Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn do JICA tài trợ (Đà Nẵng-Tam Kỳ) xuất hiện ổ gà gây xôn xao dư luận thời gian qua chỉ là bề nổi. Đoạn do WB tài trợ (Tam Kỳ - Quảng Ngãi) với nhiều sai phạm trong quá trình thi công được chính VEC chỉ ra mới đáng lo ngại về chất lượng khi chỉ mới đưa vào khai thác được gần 2 tháng.

Cảnh báo về chất lượng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn của nhà thầu Trung Quốc

Lê Đình Dũng | 23/10/2018, 10:44

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn do JICA tài trợ (Đà Nẵng-Tam Kỳ) xuất hiện ổ gà gây xôn xao dư luận thời gian qua chỉ là bề nổi. Đoạn do WB tài trợ (Tam Kỳ - Quảng Ngãi) với nhiều sai phạm trong quá trình thi công được chính VEC chỉ ra mới đáng lo ngại về chất lượng khi chỉ mới đưa vào khai thác được gần 2 tháng.

Nhiều đoạn không bằng phẳng, nhà thầu bán vật liệu ra ngoài

Trước khi thông xe toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ông Nguyễn Đức Công, Giám đốc Ban Quản lý thi công - VEC đã có báo cáo gửi Chủ tịch HĐQT Mai Tuấn Anh và Tổng giám đốc Trần Văn Tám về nhiều bất cập tại gói thầu của nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) và các gói thầu khác trên đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi (thuộc vốn vay Ngân hàng Thế giới).

Theo đó, Ban Quản lý thi công - VEC đã chỉ ra tại gói thầu A1, một số đơn vị thi công trên tuyến tự tháo dỡ tôn hộ lan và khuyến khích dân cản trở để không đóng hàng rào hộ lan với mục đích vận chuyển vật liệu/bê tông nhựa bán cho dự án khác như tại km75+800 khu vực trạm trộn của Lương Tài.

Khu vực cầu F007 công tác thi công đường gom gặp nhiều khó khăn do nhà thầu cố tình nổ mìn phá đá vượt ngoài phạm vi thi công theo bảnvẽthi công được duyệt để lấy vật liệu sản xuất cấp phối và bê tông nhựa dẫn đến thiếu mặt bằng để thi công. Việc này Ban Quản lý thi công đã có báo cáo trong các cuộc họp giao ban trước nhưng không được xử lý.

Việc xử lý các đoạn có độ bằng phẳng IRI không đạt yêu cầu theo báo cáo của tư vấn kiểm định KC1 và Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã thông báo đối với gói thầu A1: Nhà thầu thuê máy cào bóc để khắc phục nhưng chưa vận chuyển máy đến công trường, các vị trí nhà thầu tự cào bằng máy xúc qua kiểm tra thì mặt đường không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, cần yêu cầu Ban QLDA Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ đạo tư vấn giám sát và nhà thầu tập hợp tất cả các kết quả thí nghiệm khi thi công các lớp dưới để thống nhất phương án khắc phục, tránh trường hợp phải làm đi làm lại.

Nhiều đoạn cao tốc tuyến Tam Kỳ - Quảng Ngãi trước khi thông xe được chỉ ra không đảm bảo về độ bằng phẳng IRI

Nhà thầu cào bóc mặt đường cao tốc bằng máy xúc

Tại gói thầu A2 của nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn cầu đường tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), ở khu vực tập kết đá của nhà thầu phụ Hoàng An, đơn vị này đã tháo hàng rào để lấy đường vận chuyển đá bán ra ngoài. Thời điểm báo cáo, Ban QLDA Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa có biện pháp xử lý.

Ở gói thầu A3 của nhà thầu Công ty TNHH công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), việc thi công cầu Trà Bồng vào thời điểm báo cáo chưa thi công hệ thống thoát nước; giải phân cách giữa và lan can cầu thi công không đảm bảo mỹ quan, các tấm GPC thò ra thụt vào, khu vực mố A2 chất lượng bê tông nhựa kém, nhiều vết loang dầu FO trên mặt đường.

Về độ bằng phẳng IRI, không đạt yêu cầu theo báo cáo của tư vấn kiểm định KC1 và Hội đồng nghiệm thu nhà nước có 12 đoạn không đạt. Cán bộ của Ban QLDA Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho rằng kết quả đo IRI không chính xác. Nhà thầu dự kiến sẽ thuê máy cào bóc từ gói A1 lên để khắc phục. Tuy nhiên, trên công trường có hiện tượng nhà thầu tự xử lý bằng máy khò để lu lại bê tông nhựa. Cần chỉ đạo Ban QLDA Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tư vấn giám sát và nhà thầu thống nhất phương án khắc phục tránh trường hợp phải làm đi làm lại…

Mặt đường bắt đầu hỏng, gầm cầu thấm dột

Tại gói thầu A3 của Công ty TNHH công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), ngoài những cảnh báo và phát hiện về độ bằng phẳng IRI không đạt mà Ban Quản lý thi công - VEC đã chỉ ra thì mới đây đã xuất hiện nhiều hư hỏng mới.

Cụ thể, nhiều ngày qua người dân phát hiện thấm nước tại vị trí cầu VD09B (Km107+829) và hầm chui dân sinh (Km106+730).

Thừa nhận việc này, VEC cho biết việc thấm nước và đọng nước dưới chân cầu VD09B (Km107+829) là do hệ thống thoát nước mặt cầu chưa hoàn thiện xong. Tại một số vị trí, phễu thu nước và ống nhựa dẫn nước tuy đã được lắp đặt nhưng chưa đảm bảo kín khít, vì vậy có hiện tượng chảy lan không tập trung từ mặt cầu xuống.

Mặt đường trên cầu VD09B (Km107+829) bắt đầu kém chất lượng

VEC cũng cho biết, khi nước mặt cầu thoát xuống dưới gầm cầu, nhà thầu chưa thi công rãnh dẫn nước về cống tròn gần đó, dẫn đến nước mưa chảy lênh láng dưới gầm cầu, gây ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân địa phương. Việc thanh thải lòng cầu, tư vấn giám sát đã hướng dẫn nhà thầu thực hiện.Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại nhà thầu chưa hoàn thành. Các tấm ván khuôn gỗ sử dụng để thi công dầm ngang đầu cầu chưa được nhà thầu di dời ra khỏi vị trí.

Về việc thấm nước tại hầm chui dân sinh (Km106+730), qua kiểm tra cho thấy nguyên nhân là do băng cản nước được bố trí giữa 2 thân đốt hầm trong quá trình thi công bị xô lệch, gây nên hiện tượng rò rỉ nước từ đỉnh hầm chui. Chủ đầu tư cho rằng đã có nhiều văn bản yêu cầu nhưng nhà thầu chậm khắc phục.

Không những thấm dột, mặt đường cao tốc trên cầu VD09B (Km107+829) đang có biểu hiện xuống cấp.

Cụ thể tại vị trí phía tây nam là "ổ gà", có độ sâu gần bằng lóng tay người lớn. Nằm cạnh bên là một số vị trí hư hỏng khác vừa được đơn vị thi công vội vã vá xong. Còn ở phía bắc, nhiều nơi mặt đường cao tốc phần nhựa đã bị bong tróc hết, chỉ còn lại lớp đá dăm.

Một kỹ sư cho biết về thảm lớp bê tông nhựa 12.5 và tạo nhám VTO trên cầu VD09B,theo hình ảnh tại hiện trường thì 2 lớp này bị tách ra do dính bám kém, cũng có thể do thoát nước mặt cầu không tốt nên nước đọng gây mất tính liên kết của nhựa.

Theo người này, với những biểu hiện của mặt đường như hiện tại thì trước mắt phải sửa ngay không sẽ lan rộng.

Gói thầu A3 (99+500 - Km110+100), thuộc đoạn tuyến hợp phần WB tài trợ, do nhà thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) thi công, có chiều dài 10,6km, đi qua huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo VEC, đoạn tuyến hợp phần WB tài trợ, được thông xe và đưa vào khai thác từ ngày 2.9.2018. Thời hạn bảo hành công trình là 24 tháng. Trong thời gian này, việc khắc phục mọi hư hỏng phát sinh và chi phí khắc phục thuộc trách nhiệm của các đơn vị nhà thầu.

Có thể thấy rằng, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn do JICA tài trợ (Đà Nẵng - Tam Kỳ) xuất hiện ổ gà gây xôn xao dư luận thời gian qua chỉ là bề nổi. Đoạn do WB tài trợ (Tam Kỳ - Quảng Ngãi) với nhiều sai phạm trong quá trình thi công được chính VEC chỉ ra mới đáng lo ngại về chất lượng khi chỉ mới đưa vào khai thác được gần 2 tháng.

Xem thêm:

>>Nhà thầu Trung Quốc chậm khắc phục thấm dột ở cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

>> Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi vào 'tầm ngắm' kiểm toán năm 2019

>> Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi 'chỉ hỏng 70m2 trên tổng 3,1 triệu m2'

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe lưu thông và hai làn dừng khẩn cấp (giai đoạn 1), tốc độ thiết kế 100-120 km/giờ. Dự án được chia làm 13 gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỉ đồng.

Dự án vay vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng nguồn vốn đối ứng của Việt Nam.

Ngày 2.8.2017, có 65km đoạn từ TúyLoan (Đà Nẵng) - Tam Kỳ (Quảng Nam) được đưa vào sử dụng và thu phí.

Ngày 2.9.2018, dù chưa hoàn thiện nhiều hạng mục nhưng Bộ GTVT đã khánh thành toàn tuyến và đưa vào khai thác thu phí.

Đến cuối tháng 9 và đầu tháng 10.2018, ổ gà xuất hiện chi chít trên đoạn tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ.

Từ 0 giờ ngày 12.10, Bộ GTVT quyết định dừng thu phí cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để khắc phục triệt để hư hỏng.

Chiều 17.10.2018, VEC tuyên bố đã hoàn thiện việc sửa chữa 70m2 hư hỏng trên 3,1 triệu m2 tổng diện tích dự án. Theo đó, các nhà thầu đã cào bóc, sửa chữa 3.024,75m2 nhựa bám dính mặt đường (dày 3cm) và 2.488,75m2 lớp bê tông nhựa hạt mịn (dày 5cm).

Bài, ảnh: Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo về chất lượng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn của nhà thầu Trung Quốc