Họ là cặp vợ chồng có niềm đam mê bất tận với những bản nhạc xưa. Tình yêu với âm nhạc xưa cũ được dồn nén nhiều năm, đến khi chín muồi đã khiến họ quyết định khôi phục lại những bài hát tưởng như đã thất truyền.

Cặp vợ chồng xứ Tây Đô đi tìm những bài hát thất truyền

14/05/2020, 18:56

Họ là cặp vợ chồng có niềm đam mê bất tận với những bản nhạc xưa. Tình yêu với âm nhạc xưa cũ được dồn nén nhiều năm, đến khi chín muồi đã khiến họ quyết định khôi phục lại những bài hát tưởng như đã thất truyền.

Anh Bằng, chị Hằng trong một góc nhà được thiết kế theo lối hoài niệm nhạc xưa - Ảnh: Thanh Nguyên

Anh Châu Thanh Bằng (47 tuổi, ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) vốn được biết đến là người sở hữu dàn âm thanh cổ tầm cỡ ở đất Tây Đô. Dù là 1 kiến trúc sư nhưng tình yêu âm nhạc đã thôi thúc anh thực hiện 1 dự án âm nhạc cho hậu thế sau này.

Khi đôi tai khó tính nghe nhạc

Anh Bằng kể sau khi học xong đại học anh về quê làm việc. Với niềm say mê âm nhạc, anh muốn tự tạo một sân chơi cho riêng mình. Đó là lý do anh mở một phòng trà ca nhạc ở Cần Thơ vào 17 năm trước.

Phòng trà này là nơi tập trung những người yêu nhạc trước năm 1975 và thích hoài niệm về những điều xưa cũ. Anh nói không đặt nặng vấn đề kinh doanh mà chỉ muốn gặp gỡ những người cùng sở thích và tạo cho bản thân một không gian riêng để thưởng thức âm nhạc.

Dàn âm thanh hệ analog được anh Bằng sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới - Ảnh: Thanh Nguyên

Để nghe nhạc xưa, phải đúng chất, đúng điệu ngày xưa và anh Bằng đã cất công sưu tập các bộ phát âm thanh cổ. Anh cho biết các thiết bị phát âm thanh ngày xưa là dùng để phát âm thanh hệ analog, tức âm thanh được phát lúc sau cũng tương tự như lúc trước đó. Nó là các tín hiệu âm thanh liên tục thường được biểu diễn bằng biểu đồ X, Y (cos, sin).

Hệ âm thanh này khác hẳn với hệ âm thanh số (digital) phổ biến ngày nay. Thời điểm thịnh hành của hệ âm thanh này là trước năm 1975. Người miền Bắc thường gọi là băng cối, còn người miền Nam gọi là băng Akai (gọi theo tên của 1 hãng sản xuất hệ âm thanh này).

“Âm thanh analog có độ phân giải cao, kỹ thuật thu khó nên thường dành cho những người khó tính thưởng thức”, anh Bằng cho biết. Từ sự đòi hỏi khó tính đó, anh cất công đi săn tìm những dàn âm thanh có tuổi đời hơn nửa thế kỷ trên khắp thế giới rồi về mày mò phục dựng lại. Niềm đam mê này đã tiêu tốn của anh Bằng không biết bao nhiêu là tiền bạc.

Để nghe được nhạc với âm thanh cổ thì phải có được những băng nhạc cổ. Vậy là anh bỏ công sưu tầm hằng trăm băng nhạc cổ cho thỏa niềm đam mê. Cứ thế, mỗi buổi sáng, những bài hát xưa cũ được cất lên từ dàn nhạc cổ đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ của anh, biến anh từ 1 người yêu nhạc thông thường chuyển sang đòi hỏi cao hơn trong việc thưởng thức nhạc.

Từ đó, anh muốn tạo ra những bản nhạc theo ý của mình. Ý tưởng này còn bắt nguồn từ tình yêu với dòng nhạc xưa, anh muốn “hồi sinh” dòng nhạc này lại theo đúng cách của ngày xưa và phải qua sự kiểm duyệt gắt gao của bản thân.

Ý tưởng này như được chắp thêm cánh khi được sự ủng hộ của vợ anh - vốn là 1 ca sĩ “nhà nòi” đang ở độ chín của nghề. Vợ chồng anh “song kiếm hợp bích” và những trái ngọt đầu tiên đã ra đời. Anh Bằng cũng chia sẻ rằng anh sẽ dùng cả quãng đời còn lại để thực hiện việc “hồi sinh” những bài hát thất truyền này. Hậu thế sau này phải nhớ đến 1 nền âm nhạc của đất nước với nhiều sản phẩm chất lượng, phản ánh được 1 giai đoạn văn hóa, lịch sử. Đó là những tham vọng mà anh đang mong muốn đạt được.

Vợ chồng đồng lòng, tát cạn biển Đông

Mấy năm trước khi đem ý tưởng “hồi sinh” những bản nhạc thất truyền bàn với vợ, anh Bằng chưa nhận được sự đồng ý ngay. Vợ anh Bằng là chị Phạm Thúy Hằng (33 tuổi) vốn là 1 nghệ nhân Đờn ca tài tử “nhà nòi” với 3 đời gắn liền với loại hình âm nhạc đậm chất Nam Bộ này. Chị Hằng cho biết: “Trước giờ tôi đi hát ở sân khấu này sân khấu kia là có thu nhập ngay. Bây giờ chọn bài, phối nhạc, thu âm, ghi hình thì phải bỏ ra một số tiền rất lớn mà khả năng thu lại vẫn là dấu hỏi. Nhưng trước sự đam mê của chồng, cuối cùng tôi cũng khuất phục”.

Một băng nhạc xưa cũ được anh Bằng sưu tập - Ảnh: Thanh Nguyên

Anh Bằng cho biết quá trình để 1 bản nhạc xưa được phát hành thật không hề dễ dàng. Trước hết, xuất phát từ những bản nhạc trong băng anh sưu tầm được, anh chọn ra những bài ít phổ biến và gần như thất truyền. Anh lên danh sách bài hát rồi hỏi ý kiến từ 1 phòng ban phụ trách của Sở VH-TT&DL TP.Cần Thơ về khả năng lưu hành, được phép phổ biến. Bài nào không được phép anh loại đi ngay.

Sau đó, anh tìm thông tin về nhạc sĩ sáng tác cùng hoàn cảnh ra đời bài hát. Tiếp đến, anh thuê người hòa âm, phối khí lại những bản nhạc này sao cho giữ trọn vẹn nhất cái hồn của bài hát cũ. Đến khâu cuối cùng là vợ anh tập bài hát đó và trình diễn, thu âm, ghi hình. “Mấy năm trước tôi thu tại 1 phòng thu âm ở Cần Thơ nhưng không vừa ý. Sau đó, qua nhiều mối quan hệ, tôi hợp tác với 1 phòng thu tại TP.HCM. Và đến nay tôi đã cho ra đời hàng chục bài hát đúng ý của mình”, anh Bằng chia sẻ.

Rất nhiều công sức và sự kiên nhẫn được người nghệ sĩ không chuyên này đầu tư vào dự án trên. Vốn dĩ chị Hằng là 1 nghệ nhân hát Đờn ca tài tử nên để hát tân nhạc và đạt được yêu cầu của anh Bằng thì phải mất một quá trình dài. “Vợ tôi phải tập hát lại, cách luyến láy giai điệu để phù hợp với những bản nhạc xưa. Trước khi tập 1 bài hát, tôi đều phải truyền đạt cho vợ tôi tất cả thông tin về bài hát đó, hoàn cảnh sáng tác như thế nào. Có như thế mới thể hiện được hết cái hồn, cái chất của bài hát”, anh Bằng cho biết.

Chị Hằng sau một thời gian dấn thân vào tân nhạc cũng đã đem lòng yêu mến dòng nhạc này. Chị kể từ năm 8 tuổi chị đã đi hát trên những con thuyền xuôi dọc theo sông Hậu. Ông bà nội chị là chủ của 1 gánh hát thời điểm đó. Còn cha chị là 1 nghệ nhân guitar phím lõm chơi trong 1 đoàn Đờn ca tài tử.

“Hồi nhỏ xíu, nhiều lần tôi đang học thì cha bơi xuồng tới trường xin cô giáo cho tôi đi hát khi có đám tiệc kêu. Mỗi lần hát tôi phải bắt cái ghế đứng lên cho cao để khán giả nhìn thấy mình. Tôi mê hát từ nhỏ, lại được cha và bà nội dạy bảo bài bản nên quyết tâm theo sự nghiệp này”, chị Hằng kể.

Một bức ảnh quảng bá bài hát do chị Hằng trình diễn - Ảnh: Thanh Nguyên

Chị Hằng hát trên du thuyền Cần Thơ (đón khách ở bến Ninh Kiều) suốt mười mấy năm ròng, tham dự nhiều cuộc thi và đạt được nhiều thành tựu. Đến khi gặp anh Bằng ở tuổi mười tám đôi mươi, chị mới “lên bờ” và nên duyên chồng vợ. Sự gặp gỡ định mệnh của 2 người yêu nghệ thuật đã giúp cho họ đủ niềm tin để thực hiện dự án hát lại những bản nhạc thất truyền.

“Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín đều được ông bà mình gửi gắm trong những lời ca tiếng hát. Khi con trẻ được nuôi dưỡng từ những đạo lý đó, tôi tin tâm hồn của chúng khi lớn lên sẽ phân biệt được tốt xấu. Chính vì thế, tôi không muốn những bản nhạc này mai một đi mà phải làm chúng sống mãi”, anh Bằng chia sẻ.

Hiện nay, những bài hát được anh Bằng cùng các cộng sự của mình ghi âm, ghi hình và được phát hành trên các kênh YouTube như Hằng Phạm Official; kênh Facebook Nhã Ca 1975 Hằng Phạm, Vọng Cổ Hằng Phạm và được đông đảo người nghe đón nhận. Đó là những bản nhạc có lẽ hiện nay ít người biết đến nhưng từng vang danh một thời như Từ tiếng hát tiếp nối, Vùng trước mặt (sáng tác Trầm Tử Thiêng), Giữa trời thương nhớ (sáng tác Mai Văn Hiền), Gặp bạn (sáng tác Anh Thoại - Vinh Sử), Nước mắt mẹ mừng (sáng tác Nhật Ngân)…

Thanh Nguyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM long trọng tổ chức Lễ giỗ tổ Hùng Vương
một giờ trước Văn hóa
Sáng 18.4 (tức mùng 10 tháng 3 âm lịch), tại Khu tưởng niệm các vua Hùng, Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc, P.Long Bình, TP.Thủ Đức, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Lễ giỗ tổ Hùng Vương năm Giáp Thìn 2024 với chủ đề “Nhớ ơn Quốc tổ Hùng Vương”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cặp vợ chồng xứ Tây Đô đi tìm những bài hát thất truyền