về việc cho phép bác sĩ ban “cái chết nhân đạo” cho những bệnh nhân đã hết hy vọng cứu chữa và đang phải chịu đựng đau đớn.

Tại Canada, việc tư vấn, trợ giúp hoặc tiếp tay cho một vụ tự tử bị xem là hành vi phạm tội có thể bị lĩnh án 14 năm tù. Nhưng vào năm ngoái, Tòa án tối cao Canada đã tuyên bố việc không cho phép một người được quyết định cái chết của mình là tước đi quyền tự chủ và nhân phẩm của người đó.

Sau tuyên bố của Tòa tối cao, Quebec, bang lớn thứ hai Canada, đã thông qua một đạo luật về “cái chết nhân đạo”. Đạo luật sau đó đã được mở rộng sang các bang khác của Canada.

Theo dự luật mới của chính phủ Canada, để có thể nhờ bác sĩ giúp cho “chết êm ái”, người bệnh phải viết một đơn yêu cầu. Trong trường hợp người bệnh không tự viết được thì có thể nhờ cha mẹ hoặc một người được chỉ định. Ngoài ra, lúc viết đơn phải có sự chứng kiến của hai người đóng vai trò là bên thứ ba, và hai người này cũng sẽ phải kí tên xác nhận trong đơn.

Sau đó, đơn này sẽ được xem xét bởi hai nhân viên y tế độc lập. Trong vòng 15 ngày, hai nhân viên này sẽ đưa ra quyết định có nên ban “cái chết nhân đạo” hay không.

Theo đánh giá của bà Jody Wilson-Raybould, Bộ trưởng tư pháp Canada, dự luật mới đảm bảo cho những người đang phải chịu đựng đau đớn lựa chọn cái chết để giải thoát cho mình.

Bà Jane Philpott, Bộ trưởng y tế, cũng cho biết trong thời gian làm bác sĩ bà đã phải chứng kiến sự đau đớn của bệnh nhân và nghe được nguyện vọng muốn kết thúc sự sống từ họ.

“Dự luật này sẽ có tác động đáng kể đến đời sống của người dân Canada. Tôn trọng sự lựa chọn của người dân là một điều quan trọng”, Thủ tướng Trudeau cho biết.

Cẩm Bình (theo NBC)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Canada hợp pháp hóa 'cái chết nhân đạo'