Trong mắt các phương tiện truyền thông phương Tây, Nga và Trung Quốc luôn đứng cùng một phe chống lại phương Tây, nhưng sự thật lại không phải như vậy.

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng sang Trung Á sẽ làm phật lòng Nga

13/04/2016, 16:23

Trong mắt các phương tiện truyền thông phương Tây, Nga và Trung Quốc luôn đứng cùng một phe chống lại phương Tây, nhưng sự thật lại không phải như vậy.

Trong nhiều cuộc xung đột quốc tế, hai nước này luôn cùng nhau chống lại Mỹ và các đồng minh Châu Âu của Mỹ. Đây là một sự thật không thể chối cãi, nhưng trong mối quan hệ Nga - Trung vẫn tồn tại sự ngờ vực, cạnh tranh lẫn nhau và sự cạnh tranh này đang có nguy cơ nổi lên khi Trung Quốc đưa ra dự án thành lập một liên minh chống khủng bố ở Trung Á, không có Nga.

Trong nhiều thế kỷ, khu vực Trung Á luôn là nơi tiềm ẩn nhiều mối đe dọa an ninh đối với cả hai cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia luôn chịu sự tấn công từ các bộ tộc Trung Á.

Đến giữa thế kỉ 18, Nga và Trung đều cố gắng kiểm soát khu vực này để có thể đảm bảo an ninh cho nội địa nước mình. Sự cố gắng của hai nước đã được đền đáp bằng việc Nga đã kiểm soát được vùng Siberia, còn nhà Thanh của Trung Quốc thì có được khu Tân Cương.

Mặc dù việc kiểm soát được khu vực này giúp Nga - Trung giảm được các mối đe dọa an ninh đến từ những bộ tộc Trung Á, nhưng đồng thời lại sinh ra một mối đe dọa mới kéo dài cho đến ngày nay cho cả hai cường quốc. Đó là mối đe dọa đến từ việc phải cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực Trung Á.

Và trong khoảng thời gian sau, với sức mạnh vượt trội hơn Trung Quốc, Nga đã trở thành thế lực chi phối khu vực này, mở rộng tầm ảnh hưởng đối với các nước cộng hòa Trung Á, thậm chí là cả Mông Cổ (vào thời kì Liên bang Xô Viết). Tuy nhiên hiện nay tình thế đã thay đổi với sự trỗi dậy của Trung Quốc, điều này đã khiến Moscow phải lo lắng.

Với “chính sách ngoại giao nước lớn”, Trung Quốc đã đề xuất thành lập liên minh chống khủng bố ở Trung Á. Nếu đề xuất thành hiện thực, liên minh này sẽ giúp Trung Quốc chia sẻ thông tin tình báo và phối hợp quân sự với các nước Trung Á. Hiện tại đã có Pakistan, Afghanistan và Tajikistan ngỏ ý muốn tham gia, Trung Quốc cũng đang tích cực mời gọi các nước khác trong khu vực.

Bên cạnh đề xuất thành lập Liên minh chống khủng bố, chiến lược “Một vành đai, một con đường” cũng đang được Trung Quốc thực hiện. Theo chiến lược này, Trung Quốc sẽ hỗ trợ các nước Trung Á xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để nối liền Trung Quốc với Châu Âu.

Điều đáng nói là trong cả hai chính sách này của Trung Quốc đều không có Nga, trong khi trong 15 năm nay, Nga - Trung đã luôn đồng hành trong một tổ chức an ninh liên chính phủ ở Trung Á - Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - cũng có mục đích hoạt động tương tự như ý tưởng thành lập Liên minh chống khủng bố Trung Á. Có vẻ như Trung Quốc đang muốn có một tổ chức hợp tác an ninh mới mà không cần sự tham gia của Nga.

Việc những nhóm Hồi giáo có thể tiến hành các hoạt động khủng bố là một vấn đề nghiêm trọng của khu vực này, cũng là cái cớ tốt cho Trung Quốc thực hiện việc mở rộng ảnh hưởng. Gần 25 triệu người Trung Á sống ở Nga và Trung Quốc đều không thể hoàn toàn hòa nhập vào xã hội nơi mình đang sống, do đó đã hình thành nên một số nhóm nhỏ mang nỗi oán hận và có mối quan hệ căng thẳng với đất nước của họ.

Việc người Duy Ngô Nhĩ đã nhiều lần cố gắng tập hợp và gây ra bạo động khiến chính quyền Trung Quốc phải duy trì một lực lượng an ninh lớn tại Tân Cương là một ví dụ tiêu biểu. Ý tưởng thành lập một liên minh chống khủng bố ở Trung Á có lẽ chính là sự mở rộng từ việc ngăn chận bạo động ở Tân Cương.

Một “nhân tố X” quan trọng trong cuộc cạnh tranh Trung - Nga chính là Mỹ. Với gần 15 năm tiến hành các hoạt động quân sự tại Afghanistan, Mỹ có nhiều kinh nghiệm cũng như lợi ích trực tiếp đối với an ninh khu vực. Mỹ có thể chọn hỗ trợ các nỗ lực của Trung Quốc hoặc hợp tác với Nga, tùy vào việc Mỹ nhận định sự hiện diện của ai trong khu vực đáng tin tưởng hơn.

Cuối cùng, Liên minh chống khủng bố Trung Á của Trung Quốc chỉ mới là một đề xuất. Nga, Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ cần đến nhau nhiều như sự không tin tưởng nhau giữa 3 nước và vì lý do này, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, 3 cường quốc sẽ lựa chọn tránh đối đầu nhau.

Cẩm Bình (theo Reuters)

Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng sang Trung Á sẽ làm phật lòng Nga