Trong bối cảnh thực hiện giãn cách kéo dài theo Chỉ thị 16, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà còn tạo áp lực rất lớn đối với các DN trong tổ chức sản xuất. Vấn đề bức thiết chính là vắc xin

Chậm trễ vắc xin tạo áp lực lớn cho chuỗi cung ứng ngành thực phẩm thiết yếu

Tú Viên | 06/08/2021, 21:48

Trong bối cảnh thực hiện giãn cách kéo dài theo Chỉ thị 16, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà còn tạo áp lực rất lớn đối với các DN trong tổ chức sản xuất. Vấn đề bức thiết chính là vắc xin

Ngày 6.8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID -19 và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch, đồng thời lắng nghe những khó khăn, vướng mắc về thực hiện mô hình “3 tại chỗ” tại một số doanh nghiệp (DN) sản xuất lương thực, thực phẩm chủ lực của TP.HCM.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, công ty đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành mục tiêu kép (vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất). Mặc dù, gặp một số khó khăn do trước đó công ty có xuất hiện một số ca mắc COVID-19 khi tiến hành xét nghiệm định kỳ, tuy nhiên với sự hỗ trợ của chính quyền và cơ quan y tế địa phương, Vissan đã tập trung xử lý và nhanh chóng duy trì ổn định hoạt động.

Hiện nay, sản lượng thực phẩm tươi sống đã cung ứng đạt 80% so với trước đây. Dự kiến trong khoảng 2 đến 3 ngày tới, nguồn thực phẩm tươi sống sẽ cung ứng đạt mức ổn định 100% và từ ngày 15-8 đến 20-8, mặt hàng thực phẩm chế biến sẽ cung ứng đảm bảo sản lượng như trước.

thuc-pham.jpeg

Chế biến giò chả tại Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre-Ảnh: Internet

Tuy nhiên, để duy trì sản xuất, lãnh đạo Vissan đề xuất, cần ưu tiên tiêm vắc xin cho 100% người lao động tại công ty vì hiện vẫn còn hơn 700 nhân viên chưa được tiêm vaccine mũi 1; công ty được chủ động quản lý F1 sau thời gian cách ly theo quy định của Bộ Y tế (có sự hỗ trợ từ cơ quan y tế).

Do một số đặc thù trong hoạt động kinh doanh – sản xuất ngành hàng thực phẩm tươi sống, Vissan mong muốn UBND TP.HCM quan tâm và ưu tiên về thời gian di chuyển cho bộ phận giết mổ, giao hàng và bán hàng thực phẩm tươi sống trong khoảng thời gian 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Cần xem xét và tách chi phí phòng, chống dịch COVID-19 và chi phí sản xuất.

Bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch HĐQT Công ty Vifon cho rằng, công ty đã triển khai sản xuất “3 tại chỗ” được hơn 1 tháng, sau 4 lần xét nghiệm thì người lao động đều âm tính. Nhưng khi thực hiện có nhiều vấn đề phát sinh như chi phí tăng gấp nhiều lần trong khi năng lực sản xuất giảm chỉ còn khoảng 45% vì số lao động giảm từ 1.300 nay chỉ còn 500 người lao động. Hiện công ty nợ rất nhiều sản phẩm để cung cấp cho các đối tác.

Do đó, công ty mong muốn với các DN sản xuất hàng thiết yếu nên xem xét có cần thực hiện “3 tại chỗ” hay triển khai sản xuất bằng cách nào đó để giúp DN khôi phục được năng lực 100%, giải toả các đơn hàng đang bị thiếu. Hiện Vifon đang xuất khẩu ra nhiều thị trường nhưng nếu năng lực sản xuất không đủ thì nhiều khả năng DN sẽ bị phạt hợp đồng, thậm chí mất thị trường.

Về vấn đề vắc xin cho DN, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – thực phẩm TP.HCM cho rằng, các DN rất khó khăn khi tiếp cận, cho dù họ đã hoàn thành việc cập nhật dữ liệu người lao động lên hệ thống phần mềm của TP.HCM nhưng cho đến nay vẫn chưa được thông báo về chỉ tiêu tiêm trong đợt này.

Bà Lý Kim Chi cho biết “Việc chậm trễ tiêm vắc xin khiến DN đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục duy trì sản xuất “3 tại chỗ”, điều này đang tạo áp lực rất lớn cho chuỗi cung ứng của ngành. Bởi, các DN chưa được tiêm này là đơn vị sản xuất, cung ứng nguyên liệu chủ lực nhóm hàng thực phẩm thiết yếu của ngành".

"Hội đề nghị, TP.HCM phân bổ về cho các quận, huyện để các địa phương khẩn cấp tiêm trong đợt 5 lần này, cụ thể là 11 DN với tổng số 1.949 mũi tiêm. Đây chỉ là số lượng đề nghị cho các DN sản xuất hàng cấp thiết và đề nghị TP.HCM có phương án giải quyết cho người lao động trong cùng một DN được tiêm vắc xin cùng đợt, dứt điểm cho từng DN để thuận tiện triển khai sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình mới”, bà Lý Kim Chi nói.

Để làm rõ những kiến nghị của DN, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho hay, ngày 3.8 vừa qua, UBND TP đã tổ chức buổi làm việc để lắng nghe và giải quyết cụ thể từng vấn đề cho các DN trong Hội Lương thực, thực phẩm.

Những vấn đề còn tồn đọng như tiêm vắc xin, cho phép người lao động sau khi hoàn thành thời gian cách ly y tế tập trung được quay trở lại làm việc ngay, khó khăn về thời gian làm việc trùng với khung thời gian hạn chế người dân ra đường (từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau), theo bà Phan Thị Thắng, TP sẽ sớm triển khai các giải pháp linh hoạt để đảm bảo an toàn cho người lao động, chủ động để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Phát biểu kết luận, chỉ đạo buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “TP.HCM phải phòng, chống dịch trong thời gian dài nên có một số giải pháp chỉ phù hợp trong thời gian ngắn, còn về lâu dài, không thể áp dụng các giải pháp giống nhau cho cả TP; ngay trong lực lượng chống dịch, cũng như các ngành sản xuất cũng có mức độ quan trọng rất khác nhau. Do vậy, TP.HCM cần chủ động, linh hoạt hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả".

Theo thống kê, hiện nay toàn ngành thủy sản Việt Nam có hơn 4 triệu lao động trên toàn chuỗi, riêng khu vực chế biến là hàng trăm ngàn lao động, tập trung phần lớn ở các tỉnh phía Nam. Nhiều nhà máy sử dụng từ 500 - 3.000 lao động, một số nhà máy lớn sử dụng 5.000 - 10.000 người, mật độ lao động cao, là nguy cơ tiềm ẩn sự lây nhiễm dịch bệnh rất lớn.

Đối với các đơn vị bán lẻ, DN sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu cũng đang phải nỗ lực hết mình nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa của người dân. Không riêng gì lĩnh vực bán lẻ, nhiều lĩnh vực sản xuất khác, tỷ lệ công nhân được tiêm vắc xin COVID-19 hiện nay còn rất thấp.

Tại cuộc họp trực tuyến để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do Phòng thương mại và công nghiệp (VCCI) tổ chức chiều 4.8, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay, chưa đầy 1% trong tổng nhu cầu của doanh nghiệp dệt may được tiêm chủng, nên người lao động không yên tâm đi làm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chậm trễ vắc xin tạo áp lực lớn cho chuỗi cung ứng ngành thực phẩm thiết yếu