Ông Nhậm Chính Phi nói về những khó khăn của Huawei và sự ngưỡng mộ với công nghệ Mỹ trong một cuộc trò chuyện với sinh viên.
Thế giới số

CEO Huawei: ‘Công nghệ Mỹ rất tuyệt, chúng tôi không thể nói chắc rằng có thể tồn tại’

Sơn Vân 23:00 01/11/2024

Ông Nhậm Chính Phi nói về những khó khăn của Huawei và sự ngưỡng mộ với công nghệ Mỹ trong một cuộc trò chuyện với sinh viên.

Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei, đánh giá cao "sự cởi mở và hòa nhập" của cộng đồng công nghệ Mỹ, nhưng công ty Trung Quốc này "không có lựa chọn nào khác" ngoài việc xây dựng các công cụ của riêng mình vì lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Nhậm Chính Phi (80 tuổi) cho biết Huawei cần học hỏi từ nền văn hóa cởi mở của Mỹ, giúp quốc gia này trở nên tiên tiến vượt bậc về khoa học và công nghệ, theo biên bản cuộc trò chuyện gần đây của ông với sinh viên và học giả.

Biên bản này vừa được công bố trên trang web của Cuộc thi Lập trình Quốc tế dành cho sinh viên đại học (ICPC). Đây là cuộc thi lập trình toàn cầu uy tín.

"Mỹ đã nêu gương cho tất cả quốc gia và công ty trên toàn thế giới về sự cởi mở. Nếu nước nào đóng cửa, nước đó sẽ tụt hậu", ông phát biểu tại sự kiện do Huawei tài trợ.

Huawei (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến) đã bị cấm mua phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ các nhà cung cấp công nghệ cao của Mỹ kể từ tháng 5.2019, khi bị chính quyền Trump đưa vào danh sách đen thương mại. Các hạn chế thương mại chặt chẽ hơn do chính phủ Mỹ áp đặt vào năm 2020 đã hạn chế thêm quyền tiếp cận của Huawei với các chất bán dẫn tiên tiến được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ của Mỹ, bất kể chúng ra lò ở đâu.

Kể từ đó, Huawei đã chuyển mình thành thế lực lớn hỗ trợ động lực tự cung tự cấp của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ chip trí tuệ nhân tạo (AI) đến hệ điều hành.

Năm ngoái, Huawei bất ngờ ra mắt dòng smartphone Mate 60 chứa bộ xử lý tiên tiến Kirin 9000s được SMIC sản xuất tại Trung Quốc. SMIC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 Trung Quốc.

Huawei cũng loại bỏ hỗ trợ các ứng dụng dựa vào Android trên HarmonyOS - hệ điều hành di động do chính hãng phát triển.

Hiện tại, Huawei phát triển các chip AI thay thế cho sản phẩm của Nvidia (Mỹ).

Nhậm Chính Phi cho biết xu hướng AI là "không thể thay đổi". Ông nói: "Cũng giống cách phát minh ra tàu hỏa, máy móc dệt và tàu thủy ở Anh đã tạo ra bước ngoặt trong lịch sử, các ứng dụng AI đang tạo ra bước đột phá ở thời đại của chúng ta".

Bất chấp những bước tiến gần đây, “Huawei vẫn đang vật lộn", theo Nhậm Chính Phi.

"Cho đến hôm nay, chúng tôi không thể nói chắc chắn rằng chúng tôi có thể tồn tại", ông nói, đồng thời nhấn mạnh rằng Huawei không thể tiếp cận các chip và công nghệ tốt hơn mà các đối thủ cạnh tranh của mình có.

"Các công nghệ và công cụ của Mỹ rất tốt nhưng Huawei không thể sử dụng chúng. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tạo ra các công cụ riêng. Đổi mới mở và tận dụng những thành tựu tiên tiến của người khác là con đường thực sự để tiến lên với một doanh nghiệp", Nhậm Chính Phi thổ lộ.

ceo-huawei-cong-nghe-my-rat-tuyet-chung-toi-khong-the-noi-chac-rang-co-the-ton-tai-.jpg
Ông Nhậm Chính Phi: 'Công nghệ Mỹ rất tuyệt, nhưng Huawei phải tự xây dựng do lệnh trừng phạt' - Ảnh: SCMP

Vẫn là nhà lãnh đạo không thể tranh cãi của Huawei ngay cả sau khi giảm bớt tham gia các hoạt động hằng ngày, Nhậm Chính Phi thường xuyên bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với Mỹ và Apple.

Ông tự gọi mình là "người hâm mộ Apple" trong một cuộc trò chuyện với những người tham gia ICPC vào năm ngoái. Thời điểm đó, Nhậm Chính Phi nói ông phản đối “bài ngoại” với bất kỳ thương hiệu nước ngoài nào và coi Apple như “một người thầy có giá trị”.

“Chúng tôi thường khám phá lý do tại sao các sản phẩm của Apple lại tốt đến vậy và cũng có thể thấy được khoảng cách giữa Huawei với Apple. Tôi rất vui khi có một giáo viên cho chúng tôi cơ hội học hỏi và so sánh thành tích của chúng tôi. Trong tầm nhìn đó, sẽ không quá lời khi gọi tôi là fan của Apple”, Nhậm Chính Phi nói hôm 19.9.2023.

Nhậm Chính Phi kể rằng con gái ông đã sử dụng các sản phẩm Apple khi cô đang học ở Mỹ, ám chỉ đến con gái út Annabel Yao, sinh viên Đại học Harvard từ năm 2016 đến 2020.

Ông từng bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với Apple trong cuộc phỏng vấn vào tháng 5.2019, khi mô tả công ty có trụ sở tại thành phố Cupertino (bang California, Mỹ) là “một ví dụ mà chúng tôi noi theo về mặt bảo vệ quyền riêng tư”.

Đầu năm 2019, Nhậm Chính Phi nói rằng Huawei nên học hỏi Apple về chiến lược giá cả để “các đối thủ cạnh tranh có thể tồn tại”.

Tại cuộc họp nội bộ năm 2021, ông đã kêu gọi nhân viên học hỏi từ Mỹ về khoa học và công nghệ.

Doanh thu của Huawei tăng gần 30% trong 9 tháng đầu năm nhờ smartphone

Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đã chứng kiến ​​doanh thu tăng vọt trong 9 tháng đầu năm 2024 nhờ doanh số smartphone tăng mạnh tại Trung Quốc

Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đã báo cáo doanh thu tăng 29,5% lên 585,9 tỉ nhân dân tệ (82,3 tỉ USD) trong ba quý đầu năm 2024, so với mức 452,3 tỉ nhân dân tệ cùng kỳ năm ngoái, theo trang SCMP.

Tuy nhiên, Huawei đã công bố lợi nhuận ròng giảm 13,7% trong 9 tháng đầu năm nay xuống còn 62,9 tỉ nhân dân tệ, so với mức 72,9 tỉ nhân dân tệ cùng kỳ 2023.

Công ty tư nhân này không cung cấp thông tin chi tiết về hiệu suất của các phân khúc kinh doanh khác nhau trong hồ sơ.

Doanh thu 9 tháng mạnh mẽ của Huawei phản ánh đà tăng trưởng liên tục từ sự trở lại thành công năm ngoái trong phân khúc điện thoại Android 5G cao cấp tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới, nơi đang trên đà ghi nhận mức tăng trưởng doanh số hàng năm lần đầu sau 5 năm.

Doanh số smartphone của Huawei tại Trung Quốc đã vượt qua Apple vào tháng 8, lần đầu tiên sau 46 tháng, theo báo cáo từ công ty nghiên cứu CINNO. Lý do vì người dân Trung Quốc tiếp tục có nhu cầu mạnh mẽ với dòng Mate 60 và Pura 70, đưa Huawei trở lại vị trí các thương hiệu smartphone hàng đầu Trung Quốc.

Theo báo cáo của IDC vào tháng 10, doanh số smartphone trong quý 3/2024 của Huawei tại Trung Quốc tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 15,3% thị phần, đứng sau Vivo dẫn đầu thị trường và Apple xếp thứ hai.

Tăng trưởng ở mảng kinh doanh smartphone cho thấy khả năng phục hồi của Huawei bất chấp bị Mỹ trừng phạt.

Huawei dự kiến ​​sẽ ra mắt dòng smartphone 5G hàng đầu mới của mình là Mate 70 trong tháng 11 này.

Công ty cũng đang củng cố phần mềm smartphone khi gần đây ra mắt HarmonyOS 5.0, phiên bản mới của hệ điều hành di động trước đây gọi là HarmonyOS Next, không còn hỗ trợ các ứng dụng dựa trên nền tảng Android.

ceo-huawei-cong-nghe-my-rat-tuyet-chung-toi-khong-the-noi-chac-rang-co-the-ton-tai-2-.jpg
Huawei chứng kiến ​​doanh thu tăng vọt trong 9 tháng đầu năm 2024 nhờ doanh số smartphone tăng mạnh tại Trung Quốc - Ảnh: SCMP

Gần đây, công ty nghiên cứu TechInsights (Canada) phát hiện ra rằng bộ xử lý AI Ascend 910B của Huawei chứa các chip do TSMC (Đài Loan) sản xuất.

Các nhà phân tích nhận định vụ việc liên quan TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới) đã làm sáng tỏ những lỗ hổng có thể tồn tại trong lệnh trừng phạt của Mỹ và những nỗ lực liên tục từ Trung Quốc nhằm tiếp cận các công nghệ sản xuất chip tiên tiến.

"Các lệnh trừng phạt dài hạn của Mỹ với ngành bán dẫn Trung Quốc đã được chứng minh là có lỗ hổng", Arisa Liu, Giám đốc tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nhận xét.

Phát hiện trên gây ra cuộc tranh giành để tìm lời giải thích cho những gì đã xảy ra. Kể từ đó, TSMC đã dừng giao hàng cho khách hàng giấu tên sau khi phát hiện ra một trong những chip mà họ cung cấp cho khách hàng này lại nằm trong sản phẩm Huawei, Reuters đưa tin.

TSMC đã thông báo cho chính phủ Mỹ và các cơ quan chức năng Đài Loan về sự việc, một hành vi có thể vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Trong tuyên bố trước đó, TSMC cho biết không cung cấp chip cho Huawei kể từ tháng 9.2020.

Huawei nói rằng đã không "sản xuất bất kỳ chip nào thông qua TSMC sau khi thực hiện các sửa đổi do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra với quy định về sản phẩm trực tiếp nước ngoài nhắm vào Huawei hồi năm 2020".

Hiện tại, vẫn còn nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Thời gian, quy mô và phạm vi hợp tác của khách hàng bị tình nghi với TSMC vẫn chưa được biết đến. Mối quan hệ giữa khách hàng này với Huawei cũng chưa rõ ràng.

Không chắc chắn liệu các chip do TSMC sản xuất mà TechInsights phát hiện có được đưa vào phần cứng Huawei thông qua cùng một khách hàng hay không.

Dù Huawei có tiếp cận trực tiếp vào năng lực sản xuất chip tiên tiến của TSMC, hay thông qua các kênh gián tiếp, điều này thể hiện rằng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt của Mỹ nhắm vào gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã bị phá vỡ, theo các nhà phân tích.

Phát hiện của TechInsights phần lớn không được đưa tin trên các phương tiện truyền thông chính thức ở Trung Quốc, dù một số tài khoản mạng xã hội đã dịch và trích dẫn những bản tin của phương tiện truyền thông nước ngoài.

Công ty Xiamen Sophgo Technologies (Trung Quốc) gần đây đã đặt hàng TSMC sản xuất hàng trăm ngàn chip có thiết kế giống hệt một sản phẩm của Huawei.

Xiamen Sophgo Technologies được thành lập và một phần thuộc sở hữu của Micree Zhan, Giám đốc điều hành Bitmain, công ty Trung Quốc chuyên sản xuất máy tính dùng để khai thác tiền số và bộ xử lý cho các hệ thống AI. Bitmain là một trong những khách hàng Trung Quốc quan trọng nhất của TSMC.

Xiamen Sophgo Technologies tuyên bố họ chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ mối quan hệ kinh doanh trực tiếp hoặc gián tiếp nào với Huawei và hoạt động kinh doanh cũng chưa bao giờ vi phạm bất kỳ luật kiểm soát xuất khẩu nào từ Mỹ.

Theo những người trong ngành, sự việc nêu trên cho thấy Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn trong việc sản xuất chip tiên tiến và rất khó để đạt được tiến bộ ở lĩnh vực này nếu không có công nghệ hoặc công cụ nước ngoài như máy quang khắc cực tím từ nhà cung cấp ASML (Hà Lan).

Khi chip Huawei Ascend trở thành chất bán dẫn AI hàng đầu Trung Quốc, chúng hiện là trọng tâm trong nỗ lực tự cung tự cấp của quốc gia này. Tính đến năm nay, hệ sinh thái Ascend có 40 đối tác phần cứng, 1.600 đối tác phần mềm và 2.900 giải pháp ứng dụng AI, theo Huawei.

Huawei lần đầu tiên phát hành chip AI Ascend 910 vào năm 2019, bốn tháng sau khi công ty bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ. Kể từ đó, Huawei vẫn giữ kín khả năng của mình. Huawei chưa bao giờ chính thức phát hành Ascend 910B, phiên bản nâng cấp của Ascend 910. Thay vào đó, Ascend 910B chỉ xuất hiện mà không được công bố tại Trung Quốc vào năm 2023, nhưng nhanh chóng trở thành sự thay thế phổ biến nhất cho các GPU Nvidia.

Vào tháng 6, một giám đốc cấp cao Huawei phát biểu tại một diễn đàn rằng Ascend 910B ngang tầm với Nvidia A100 - một trong những GPU phổ biến nhất trong ngành AI. Wang Tao, Giám đốc điều hành của hệ sinh thái chip Huawei Ascend và Kunpeng, nói "không có nhiều khác biệt" về hiệu suất tính toán giữa 910B và Nvidia A100 khi nói đến việc đào tạo các mô hình AI lớn.

Tuy nhiên, những thông tin quan trọng về Ascend 910B, gồm quy mô sản lượng và nhà sản xuất, vẫn chưa được tiết lộ. Một nguồn tin trong ngành nói với trang SCMP rằng Huawei đã bắt đầu gửi Ascend 910C (chip AI thế hệ thứ ba là phiên bản nâng cấp của Ascend 910B) cho một nhóm khách hàng lớn để thử nghiệm và cấu hình.

Bài liên quan
Trung Quốc khuyến khích dùng chip AI Huawei thay cho Nvidia
Các nguồn tin của trang SCMP cho biết người dùng chip AI tại Trung Quốc đã được tư vấn nên ưu tiên giải pháp thay thế trong nước, gồm cả chip Huawei.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO Huawei: ‘Công nghệ Mỹ rất tuyệt, chúng tôi không thể nói chắc rằng có thể tồn tại’