Đài Channel News Asia đưa tin số chuyến hàng vận chuyển chậm trễ tại Singapore tăng hơn gấp đôi trong vài tuần gần đây. Giới quan sát lo ngại tình trạng hiện tại sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng.
Nguyên nhân gây ra chậm trễ là thiếu tàu container và cảng ùn tắc, đem lại nguy cơ khủng hoảng chuỗi cung ứng. Đơn vị điều hành cảng PSA Singapore cho biết đang phối hợp với các hãng tàu, liên lạc trước với tàu hàng nhằm lấy thông tin về thời gian đến lẫn khối lượng hàng đồng thời tăng công suất tiếp nhận, áp dụng công nghệ thông minh cố gắng giải quyết ùn tắc.
Tắc nghẽn tại Singapore xuất phát nhiều yếu tố, từ xu hướng thay đổi tuyến vận chuyển khi Biển Đỏ bất ổn đến làn sóng gấp rút vận chuyển hàng trước lúc thuế suất mới mà Mỹ áp đặt với hàng Trung Quốc có hiệu lực.
Ngày 14.5, Mỹ thông báo tăng thuế đối với 18 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thuế suất mới áp dụng cho nhôm và thép, sản phẩm bán dẫn, xe điện, pin, khoáng sản quan trọng, tấm pin mặt trời, cần cẩu, dược phẩm. Mức thuế 100% với xe điện, 50% với tấm pin mặt trời, 25% với số mặt hàng còn lại có hiệu lực trong 2 năm.
Diễn biến trên làm dấy lên làn sóng gấp rút vận chuyển hàng hóa. Trong 2 tháng qua giá container trung bình tại Trung Quốc (vốn đang trên đà tăng) bất ngờ tăng vọt 88%. Thông thường tàu từ Trung Quốc chọn tuyến qua eo biển Malacca để cập cảng Singapore. Lượng tàu ngày càng tăng gây ùn tắc nên thời gian chờ cập cảng từ 1 - 2 ngày tăng lên 7 ngày. Tính đến nay Singapore đã tiếp nhận khoảng 1.000 tàu, trong khi tháng trước chỉ có 639.
Chuyên gia phân tích thị trường vận tải biển Tan Hua Joo (nền tảng dữ liệu Linerlytica) nhận xét tình trạng tắc nghẽn đang ở mức nghiêm trọng nhất mọi thời đại và công suất dự phòng không đủ đáp ứng mức tăng. Vì vậy đơn vị sử dụng dịch vụ cảng cần tính toán độ trễ khi vận chuyển đồng thời dự báo cho vài tháng tới.
Do tàu phải ở ngoài biển dài hơn, các nước xuất khẩu đối mặt với cảnh thiếu tàu lẫn container
Không còn chỗ
Đơn vị giao nhận sản phẩm kích thước lớn như ô tô đang phải chịu chi phí vận chuyển tăng gấp 3 lần. Họ đứng trước lựa chọn gánh chịu chi phí hoặc đẩy chúng sang người tiêu dùng.
Giám đốc điều hành công ty giao nhận Hermes Logistics Pelaris Cheng cho biết: “Chúng tôi còn rất ít hay thậm chí chẳng còn chỗ nên đành xin đơn vị vận tải cho thêm chỗ mà chẳng thương lượng lại giá cả. Hiện chúng tôi ưu tiên hàng hóa cần chuyển gấp, với mức giá gấp 3 lần số tiền thường trả”.
Giới phân tích lo ngại tắc nghẽn kéo dài nhiều tháng vì các cảng lân cận ở Đông Nam Á cũng chịu ảnh hưởng. Giáo sư Lawrence Loh (Đại học Quốc gia Singapore) dự báo một số ngành sẽ thiệt hại nặng. Đầu tiên là ngành sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử tiêu dùng và xe điện, vốn phụ thuộc vận tải biển để giao nguyên liệu thô. Thứ hai là thương mại điện tử. Đơn vị bán hàng hóa kích thước lớn như đồ nội thất đành phải giao hàng trễ, còn đơn vị bán hàng hóa kích thước nhỏ có thể phải chuyển sang hình thức khác (như vận tải đường không) để đảm bảo giao hàng đúng thời gian. Giá vận tải đường không thường đắt hơn vận tải biển khoảng 5 - 20 lần tùy trọng lượng hàng.