Lithuania sẽ triệu hồi đại sứ tại Bắc Kinh về nước liên quan đến căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.

Căng thăng với Trung Quốc, Lithuania triệu hồi đại sứ về nước

Hoàng Vũ | 12/08/2021, 20:15

Lithuania sẽ triệu hồi đại sứ tại Bắc Kinh về nước liên quan đến căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm 11.8 đẫn nguồn thạo tin tại Vilnius xác nhận Lithuania sẽ triệu hồi đại sứ ở Bắc Kinh Diana Mickevicien về nước "theo đúng nghi thức, vốn đang gặp trở ngại bởi thực tế bà ấy đang phải cách ly".

Thông tin trên được đưa ra sau khi Trung Quốc ngày 10.8 yêu cầu Lithuania triệu hồi đại sứ tại Bắc Kinh, đồng thời cho biết sẽ triệu hồi đại sứ của họ tại Vilnius vì quốc gia châu Âu này cho Đài Loan mở văn phòng đại diện ngoại giao, động thái Bắc Kinh coi là vi phạm chính sách “một Trung Quốc”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói việc Lithuania cho phép mở văn phòng đại diện bằng tên Đài Loan làm xói mòn nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc.

"Chính phủ Trung Quốc bày tỏ sự phản đối với động thái này. Trung Quốc quyết định triệu hồi đại sứ tại Lithuania, yêu cầu Chính phủ Lithuania triệu hồi đại sứ của họ tại Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi Lithuania ngay lập tức sửa chữa quyết định sai lầm, thực hiện các biện pháp cụ thể để khắc phục thiệt hại và đi đúng hướng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh hôm 10.8.

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh yêu cầu các nước khác triệu hồi quan chức ngoại giao liên quan đến vấn đề Đài Loan. Năm 1981, Trung Quốc đã yêu cầu Hà Lan triệu hồi đại sứ sau khi Amsterdam cho phép một công ty Hà Lan bán tàu ngầm cho Đài Loan. Vào thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc cũng đã triệu hồi đại sứ của họ tại Hà Lan. Gần đây nhất, vào năm 1995 Trung Quốc cũng triệu hồi đại sứ tại Mỹ Li Daoyu sau khi Washington thông báo chuyến thăm của lãnh đạo Đài Loan. Đại sứ Trung Quốc Li Daoyu sau đó đã tiếp tục đảm nhiệm chức vụ sau khi Washington cam kết tuân thủ chính sách một Trung Quốc.

Việc triệu hồi đại sứ là động thái leo thang căng thẳng mới nhất giữa Trung Quốc và Lithuania. Các nhà phân tích Trung Quốc nói phản ứng mạnh mẽ này cho thấy Bắc Kinh muốn gửi thông điệp rõ ràng rằng hành động của Lithuania là không thể chấp nhận được, và nhằm cảnh báo các nước khác không noi theo quốc gia châu Âu này.

Giáo sư Zhu Songling của Viện nghiên cứu Đài Loan thuộc Đại học Công đoàn Bắc Kinh, cho rằng việc cho phép một văn phòng đại diện sử dụng tên Đài Loan được hiểu là ủng hộ Đài Loan độc lập và điều đó chắc chắn khiến Bắc Kinh nổi giận.

Trong khi đó, Pang Zhongying, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Đại Dương, (Thanh Đảo, Trung Quốc) thì nhận định rằng Bắc Kinh có lý do để lo ngại, bởi hồi tháng 2, Lithuania là một trong các nước đã từ chối lời mời của Trung Quốc tham dự hội nghị của Chủ tịch Tập Cận Bình với đại diện 17 quốc gia Trung và Đông Âu. Chỉ sau 3 tháng, Lithuania thông báo rút khỏi cơ chế 17+1 - một cơ chế do Bắc Kinh lập ra nhằm thúc đẩy thương mại và đối thoại giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu.

Giới quan sát đang theo dõi xem liệu Trung Quốc có cắt đứt quan hệ ngoại giao với Lithuania hay không. Nguồn tin của SCMP cho biết nếu Trung Quốc không có thêm bất kỳ hành động nào nữa thì có nghĩa là Bắc Kinh không muốn làm tổn hại hơn nữa mối quan hệ của nước này với EU. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục đăng tải những bài xã luận với nội dung đe dọa sẽ trừng phạt thêm đối với Lithuania.

“Không cần đến khoa học để nhìn thấu những tính toán nguy hiểm của Lithuania – một động thái thể hiện lòng trung thành với Washington trong công cuộc chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, những người ra quyết định ở Vilnius không nên mong đợi được thưởng cho những hành động khiêu khích của họ. Thay vào đó, cuối cùng họ sẽ phải trả giá cho sự liều lĩnh của mình”, SCMP trích dẫn một bài xã luận Tân Hoa xã hôm 11.8.

Về phần mình, sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cho biết nước này sẽ tự quyết chính sách đối ngoại của mình, đồng thời hối thúc Bắc Kinh thay đổi quyết định.

"Quan hệ Trung Quốc - Lithuania nên dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Nếu không, đối thoại sẽ trở thành tối hậu thư một chiều không thể chấp nhận được trong quan hệ quốc tế. Ngoài ra, với tư cách một quốc gia có chủ quyền, Lithuania sẽ tự quyết định thiết lập quan hệ kinh tế, văn hóa với bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào miễn là không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế", ông Nauseda nói.

Theo SCMP, quan hệ giữ Đài Loan và Lithuania - một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đã xích lại gần hơn thời gian qua. Gần đây Chính phủ Lithuania đã nhiều lần chủ động nêu rõ với các tầng lớp xã hội về kế hoạch thành lập văn phòng đại diện tại Đài Loan vào mùa thu năm nay để mở rộng thị trường châu Á, tin tưởng rằng quan hệ hữu nghị giữa Vilnius và Đài Bắc vì thế sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Lithuania cũng đã bày tỏ ủng hộ hòn đảo trở thành một quan sát viên tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một động thái bị Trung Quốc bác bỏ.

Đáng chú ý, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên tiếng bênh vực Lithuania về căng thẳng leo thang mới nhất với Trung Quốc.

"Về cơ bản, đây là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Lithuania. Phải nói rằng sự phát triển các mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc với từng quốc gia thành viên trong EU chắc chắn có tác động đến mối quan hệ EU và Trung Quốc nói chung", người phát ngôn của EU, bà Nabila Massrali cho biết.

Tuy nhiên bà Massrali khẳng định EU không coi việc Lithuania mở văn phòng đại diện tại hoặc từ Đài Loan là vi phạm chính sách một Trung Quốc của EU.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căng thăng với Trung Quốc, Lithuania triệu hồi đại sứ về nước