Nỗ lực thúc đẩy quá trình đàm phán hoàn tất hiệp định RCEP của Trung Quốc đang vấp phải sự miễn cưỡng và hoài nghi từ ngày càng nhiều các quốc gia thành viên hơn, đầu tiên là Ấn Độ và sau đó là Nhật Bản và New Zealand.
Cuộc họp mới nhất về việc thúc đẩy quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa 16 quốc gia thành viên diễn ra tại thành phố Hyderabad ở miền Nam Ấn Độ đang đứng trước nguy cơ đình trệ nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu là do những căng thẳng đang diễn ra ở biên giới giữa hai nền kinh tế chủ đạo của Hiệp định là Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này khiến cho những kỳ vọng về việc có thể kết thúc nhanh chóng quá trình đàm phán RCEP trong năm nay của Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tan thành mây khói.
Trung Quốc hiện đang là nước nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ nhất quá trình đàm phán RCEP nhằm đưa hiệp định kinh tế bao gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng với chính Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealandvào thực thi càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nó đang vấp phải sự miễn cưỡng và hoài nghi từ ngày càng nhiều các quốc gia thành viên hơn, đầu tiên là Ấn Độ và sau đó là Nhật Bản và New Zealand.
Ấn Độ đã nhiều lần nhấn mạnh việc không sẵn sàng mở rộng cửa thị trường 1,3 tỉ dân và khả năng cạnh tranh còn hạn chế của mình cho các nước thành viên khác nếu như không có những nhượng bộ tương tự theo chiều ngược lại. Vấn đề trở nên đặc biệt căng thẳng khi đề cập đến tương quan thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc: hiện tại Ấn Độ đang có mức nhập siêu khá lớn từ Trung Quốc, lên tới 51 tỉ USD trong năm 2016, và RCEP nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh xu hướng bất lợi này cho Ấn Độ hơn nữa nếu như không được điều chỉnh.
Sự hoài nghi về RCEP cũng đang xảy ra đối với trường hợp hai quốc gia thành viên quan trọng khác là Nhật Bản và New Zealand. Amitendu Palit, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Trung Quốc rất muốn kết thúc quá trình đàm phán RCEP càng nhanh càng tốt để có thể tự khẳng định mình như một nhà lãnh đạo mới của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên Nhật Bản và New Zealand cho biết hai nước thành viên này sẽ không vội vã trong vấn đề này vì cả hai đều muốn một thỏa thuận thương mại chất lượng cao. Trong khi đó RCEP lại đang bị đánh giá là một thỏa thuận thương mại có chất lượng trung bình thấp do chủ yếu chỉ tập trung vào vấn đề thuế quan".
Tuy nhiên, Ấn Độ hiện vẫn đang là nước giữ vai trò chính trong việc trì hoãn quá trình đàm phán RCEP ở thời điểm hiện tại. Lý do chủ yếu đến từ các yếu tố kinh tế-thương mại lẫn yếu tố địa chính trị và chiến lược. Theo các chuyên gia kinh tế của Ấn Độ, nước này có một thị trường rất tiềm năng vớidân số hơn 1,3 tỉ người vàquy mô nền kinh tế lên tới 2.300 tỉ USD, tuy nhiên lại có trình độ phát triển tương đối thấp và phụ thuộc nặng nề vào hai lĩnh vực là dịch vụ (chiếm hơn 50% GDP) và nông nghiệp. Vì thế, nếu Ấn Độ mở cửa thị trường và nền kinh tế của mình cho các nền kinh tế được đánh giá là có trình độ phát triển cao hơn trong RCEP, nước này sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu như không nhận được những nhượng bộ lớn khác đề bù lại.
Một nguyên nhân khác là yếu tố địa chính trị và chiến lược. Ấn Độ hiện đang tỏ ra rất thận trọng đối với các ý định thương mại quy mô lớn của Trung Quốc, bao gồm ảnh hưởng kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở các nước Nam Á láng giềng với Ấn Độ, sáng kiến thương mại và cơ sở hạ tầng “Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và các dự án hạ tầng ở Pakistan trong khu vực tranh chấp với Ấn Độ do Trung Quốc tài trợ. Những trở ngại trên đặc biệt trở nên trầm trọng hơn sau khi một cuộc xung đột tại biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc nổ ra mới đây. Căng thẳng hiện đang diễn ra ở khu vực Doklam gần dãy Himalaya tại biên giới giữa hai nước và đã kéo dài khoảng một tuần. Cuộc họp về thúc đẩy tiến độ đàm phán RCEP tại thành phố phía Nam Ấn Độ Hyderabad vì thế đang bị đình trệ nghiêm trọng khi việc hai phái đoàn Ấn Độ và Trung Quốc có thể nhượng bộ nhau là rất khó xảy ra.
Không những cản trở nỗ lực thúc đẩy quá trình đàm phán RCEP của Trung Quốc, mà Ấn Độ cũng đang được cho là có ý định gia tăng ảnh hưởng kinh tế của mình tại các quốc gia Đông Nam Á – khu vực có quan hệ thương mại khá mật thiết với Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này là không dễ dàng: ông Sachin Chaturvedi, Giám đốc viện Nghiên cứu và Thông tin về Các quốc gia đang phát triển có trụ sở tại New Delhi, cho biết: “Ấn Độ hiện đang rất muốn kết nối sâu rộng hơn nữa về kinh tế với các quốc gia Đông Nam Á, tuy nhiên khó khăn là rất lớn khi mức độ trao đổi thương mại giữa các nước này với Trung Quốc hiện vẫn rất lớn".
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)