“Lúc xảy ra tai nạn, tui kêu mọi người, bà con ơi làm ơn cứu giúp vợ con tui với. Mấy người dân bảo, anh cứ lo cho anh đi. Tui trả lời, cứ để tui vậy đi, bà con hãy lo cho vợ con tui trước đi, tui sao cũng được. Lúc đó vợ tui mất luôn…”.

Cầu nguyện phép màu đến với bé trai văng ra từ bụng mẹ

Một Thế Giới | 28/10/2014, 08:37

“Lúc xảy ra tai nạn, tui kêu mọi người, bà con ơi làm ơn cứu giúp vợ con tui với. Mấy người dân bảo, anh cứ lo cho anh đi. Tui trả lời, cứ để tui vậy đi, bà con hãy lo cho vợ con tui trước đi, tui sao cũng được. Lúc đó vợ tui mất luôn…”.

Trò chuyện với Một Thế Giới, chưa nói hết câu, anh Nguyễn Văn Nam (32 tuổi, ngụ ở xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) - người cha của bé trai văng ra từ bụng mẹ xúc động giàn giụa nước mắt, nghẹn ngào không nói nên lời.
Xin hãy cứu vợ con tui

Nằm trên giường bệnh của khoa ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy vào sáng 27.10, cứ mỗi lần nhắc lại phút giây kinh hoàng mà anh chở vợ đi sinh bị chiếc xe trộn bê tông cán chết vợ, con anh văng ra từ bụng mẹ bị dập nát chân phải là anh Nam lại mếu máo.

Anh Nam kể, anh chở vợ đến TP Long Xuyên (An Giang) để sinh, nhưng đi từ hướng phà Vàm Cống để đến Long Xuyên, khi đến cầu rạch Bé  gặp công trình đang thi công, phải đi vào đường hẹp 1 chiều trước đây, giờ phân thành 2 chiều để tránh đường thi công.
Lúc đó, anh chở vợ chạy trước, xe đi rất chậm, vì đường đang làm, còn chiếc xe trộn bê tông chạy phía sau đâm tới.
Nói đến đây, anh Nam lại giàn giụa nước mắt.“Lúc ngã xuống, chiếc mũ bảo hiểm của tui bể nát, vợ tui văng ra, tui cũng bị văng ra ngoài, xe cán trúng chân phải; còn con tui bị văng ra xa 6, 7 m, chân phải của cháu gãy luôn. Sau đó, tui nhìn sang, thấy vợ tui nằm sấp trên một vũng máu loang lỗ.
 Cau nguyen phep mau den voi be trai vang ra tu bung me
Anh  Nguyễn Văn Nam đang điều trị tại khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy ( ảnh chụp sáng 27.10)
 “Lúc này, tui kêu mọi người, bà con ơi làm ơn cứu giúp vợ con tui với. Mấy người dân bảo, anh cứ lo cho anh đi. Tui trả lời, cứ để tui vậy đi, bà con hãy lo cho vợ con tui trước đi, tui sao cũng được. Lúc đó vợ tui mất luôn…”, anh Nam khóc nấc.

Cũng theo anh Nam, lúc đó anh cố gượng dậy, tìm điện thoại, nhưng chiếc điện thoại của anh đã văng mất. Ngay lúc đó, có 2 cháu nhỏ đi qua, thấy vậy, cho anh mượn chiếc điện thoại để gọi về nhà, và anh đã điện báo cho nội, ngoại biết tai nạn trên.

Sau đó anh được mấy cán bộ địa phương đưa đến bệnh viện. Lúc này anh mới hoàn hồn tỉnh lại, cảm thấy chân của mình đau đớn.

Vẫn chưa biết con mình bị cụt chân

Đến giờ này, anh Nam cũng chỉ biết vợ mình đã mất, còn đứa con trai văng ra từ bụng mẹ bị dập chân phải, chứ chưa biết gì đến chuyện bé đã bị tháo khớp chân phải, đang phải chịu cảnh tật nguyền.

Vì vậy trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh không mong hề muốn gì về cho bản thân mình, ngay cả sức khỏe của anh, mặc dù anh cũng bị mất 1/3 chân phải và tình trạng sức khỏe chưa ổn định mà chỉ mong sao các bác chăm sóc cho đôi chân của con anh được hồi phục.

“Tui chỉ có một mong muốn bây nhiêu đó thôi. Còn sau này cha, con tui tự tạo sự sống, dù gia đình tui rất nghèo và khó khăn”, anh Nam sụt sùi nói.

lam on giup vo con tui voi hinh anh 2
Các bác sĩ khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành chụp X.quang phổi cho anh Nam để kiểm tra có tràn dịch màng phổi hay không.
Mặc dù bị cụt 1/3 chân, phải điều trị, chưa biết sức khỏe ra sao, nhưng từ khi biết vợ mất, con bị dập nát chân, tinh thần của anh Nam đã suy sụp khá nhiều. Theo người nhà anh Nam, những ngày qua gia đình chỉ biết động viên anh, cố gắng vượt qua, dù sao vợ cũng đã mất rồi, cố gắng sống để chăm sóc, nuôi dưỡng 2 đứa con.

Gia đình mấy hôm nay đã giấu anh, không cho anh biết cháu trai bị dập nát chân phải bị tháo khớp gối, cụt chân phải. Giờ gia đình và nhiều người chỉ biết cầu nguyện cho cháu qua khỏi cơn nguy kịch này.

Dù chỉ mới 32 tuổi, nhưng trông anh Nam già hơn nhiều so với cái tuổi của mình, khuôn mặt đen sạm, thân hình gầy gò, nhưng đôi bàn chân lại to bè vì quanh năm lặn lội với ruộng đồng, cày sâu cuốc bẩm.

Anh Nam cho biết, vợ chồng anh rất nghèo, từ ngày lấy vợ cách đây 6 năm, mẹ vợ cho vợ chồng anh 3 công đất (tức khoảng 3000m2) ở tận Mỹ Hiệp Sơn (huyện Hòn Đất, Kiên Giang) để dựng căn chòi lá ở đây sinh sống và canh tác mấy công đất trên. 
Thấy cuộc sống vợ chồng anh ở nơi đồng ruộng, cực khổ khó khăn, nên mẹ vợ bảo vợ chồng anh gửi con gái lớn là bé Huyền (5 tuổi) về Thoại Sơn, An Giang để bà phụ nuôi và cho cháu đi học.

“Điều kiện cuộc sống ở đây khó cho cháu đi học khó lắm, vì vợ chồng còn phải đi làm thuê cho người ta, không có thời gian trông nom cho cháu đi học. Hơn nữa, sống giữa nơi đồng không mông quạnh, trường lớp học cũng khá xa nên vợ chồng mới đưa bé Huyền về cho mẹ nuôi”, anh Nam nói.

Cuộc sống khó khăn trăm bề, giờ phải mất vợ, và bản thân đang phải chịu cảnh tật nguyền, nhiều mạnh thường quân muốn thông qua các cơ quan truyền thông để chia sẻ cùng anh, nhưng khi các cơ quan truyền thông muốn anh cung cấp số điện thoại, địa chỉ cụ thể để có thể chia sẻ thì anh Nam lại khước từ. Bởi điều anh mong muốn lớn nhất lúc này, là con trai anh được các bác sĩ nối lại chân lành lặn và khỏe mạnh trở lại.

 Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cầu nguyện phép màu đến với bé trai văng ra từ bụng mẹ